Thứ 7, 23/11/2024, 10:43[GMT+7]

Độc đáo đèn lồng trung thu ở Đông Hưng

Thứ 2, 09/09/2024 | 08:49:40
26,242 lượt xem
Hàng chục năm qua, cứ đến gần tết Trung thu là nhân dân một số xã trên địa bàn huyện Đông Hưng lại cùng nhau “phô diễn tài năng” sáng tạo ra những chiếc đèn lồng khổng lồ với hình dáng độc đáo, rực rỡ sắc màu, có một không hai tại Thái Bình. Ngày 12 - 13/8 âm lịch này, đêm hội trăng rằm với chủ đề “Đèn lồng thắp sáng ước mơ” sẽ được các xã tổ chức nhằm mang đến cho trẻ em một mùa trăng tràn đầy yêu thương.

Video: 090924-PSU_DEN_TRUNG_THU.mp4?_t=1726040772

 

Chung tay làm đèn lồng khổng lồ

Tết Trung thu là dịp để mỗi gia đình và toàn xã hội thể hiện sự quan tâm, dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất. Chính vì thế, hàng chục năm qua, cứ đến dịp trung thu, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, nhân dân các xã Đông Hoàng, Đông Quan, Đông Động, Đông Phương... lại huy động được hàng chục triệu đồng và ngày công để làm ra những chiếc đèn lồng khổng lồ phục vụ các em thiếu nhi vui tết Trung thu. 

Ông Phạm Công Luận, Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng chia sẻ: Đông Hoàng là xã đầu tiên của huyện làm đèn lồng ngoại cỡ, được toàn dân hưởng ứng, lực lượng nòng cốt là các cựu chiến binh, người cao tuổi, thanh niên, phụ nữ... Năm đầu cả xã chỉ làm được 4 - 5 đèn lồng có kích thước to gấp 2 - 3 đồ vật, con vật thực, khung làm từ gỗ. Con em quê hương về vui trung thu thấy ấn tượng, từ đó cứ gần tới trung thu là nhiều người lại gửi tiền về ủng hộ để làm thêm nhiều chiếc đèn lồng to, đẹp hơn, khung đèn bằng inox. Xã tổ chức thi, chấm điểm và trao giải cho những đèn lồng có thẩm mỹ cao, độ sáng tốt, thông điệp hay để khuyến khích các thôn duy trì, phát triển phong trào làm đèn lồng khổng lồ như máy bay quân sự, rồng dài 10m, cá chép dài 7m, lồng đèn kéo quân cao 2,2m, rộng 1,5m, đèn ông sao to gấp 8 - 10 lần chiếc đèn nhỏ cầm tay... Trung thu năm nay toàn xã làm được trên 50 mô hình đèn lồng các cỡ, nhiều hơn năm trước gần 20 đèn, trong đó đèn lồng cao nhất đầu tư khoảng 50 triệu đồng, các đèn còn lại từ 5 - 10 triệu đồng/mô hình; ngoài ra còn có gần 1.000 chiếc đèn lồng nhỏ cầm tay.

Đến nay, thôn Châu Giang, xã Đông Quan đã hoàn thiện 25 mô hình đèn lồng, tăng 5 mô hình so với năm 2023, sẵn sàng cho đêm rước đèn tưng bừng, náo nhiệt, tràn ngập ánh sáng và sắc màu vào tối ngày 12/8 âm lịch. Đây là thôn có nhiều đèn lồng to, đẹp. Mỗi năm tiền huy động, ủng hộ tổ chức trung thu cho các cháu trên 100 triệu đồng, riêng tiền ủng hộ làm đèn lồng trên 60 triệu đồng, có người ủng hộ 10 - 20 triệu đồng, nhiều người ủng hộ hàng chục ngày công. 

Anh Bùi Thanh Bình, thôn Châu Giang, xã Đông Quan cho biết: Năm nào tôi cũng ủng hộ tiền và tham gia làm cùng mọi người suốt hơn 1 tháng. Chẳng ai bảo ai, cứ ai rảnh thì ra làm, ai biết làm gì thì làm đó, mỗi người một chân một tay dần hoàn thành mấy chục mô hình đèn. Các cháu vui là mình vui, quên cả mệt mỏi.

Đèn lồng siêu to khổng lồ của xã Đông Hoàng.

