Thứ 7, 23/11/2024, 10:47[GMT+7]

Độc đáo tục thỉnh kinh rước nước tại lễ hội Bổng Điền

Thứ 2, 27/05/2024 | 08:49:14
20,130 lượt xem
Chứa đựng nhiều giá trị sâu sắc và mang dấu ấn đặc trưng của cư dân vùng châu thổ sông Hồng, lễ hội truyền thống Bổng Điền, xã Tân Lập (Vũ Thư) đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, tục thỉnh kinh rước nước và rước kiệu tại lễ hội mang nét riêng biệt, độc đáo, là điểm nhấn của lễ hội.

Nghi thức rước kiệu Mẫu tại lễ hội Bổng Điền.

Truyền thuyết kể lại, dưới thời vua Hùng, Tĩnh Bộ Long Hầu đại vương và Tạp Bộ Thủy Thần đại vương là hai vị tướng quân giỏi cùng anh dũng tử trận trên dòng sông Hồng khi mới ngoài 20 tuổi. Cảm phục khí phách của 2 vị tướng quân trẻ, dân làng Bổng Điền tôn thờ 2 ông làm thành hoàng làng và lập đình thờ. Đình Bổng Điền hiện nay là nơi tôn thờ 2 vị thần ấy.

Tương truyền, đầu thế kỷ I, ở Bổng Điền trang xưa, nay là xã Tân Lập, huyện Vũ Thư có vợ chồng ông bà Đỗ Hùng, Lê Thị đã sinh được một người con gái tên là Quế Hoa có tài sắc tuyệt trần và chí khí hơn người. Bấy giờ, thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định tham lam tàn ác đã vơ vét, giết hại biết bao nhiêu dân lành. Nghe tiếng Quế Hoa xinh đẹp, hắn bắt bớ, sát hại ông Đỗ Hùng nhằm quy phục Quế Hoa nhưng không được. Căm hận quân thù, Quế Hoa chiêu mộ hàng nghìn nghĩa sĩ theo Hai Bà Trưng và Bát Nạn tướng quân kéo cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc xâm lược phương Bắc. Trong một trận giao tranh quyết liệt ở phủ Lâm Thao, bị kẻ thù dồn ép, Quế Hoa đã gieo mình xuống sông Hồng tự vẫn, quyết không sa vào tay giặc. Thi thể bà theo dòng sông, đến trang Hương Điền, nay là xã Việt Hùng (Vũ Thư) thì dạt vào bờ. Dân làng nhận ra thi thể Quế Hoa liền an táng, xây lăng mộ ở ngay bờ sông và lập đền thờ bà ở trang Bổng Điền quê nhà.

Ngoài lập đình, đền thờ, từ xa xưa, cứ đến ngày 13 - 15/3 âm lịch hàng năm, dân làng Bổng Điền lại mở lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao của nữ tướng Quế Hoa và các vị thành hoàng làng đã có công đánh giặc, bảo vệ quê hương. Lễ hội truyền thống có nhiều nghi thức cổ truyền, độc đáo như: Lễ thỉnh kinh rước nước; nghi lễ cúng Hà Bá trên sông; lễ phụng nghinh bát nhang; lễ rước kiệu Mẫu... Trong đó, tục thỉnh kinh rước nước và rước kiệu Mẫu là những nghi thức tâm linh quan trọng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Nghi lễ thỉnh kinh, rước nước diễn ra vào ngày khai hội. Tại đình, đền Bổng Điền, thủ nhang và mạnh bái sẽ rước bát hương từ trong cung cấm, đặt lên ngai kiệu. Đúng giờ Tỵ, đoàn rước nước sẽ xuất phát từ khu di tích đình, đền Bổng Điền, trống dong cờ mở tiến ra bến sông Hồng. Đi đầu đoàn rước là cờ thần, trống chiêng, bát âm, bát bửu, chấp kích, kiệu phật đình, kiệu võng, điển nghi nam, điển nghi nữ, kiệu long đình, kiệu bát cống, kiệu hậu bành, theo sau là dân làng. Đến sông Hồng, xưa sẽ có thuyền nan, nay có tàu thuyền, phà chở các vị thiền sư và đại diện đoàn rước ra giữa ngã ba sông Hồng nơi thông thủy, nước sạch để thực hiện nghi lễ tụng kinh, thỉnh Phật, cúng thủy thần, thánh Mẫu, cầu cho mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi và xin nước thiêng đựng trong hai chiếc chóe to rước về đình, đền. Đúng giờ Ngọ, đoàn rước sẽ quay đầu cập bến sông Hồng, mang theo nước thiêng trở về đình, đền... Nước thiêng này được thờ tại đình, đền Bổng Điền. Trong suốt năm, vào các ngày lễ, ngày rằm, mùng 1, các trưởng tộc, dân làng thường đến đình, đền thắp hương và xin chút nước thiêng về để lấy lộc, cầu may cho dòng họ, gia đình.

