Thứ 7, 09/11/2024, 22:23[GMT+7]

Quy ước trong xây dựng văn hóa dòng họ

Thứ 6, 09/08/2024 | 09:28:09
14,670 lượt xem
Trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, hoạt động của các dòng họ đạt nhiều kết quả tích cực, phát huy truyền thống gia tộc đồng thời nâng cao tính cố kết cộng đồng. Từ việc hoàn thiện, thực hiện quy ước dòng họ, mỗi gia đình, cá nhân không chỉ là hạt nhân tiêu biểu trong dòng họ mình mà còn góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm phát triển.

Mọi hoạt động thu, chi trong dòng họ được minh bạch, tạo sự đồng thuận trong các thành viên.

Gắn kết dòng tộc 

Qua quá trình hình thành, phát triển, quy ước của mỗi dòng họ đều phân định rõ về hệ thống tổ chức như hội đồng gia tộc, trưởng họ, trưởng chi, các thành viên và quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với dòng họ... trong đó, có quy định cụ thể về việc thờ cúng tổ tiên. Ca dao xưa có câu: Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn/Nước có nguồn mới bể rộng, sông sâu. Bởi vậy, hướng về nguồn cội, nhớ ơn tổ tiên luôn là nét đẹp trong văn hóa mỗi dòng họ. Trải qua bao thế hệ, việc gắn kết dòng tộc, tri ân công lao to lớn của tổ tiên đã trở thành cầu nối, không chỉ gắn kết giữa truyền thống và hiện đại mà còn giữa các gia đình, thành viên trong dòng tộc với nhau.

Đối với họ Đặng Việt Nam, từ việc thực hiện tộc ước, cứ tới ngày giỗ tổ, con cháu dòng họ từ mọi miền Tổ quốc lại tề tựu đông đủ tại di tích quốc gia từ đường Tiến sĩ Đặng Nghiêm, Đặng Diễn ở xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) - nơi được coi là đất tổ của dòng họ Đặng trong cả nước. Ông Đặng Đình Dung, trưởng tộc thủy tổ tại thôn An Để, xã Hiệp Hòa cho biết: Sau quá trình hàng trăm năm từ đường dòng họ được đưa vào sử dụng, xuống cấp nghiêm trọng, tri ân công lao to lớn của tổ tiên, con cháu từ Nam ra Bắc đã họp bàn, xác định những phần việc cụ thể cần triển khai thực hiện. Bởi vậy, ngay sau khi được sự chấp thuận của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, người góp công, góp của, người hiến đất tôn tạo từ đường khang trang, giữ nguyên lối kiến trúc cổ. Việc trông coi, gìn giữ từ đường được thảo luận, thống nhất, quy định công khai để tất cả con cháu đồng thuận thực hiện. Mọi hoạt động thu, chi trong dòng họ thực hiện minh bạch nên hiện nay con cháu đồng tình tiếp tục góp công góp sức xây dựng khuôn viên, bảo tồn di tích. 

Phát huy tộc ước, hoạt động của các dòng họ không chỉ thu hút sự tham gia của trai đinh mà ngày càng thu hút con gái, con dâu vào việc họ, trong đó, nhiều dòng họ đã thành lập CLB con gái, con dâu. Tháng 10/2023, Hội đồng họ Phạm trên địa bàn tỉnh tổ chức lễ ra mắt CLB con gái, con dâu họ Phạm bao gồm gần 50 thành viên với mục tiêu phối hợp tổ chức đa dạng hoạt động gắn kết dòng họ, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Với dòng họ Tạ, hội con gái dòng họ thành lập và duy trì nhiều hoạt động thiết thực đến nay đã tròn 20 năm. Bà Tạ Thị Khuyến, xã Minh Hòa (Hưng Hà) cho biết: Từ hoạt động của hội, các chị em ngày thêm gần gũi với tổ tông của mình. Đồng thời, tương trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Hoạt động chủ yếu của hội hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái trưởng thành là những công dân có ích cho xã hội.  

Khuyến học khuyến tài 

Theo báo cáo của Hội Khuyến học tỉnh, năm 2023 toàn tỉnh có khoảng 61,2% số dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập. Các dòng họ quan tâm phát huy vai trò nòng cốt của ban khuyến học trong vận động xây dựng nguồn quỹ, chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài. Trong số này, dòng họ Bùi Văn, xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) xây dựng quy ước, thiết thực hỗ trợ con cháu dòng họ trong mọi mặt của đời sống xã hội. Qua 24 năm được thành lập, ban khuyến học dòng họ Bùi Văn gồm 13 thành viên đại diện cho các chi tộc, không chỉ giúp hội đồng gia tộc soạn thảo, bổ sung tộc ước mà còn đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động trao quỹ khuyến học hàng năm, động viên họ tộc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, gia đình văn hóa, dòng họ văn hóa theo tiêu chí của địa phương.

Ông Bùi Văn Chính, thành viên ban khuyến học dòng họ Bùi Văn chia sẻ: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong công tác khuyến học khuyến tài, dòng họ Bùi Văn tiến hành họp các chi, các ngành, các phái, thành lập ban soạn thảo nội quy, quy ước của dòng họ về cuộc sống, học tập, lao động, sản xuất, giữ lề lối và hương ước của làng xã, đưa ra quy định chung về công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho các con cháu. Không chỉ làm tốt nghĩa vụ của công dân trong làng, xã, mà các con cháu đi công tác làm tốt nghĩa vụ với cơ quan, đơn vị, không vi phạm pháp luật. Từ công tác khuyến học khuyến tài của dòng họ, ông bà chăm lo sản xuất, thanh niên tích cực lao động xây dựng cuộc sống văn hóa mới, đóng góp vào xây dựng nông thôn mới. 

Từ sự đồng thuận, công nhận và tự giác chấp hành của mỗi thành viên trong gia tộc, quy ước dòng họ không chỉ có chức năng điều tiết các mối quan hệ trong phạm vi dòng họ mà còn góp phần tạo nên những giá trị vật thể, phi vật thể, giúp cho mỗi dòng họ trường tồn và phát triển. 

Các thành viên dòng họ Bùi Văn, xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) thảo luận công việc chung của dòng tộc tại nhà thờ họ.

Tú Anh