Chủ nhật, 17/11/2024, 21:39[GMT+7]

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội chùa Keo

Thứ 7, 12/10/2024 | 09:06:07
16,718 lượt xem
Chùa Keo, tên chữ là Thần Quang tự, ở xã Duy Nhất (Vũ Thư) là 1 trong 2 di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Thái Bình. Năm 2017, lễ hội truyền thống chùa Keo được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã cho thấy giá trị độc đáo riêng có về văn hóa, kiến trúc, lịch sử được bảo tồn tại ngôi chùa cổ kính.

Nghi lễ khai chỉ mở cửa đền Thánh trong lễ hội chùa Keo.

Dưới mái chùa cổ kính 

Tọa lạc tại thôn Hành Dũng Nghĩa thuộc xã Duy Nhất, chùa Keo ở trên thế đất bằng phẳng. Phía trước chùa là dòng sông Hồng ngàn đời cuộn chảy, uốn lượn bao quanh cần mẫn chở màu mỡ, phù sa bồi đắp cho mùa màng, vạn vật tươi tốt, cư dân đông đúc, làng quê trù phú, phong cảnh hữu tình.

Theo thần tích ghi lại: Năm 1061, thời vua Lý Thánh Tông, Thiền sư Dương Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang làm nơi ẩn nhẫn thuyết pháp giảng đạo, hộ quốc an dân. Thiền sư đã có công chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thánh Tông nên được nhà vua khai ân phong làm Quốc sư triều Lý. Năm Giáp Tuất (1094), đời vua Lý Nhân Tông, Đức Thánh Tổ quốc sư Dương Không Lộ viên tịch, hưởng thọ 79 tuổi. Năm 1167, vua Lý Anh Tông xuống chiếu đổi tên chùa Nghiêm Quang thành chùa Thần Quang để tưởng nhớ, tri ân công đức của Thiền sư. 

Năm 1611, trận đại hồng thủy đã cuốn trôi ngôi chùa, người dân ấp Keo chia thành hai làng, một làng ở Đông Nam hữu ngạn sông Hồng (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định), một làng ở tả ngạn sông Hồng nay thuộc xã Duy Nhất (Vũ Thư). Từ đó dân 2 làng cùng vận động phát tâm khởi dựng lại chùa, theo tên nôm là chùa Keo. Văn bia còn lưu giữ đã chỉ dẫn: Chùa Keo (Thần Quang tự) do Quận công Tuấn Thọ Hầu Hoàng Nhân Dũng và vợ là Lại Thị Ngọc Lễ thời Lê - Trịnh đảm nhận việc vận động xây lại chùa, mời Đông cung Vương phi Trịnh Thị Ngọc Trân làm hội chủ danh dự, hai ông bà đã tâu trình Chúa Trịnh mời Cường Dũng Hầu Nguyễn Văn Trụ thiết kế kiểu dáng. Chúa Trịnh cấp cho 100 cây gỗ lim để xây dựng chùa, còn tất cả vật liệu khác đều do nhân dân đóng góp. Chùa được khởi công xây dựng năm 1630 với 42 hiệp thợ tham gia. Sau 28 tháng, toàn bộ công trình hoàn thành trong niềm hân hoan của nhân dân. 

Chùa Keo xây dựng theo kiểu dáng nội công ngoại quốc, tiền Phật, hậu Thánh, hiện nay có 17 công trình với 128 gian. Năm 2021, hương án chùa Keo được công nhận bảo vật quốc gia. Đây là hiện vật gốc, độc bản, được chạm khắc công phu, tinh xảo, là kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc Việt Nam nói chung, nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII nói riêng. Ngoài ra, trong khuôn viên di tích còn có tháp chuông chùa Keo được làm hoàn toàn bằng gỗ, cao 11,04m, chia làm 3 tầng, 12 mái. Chị Nguyễn Thị Phương Duyên, hướng dẫn viên, Ban Quản lý di tích chùa Keo cho biết: Tháp chuông chùa Keo là công trình kiến trúc đặc biệt trong tổng thể di tích chùa Keo, là điểm nhấn thu hút rất nhiều du khách khi về với Thái Bình. Theo xác lập của sách kỷ lục Việt Nam vào ngày 12/12/2007, tháp chuông chùa Keo được xác lập kỷ lục là tháp chuông bằng gỗ cao nhất Việt Nam. Hệ thống chuông này 1 năm chỉ được thỉnh 2 lần, lần thứ nhất vào lúc sang canh, chào đón năm mới, cầu cho quốc thái dân an; lần thứ hai thỉnh vào đầu ngày hội thu tháng 9 âm lịch trong năm. 