Háo hức đón đêm hội trăng rằm

Dù chưa đến đêm hội rước đèn vui đón chị Hằng nhưng không khí tết Trung thu đã tràn ngập khắp thôn xóm. Tưng bừng, náo nhiệt hơn cả là ở xã Đông Hoàng, xã Đông Quan với sự hiện diện của gần 100 chiếc đèn lồng độc đáo, khổng lồ, rực rỡ, hấp dẫn từ người già đến trẻ nhỏ. Ngoài mô hình đèn lồng truyền thống đèn lồng kéo quân, đèn ông sao, đèn cá chép, các xã còn làm đèn lồng theo các con vật trong 12 con giáp, theo các nhân vật trong truyện cổ tích, hoạt động lao động của người xưa. Sân chơi bổ ích cho các em nhỏ vui tết Trung thu này đã được duy trì nhiều năm qua, lan tỏa sang một số xã khác như Đông Động, Đông Á, Đông Phương... 

Em Đào Lê Phương Anh, 5 tuổi, xã Đông Hoàng cho biết: Em rất thích trung thu, tối nào em cũng cùng em gái đi tập múa hát, xem các bác làm đèn lồng. Chúng em mong đến tối ngày 13/8 âm lịch được rước đèn trung thu đi khắp các con đường. Còn với em Lê Ngọc Khanh, lớp 4, Trường Tiểu học Đông Phong, xã Đông Quan, không chỉ ra xem các bác làm đèn lồng mà còn phụ giúp một số việc nhẹ. Em chia sẻ: Chúng em rất vui và biết ơn các bác, các cô, các chú đã dày công làm những chiếc đèn lồng lộng lẫy sắc màu. Nhìn đèn lồng em nhớ tới các nhân vật lịch sử, các tích xưa đã được học. Em rất háo hức vì tối ngày 12/8 âm lịch sẽ được cùng các bạn nhỏ vui rước đèn trung thu trong tiếng nhạc rộn ràng đi khắp đường quê.

Thực hiện chủ đề tết Trung thu năm nay “Đèn lồng thắp sáng ước mơ”, đoàn thanh niên các xã đã tham mưu cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch tổ chức trung thu với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. 

Anh Phí Văn Hiệp, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đông Hoàng cho biết: Toàn xã có trên 600 em thiếu niên, nhi đồng. Để các em có mùa trung thu đong đầy yêu thương, Đoàn Thanh niên xã huy động 300 cán bộ, đoàn viên, thanh niên dạy văn nghệ, nghi thức đội, làm trại trung thu, làm đèn lồng, tổ chức đêm rước đèn lồng, tổ chức bữa ăn đoàn viên... cho các em thiếu niên, nhi đồng. 1.000 chiếc đèn lồng cầm tay cùng 50 mô hình đèn đủ kích cỡ trong tiếng nhạc vui nhộn sẽ được diễu hành khắp xã trong đêm hội rước đèn. Tâm điểm thu hút hàng nghìn người tham gia đêm hội trăng rằm là đoàn diễu hành trên đường 39 chạy qua các xã Đông Hoàng, Đông Quan. Các mô hình đèn trung thu được thiết kế động, vừa mang tính truyền thống vừa xen lẫn hiện đại, trang trí rất lộng lẫy, treo thêm cờ Tổ quốc và chân dung Bác Hồ. Các thông điệp ý nghĩa trên đèn lồng như trung thu đoàn viên, trung thu gắn kết, trung thu yêu thương, vui cùng bé thơ, trung thu sẻ chia... Tham gia cùng đoàn rước đèn còn có các đội múa lân, đội múa dân gian, dàn trống quân tạo sự thích thú cho trẻ em lẫn người lớn. 

Anh Đặng Thành Nam, xã Đông Tân cho biết: Trước kia rước đèn trung thu khổng lồ tôi chỉ thấy ở Tuyên Quang nhưng mấy năm qua đã có ở Đông Hoàng, Đông Quan. Năm nào tôi cũng cho các cháu lên đó xem, các mô hình đèn lồng ở đây thật sự ấn tượng, có ý nghĩa giáo dục các cháu giữ được giá trị truyền thống của tết Trung thu.

Trung thu năm nay, thôn Châu Giang (Đông Quan) có 25 mô hình đèn lồng với nhiều kích cỡ, màu sắc bắt mắt.

Năm nay năm con rồng vì vậy các xã đều đầu tư làm đèn lồng rồng.Đèn lồng kéo quân,thuyền rồng siêu to, khổng lồ.

Hoạt động lao động giã gạo của người xưa cũng được phục dựng để các em nhỏ biết, trân trọng.

Các con vật được người dân làm thành các đèn lồng đẹp.

Thu Hiền