Thứ 7, 09/11/2024, 22:26[GMT+7]

Giữ gìn nét đẹp văn hóa lễ hội đền Mẫu

Thứ 6, 10/05/2024 | 15:32:21
23,391 lượt xem
Đền Mẫu, phố Đệ Nhị, nay là phố Trần Hưng Đạo, phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) là một trong những ngôi đền nằm trong hệ thống di tích thờ đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ngôi đền là một trong những nơi thờ cúng linh thiêng, trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của tỉnh Thái Bình.

Rước kiệu Mẫu tại lễ hội.

Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị thần chủ trong tín ngưỡng thờ Tam, Tứ Phủ của người Việt cổ. Cùng với Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh tứ bất tử trong truyền thuyết dân gian, con gái của Vua Cha Ngọc Hoàng Đại Đế. Ngài nổi tiếng với ba lần đầu thai giáng trần vì lòng vị tha mong muốn cứu khổ, độ hóa con dân. Đền Mẫu, phường Lê Hồng Phong thờ Vân Hương tam vị Thánh Mẫu “Liễu Hạnh công chúa tôn thần - Quỳnh cung Duy Tiên phu nhân tôn thần - Quảng cung Quế Anh phu nhân tôn thần”, chính là ba lần hóa thân của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. 

Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị thần có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của nước ta. Hình tượng đức Thánh Mẫu có sức sống bền bỉ và trường tồn trong tâm thức người dân Việt Nam. Ngoài tên Thánh Mẫu Liễu Hạnh ra, người còn được biết đến với tên khác như Mẫu Đệ Nhị Tiên, Thiên Tiên Thánh Mẫu, Mã Hoàng Bồ Tát... Không chỉ được dân gian tôn sùng, mà Mẫu còn được các triều đại phong kiến từ thời nhà hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều sắc, tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân”, “Thượng thượng thượng đẳng tối linh, vị bách thần chi thủ”, “Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương”... Sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh gắn liền với 3 lần giáng trần của Mẫu. Chính trong các lần giáng trần này, dân gian lưu truyền nhiều giai thoại về công đức và chiến công của chúa Liễu Hạnh. Từ việc bà ủng hộ tiền bạc để đắp đê ngăn lũ, đến xây dựng cầu cống, mở đường mở sá, cùng biết bao công trình giúp cuộc sống của nhân dân thêm phần thuận tiện khác. Thậm chí, bà còn ra tay làm phép để phù hộ nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm. Dân gian truyền lại rằng, lần giáng trần thứ ba của bà là vào lúc Trịnh Nguyễn phân tranh, nhân dân lầm than cơ cực. Bà đi khắp nơi để cứu nhân độ thế, trừng trị kẻ ác. Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân ta tôn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh bằng sự ngưỡng vọng sâu sắc, rộng lớn như vậy; sự ngưỡng vọng tôn thờ đó đã trở thành một niềm tin tự giác thấm sâu vào tình cảm, nhận thức của nhân dân hướng tới những giá trị cao đẹp về đạo lý truyền thống của dân tộc ta. 

Tương truyền đền Mẫu, phường Lê Hồng Phong đã hiện diện từ cách đây hàng trăm năm và được xây dựng lại kiên cố vào năm Bảo Đại thứ 2, năm 1926. Ngôi đền chính là đền Mẫu bản tỉnh của tỉnh Thái Bình trong lịch sử. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đền Mẫu nằm trong khu Trần Phú là khu vực chịu sự tàn phá nặng nề nhất của thành phố Thái Bình do khu vực này có cầu Bo - cây cầu huyết mạch nằm trên quốc lộ 10, nối liền Hải Phòng, Thái Bình với Nam Định và các tỉnh phía Nam, nên đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ; vì thế, ngôi đền Mẫu cũng bị ảnh hưởng. Tất cả các công trình cổ kính xưa kia chỉ còn giữ lại được bức tắc môn hoành mã là cổng đi vào phía bên tả của ngôi đền. Năm 2019, trên khu đất đền Mẫu cũ, nhân dân thập phương đã góp sức xây dựng lại đền với quy mô bề thế, khang trang. Năm 2020, đền Mẫu được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. 

Ông Lại Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong cho biết: Đền Mẫu với lịch sử lâu đời là nơi hội tụ tâm linh của đông đảo người dân thị xã Thái Bình xưa. Ngày nay, đền là địa điểm bảo tồn, gìn giữ các nghi thức thờ cúng trong tín ngưỡng thờ Mẫu theo truyền thống văn hóa dân tộc. Không gian văn hóa thờ Mẫu tại di tích có ý nghĩa quan trọng góp phần tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức và hiểu biết của công chúng về vùng đất Thái Bình qua các thời kỳ lịch sử. Năm 2023 đánh dấu lần đầu tiên lễ hội đền Mẫu được phục dựng và tổ chức sau 50 năm với nhiều nghi thức truyền thống. Năm nay, lễ hội đền Mẫu đã có nhiều hoạt động, nghi thức truyền thống ngoài lễ rước kiệu Mẫu, như lễ cáo yết, chương trình tế lễ, lễ tế quan, chương trình nghệ thuật. Lễ hội có sự tham gia của nhiều đoàn tế, đoàn nghi lễ truyền thống, đoàn trống hội, đoàn múa lân sư rồng, cùng các tăng, ni, Phật tử. 

Đoàn múa lân sư rồng tại lễ hội đền Mẫu năm 2024.

Ông Đoàn Công Nhiên, tổ trưởng tổ bảo vệ di tích đền Mẫu cho biết: Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh và việc thờ phụng ngài của nhân dân đất Việt là những trang văn hóa đặc trưng, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, mãi mãi trường tồn với thời gian. Lễ hội năm nay, phường Lê Hồng Phong cùng với nhân dân thập phương tổ chức rước Mẫu vân du sông Trà và các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi thành phố Thái Bình, với mục đích nhớ về cội nguồn, nét đẹp văn hóa từ xa xưa. Đó chính là truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, để con người tự răn dạy, trau dồi đạo đức làm người. 

Bà Hoàng Thị Ngoan, đoàn tế tổ Phật tử đền Mẫu chia sẻ: Chúng tôi tập trung tập luyện để có những bài tế, lời ca điệu múa phục vụ lễ hội, sao cho đúng với ý nghĩa của lễ hội là bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Lễ hội đền Mẫu, phường Lê Hồng Phong nhằm tôn vinh công đức của tiền nhân trong sự nghiệp giữ nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc; đồng thời góp phần phục dựng, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa độc đáo của lễ hội truyền thống; tuyên truyền, quảng bá các giá trị khu di tích, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thị xã, 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình.

Cô trò Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh thắp hương tại đền Mẫu.

Minh Nguyệt