Về nơi đây, du khách còn được chiêm ngưỡng gần 100 pho tượng nguyên tác với những dáng vóc sống động, dung dị, tuân thủ nguyên tắc vừa cao siêu linh ứng vừa gần gũi hòa đồng không cách ngăn thế tục nhân gian; những cỗ ngai, khám sơn son thếp vàng, lọng vàng tán tía, bát biểu chấp kích, rồng bay, phượng múa, ngựa bạch, ngựa hồng, kiệu rước cùng những đại tự hoành phi câu đối sắc màu rực rỡ, những hoa văn cách điệu độc đáo... được tạo nên từ bàn tay tài hoa của người nghệ nhân. Ông Nguyễn Mạnh Đoan, Trưởng ban Quản lý di tích chùa Keo thông tin: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo được các bậc tiền nhân để lại đến nay đã gần 400 năm. Trải qua thăng trầm của lịch sử, chính quyền và nhân dân luôn gìn giữ, bảo tồn bản sắc, giá trị văn hóa để lưu truyền cho muôn đời sau. 

Phát huy giá trị di sản văn hóa quốc gia 

Dưới mái chùa cổ kính, đã thành “xuân thu nhị kỳ”, một năm có hai kỳ lễ hội được tổ chức là lễ hội mùa xuân vào tháng Giêng và lễ hội mùa thu diễn ra vào tháng 9 âm lịch với những nghi thức tế lễ và trò chơi mang đậm sắc thái văn hóa dân gian, gần gũi với nét sinh hoạt của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng. Theo thống kê của Ban tổ chức lễ hội chùa Keo, các kỳ lễ hội đều đón tiếp rất đông du khách trong và ngoài tỉnh về dâng hương tế lễ, vãn cảnh chùa, đồng thời tham gia các trò chơi, trò diễn dân gian. Trong đó, lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2023 và lễ hội chùa Keo mùa xuân năm 2024 đã đón hàng trăm nghìn lượt du khách. Giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội chùa Keo được lan tỏa, góp phần quảng bá vẻ đẹp mảnh đất, con người nơi đây. 

Với niềm tự hào sâu sắc về di sản văn hóa được các bậc tiền nhân trao truyền và tiếp nối, lễ hội chùa Keo ngày càng được các tầng lớp nhân dân chung tay bảo tồn, phát huy. Tiếp tục quảng bá hình ảnh, các giá trị kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa đặc sắc tới du khách gần xa, lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024 được tổ chức quy mô cấp huyện trong 8 ngày, từ ngày 12 - 19/10 (10 - 17/9 năm Giáp Thìn) thay vì 6 ngày như hàng năm. Bên cạnh các nghi thức tế lễ cổ truyền như lễ khai chỉ, lễ dâng hương, lễ rước Đức Thánh còn có những nghi thức được phục dựng, bảo lưu như múa rối hầu Thánh, hầu đồng. Trong phần hội, vào tất cả các ngày lễ hội, kể cả buổi tối, khi về với lễ hội chùa Keo, du khách đều có thể hòa mình vào những hội thi, trò chơi, trò diễn dân gian như du thuyền hát hội, trống hội, biểu diễn võ thuật cổ truyền, múa rối nước, thi têm trầu cánh phượng, thi bắt vịt dưới hồ, giao lưu câu lạc bộ chèo... Đáp ứng nhu cầu của du khách, tại lễ hội chùa Keo có 130 gian hàng gồm các gian hàng thương mại, khu ẩm thực dân gian, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và các sản phẩm chủ lực của các huyện, thành phố trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước... 

Sâu lắng không gian văn hóa nghệ thuật tại lễ hội chùa Keo. Trong ảnh: Chương trình nghệ thuật đặc biệt tại lễ khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2023.

Là điểm đến du lịch văn hóa tâm linh không thể bỏ lỡ trên miền quê lúa Thái Bình, di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội chùa Keo trải qua hàng trăm năm lịch sử không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch nội tỉnh mà còn góp phần tô đậm những giá trị truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng. Đồng thời, thông qua các kỳ lễ hội hàng năm đã thiết thực giới thiệu tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển các tour, tuyến du lịch, mời gọi các nhà đầu tư về với Thái Bình, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Tú Anh