Đoàn rước ra ngã ba sông Hồng để thực hiện nghi lễ thỉnh kinh, rước nước về đình, đền.

Ngoài rước nước, lễ hội Bổng Điền còn có nghi thức rước kiệu Mẫu (kiệu nữ tướng Quế Hoa) từ đền lên lăng mộ của bà ở thôn Hương Điền, xã Việt Hùng. Vào ngày chính hội, đoàn rước Mẫu rực rỡ sắc màu cờ hội, trống chiêng vang dội, bát bửu uy nghiêm như tái hiện lại cuộc xuất quân năm xưa của nữ tướng Quế Hoa. 

Bà Đặng Thị Huyền, thôn Tân Đệ, xã Tân Lập từng đảm nhận vai trò mạnh bái nữ, thủ hiệu kiệu Mẫu tại lễ hội Bổng Điền cho biết: Tham gia rước kiệu có hàng trăm tráng đinh khỏe mạnh được lựa chọn trong các gia đình hiền đức. Đoạn đường rước kiệu dài khoảng 5km, vì vậy trong hành trình rước, kiệu Mẫu sẽ dừng nghỉ tại 1 đền, 1 chùa của làng. Tại đây, các trai kiệu và phù giá được nhân dân trong các làng khao tiệc, mừng công. Sau đó, đoàn rước tiếp tục hành trình, đến lăng mộ, kiệu Mẫu thường quay tròn, biểu trưng cho các vị thánh thần vui mừng. Sau lễ tạ ơn tại lăng, đoàn rước sẽ trở về khu di tích đình, đền Bổng Điền. Hành trình rước kiệu Mẫu gian nan, vất vả nhưng dân làng vẫn nô nức tham gia với ước mong được đức Thánh Mẫu ban phúc, ban lộc và gặp nhiều may mắn trong năm.

Trải qua lịch sử và biến thiên thăng trầm của thời gian, lễ hội truyền thống Bổng Điền ngày nay vẫn lưu giữ vẹn nguyên các giá trị văn hóa tốt đẹp và các phong tục, nghi lễ cổ, độc đáo mang đậm bản sắc cư dân vùng châu thổ sông Hồng.


Ông Trần Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Tân Lập (Vũ Thư)

Lễ hội truyền thống Bổng Điền trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là vinh dự lớn nhưng cũng đòi hỏi trách nhiệm cao hơn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tân Lập trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội. Cùng với công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân về giá trị của lễ hội, địa phương sẽ tăng cường công tác quản lý, định hướng tổ chức lễ hội theo hướng khuyến khích khôi phục, gìn giữ, phát huy các hoạt động văn hóa, phong tục, nghi lễ cổ truyền của cha ông.

Ông Nguyễn Song Toàn, Phó ban quản lý di tích, Phó ban tổ chức lễ hội truyền thống Bổng Điền

Lễ hội truyền thống Bổng Điền hàng năm cần huy động khoảng 400 - 500 người tham gia các nghi thức, tế lễ cổ truyền. Vì vậy, trước khi lễ hội diễn ra vài tháng, chúng tôi đã họp, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, phân bổ lực lượng về từng thôn, xóm. Một nét đẹp văn hóa ở làng quê Tân Lập là từ xưa tới nay, bà con các làng trong xã đều vào cuộc, ủng hộ rất nhiệt tình, người góp công, người góp của, đoàn kết, bảo nhau tham gia chuẩn bị, tổ chức, phục vụ lễ hội bảo đảm trang nghiêm và sôi nổi. Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chúng tôi càng phấn khởi, tự hào và quyết tâm gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo của lễ hội quê hương.

Ông Nguyễn Văn Hán, thôn Bổng Điền Nam, xã Tân Lập
Năm nay tôi 86 tuổi. Tôi được chọn làm phù giá trong đoàn rước kiệu từ khi mới 13 tuổi. Bản thân tôi được chứng kiến những lễ hội Bổng Điền xưa vẫn diễn ra đều đặn bất chấp ngăn trở, cấm đoán của chính quyền phong kiến và kẻ thù xâm lược. Đối với bản thân tôi và mỗi người dân Tân Lập, lễ hội quê hương vừa là dịp bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với các bậc tiền nhân đã có công đánh giặc giữ nước, vừa mang ý nghĩa tâm linh, giá trị tinh thần vô cùng đặc biệt. Tôi rất mong lễ hội quê hương sẽ được bảo tồn, gìn giữ đến muôn đời sau.


Quỳnh Lưu