Thứ 7, 23/11/2024, 14:00[GMT+7]

Chi hội Mỹ thuật Với những bước chuyển mình tích cực

Thứ 2, 09/09/2013 | 08:47:36
1,212 lượt xem
Việc sáng tác với các họa sĩ không chỉ là thể hiện niềm đam mê mỹ thuật mà còn góp phần cổ động, phản ánh phong trào xây dựng nông thôn mới, thể hiện tinh thần dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tác phẩm “Bình yên trên biển đảo” của họa sĩ Đỗ Đức Độ.

Đến trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, chúng tôi được họa sĩ  Nguyễn Quốc Việt, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật dẫn đi tham quan những tác phẩm được chọn tham dự Triển lãm Mỹ thuật khu vực II - Đồng bằng sông Hồng lần thứ XVIII năm 2013 tại Bắc Ninh. Không giấu được sự phấn khởi, họa sĩ Việt cho biết: “Chưa năm nào Chi hội mở trại sáng tác lại thu hút đông đảo họa sĩ tham gia như năm nay, số lượng tác phẩm tăng lên, nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Việc sáng tác với các họa sĩ không chỉ là thể hiện niềm đam mê mỹ thuật mà còn góp phần cổ động, phản ánh phong trào xây dựng nông thôn mới, thể hiện tinh thần dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Chi hội Mỹ thuật là một trong 7 thành viên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Năm 1996, khi Triển lãm Mỹ thuật khu vực II - Đồng bằng sông Hồng được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Tây, Thái Bình có 17 họa sĩ tham gia. Thời gian này, mặc dù lực lượng họa sĩ so với các tỉnh khác trong khu vực còn khiêm tốn nhưng phong trào sáng tác khá sôi nổi, phản ánh kịp thời quá trình đổi mới và phát triển của quê hương Thái Bình. Vì thế, Chi hội Mỹ thuật ngày càng thu hút nhiều họa sĩ trẻ và những người yêu môn nghệ thuật này tham gia, nâng số hội viên lên 26 người. Các họa sĩ tích cực sáng tác, đầu tư nhiều hơn cho chất liệu và tác phẩm. Một số họa sĩ có tranh giới thiệu và trưng bày tại Hà Nội, được đồng nghiệp và Hội Mỹ thuật Việt Nam, các nhà lý luận phê bình văn học nghệ thuật đánh giá cao.

Năm 2013, khi Ban Chấp hành mới đi vào hoạt động, phong trào sáng tác của Chi hội có những bước chuyển mình tích cực. Sau chuyến đi thực tế tại Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh), 10 ngày cuối tháng 7 mở trại sáng tác ở Thái Thụy và Tiền Hải, với chủ đề “Biển, đảo quê hương” và “Phong trào xây dựng nông thôn mới”, các họa sĩ đã cho “ra lò” hơn 70 tác phẩm trong đó 40 tác phẩm về chủ đề biển, đảo quê hương, 13 tác phẩm về đề tài xây dựng nông thôn mới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Mỹ thuật, giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh cho biết: Các tác phẩm trong trại sáng tác mỹ thuật năm nay không chỉ tăng về số lượng so với các năm trước mà chất lượng cũng được nâng lên. Không ít tác phẩm của  các họa sĩ trẻ đã tạo được một “làn gió mới” với nhiều cái “lạ” trong cách thể hiện. Nếu như trước kia, thế hệ họa sĩ đàn anh đã kinh qua khói lửa chiến tranh, các sáng tác thiên về lối tả thực, hiện thực xã hội chủ nghĩa thì nay lớp họa sĩ trẻ được đào tạo bài bản, nghiệp vụ chuyên môn vững, phong cách  gần gũi hơn với nghệ thuật đương đại. Các họa sĩ trẻ quan sát sự vật, hiện tượng với những điểm nhìn, góc nhìn khác hẳn với lớp họa sĩ đàn anh; không gian, sự vật trong mỗi tác phẩm thường mang tính ước lệ, không lệ thuộc chặt chẽ vào không gian thực, sự vật thực. Người thưởng thức, vì thế đòi hỏi phải có một phông nền kiến thức về hội họa nhất định mới có thể  “đọc” được cảm xúc, ý tưởng của tác giả.

Đến thăm gia đình họa sĩ Đỗ Như Điềm, Đỗ Đức Độ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nghe cha con ông chia sẻ ý tưởng sáng tác. Vẫn là tình yêu với đất nước, với biển, đảo quê hương nhưng mỗi họa sĩ lại có cách thể hiện rất khác nhau.  Họa sĩ Đỗ Như Điềm cho biết: Tác phẩm “Tiếng sáo diều trên biển đảo Trường Sa” là bức tranh về một anh lính hải quân ở đảo Trường Sa đang hướng dẫn các em thiếu nhi chơi diều, bên cạnh đó có một con diều đang tự do chao liệng trên bầu trời xanh. Bức tranh  gửi gắm khát vọng về sự yên bình trên biển đảo quê hương. Nơi đó, người lớn, thanh niên  sẽ dạy những đứa trẻ làm diều, chơi diều, đó là những cánh diều nối liền khoảng cách giữa đất liền và Trường Sa.

Trong khi đó, họa sĩ Đỗ Đức Độ với tác phẩm “Bình yên trên biển đảo” lại có cách lý giải rất khác người cha của mình. Anh cho hay:  “Bình yên trên biển đảo” không phải ai cũng có thể nhìn ra bởi góc nhìn của người họa sĩ từ trên xuống dưới, rất khó quan sát, đảo Trường Sa với những mảng màu xen kẽ giống như cuộc sống trên đảo vốn có nhiều màu sắc được thể hiện theo bút pháp mang tính ước lệ, tượng trưng; trên bầu trời những cánh hải âu dang rộng đôi cánh. Bức tranh ẩn chứa khát vọng về cuộc sống bình yên đồng thời thể hiện ý thức bảo vệ chủ quyền dân tộc, bảo vệ sự bình yên của biển, đảo để những cánh hải âu tự do bay lượn.

Một số tranh của các họa sĩ tham dự triển lãm lần này nằm trong chủ đề xây dựng nông thôn mới nhưng thay vì phản ánh những cái mới, phản ánh quê hương đang từng ngày “thay da đổi thịt”, các tác giả có xu hướng trở về với những nét đẹp vốn đi vào tiềm thức của người dân như phong cảnh ngõ xóm, đường quê.  Người họa sĩ dường như muốn “bảo lưu” những nét đẹp truyền thống của quê hương trước sự phát triển của xã hội, nhắc nhở thế hệ trẻ về những giá trị văn hóa nguồn cội.

Tiễn chúng tôi ra về, họa sĩ Nguyễn Quốc Việt, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật bày tỏ niềm tin vào các họa sĩ trẻ. Với sức trẻ và sự đam mê, cùng vốn kiến thức nghệ thuật được đào tạo qua trường lớp cộng với tình yêu quê hương, đất nước, tin rằng trong tương lai không xa, Chi hội Mỹ thuật sẽ là cái nôi trưởng thành của nhiều họa sĩ nổi danh.

Hương Huyền

  • Từ khóa