Chủ nhật, 17/11/2024, 21:22[GMT+7]

Nét đẹp văn hóa làng Keo

Thứ 7, 12/10/2024 | 09:09:42
15,883 lượt xem
Làng Keo là cái tên thân thương người dân thường gọi làng Dũng Nhuệ xưa, nay gồm 3 thôn Hành Dũng Nghĩa, Dũng Nghĩa, Dũng Nhuệ thuộc xã Duy Nhất (Vũ Thư). Người dân làng Keo không chỉ góp phần quan trọng gìn giữ, bảo tồn di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo trở thành điểm đến văn hóa tâm linh, thu hút du khách thập phương mà còn là nhân tố tích cực sáng tạo, thực hành và trực tiếp thụ hưởng các giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội đã thành “xuân thu nhị kỳ” ở nơi đây.

Lễ rước Đức Thánh trong lễ hội chùa Keo mùa thu với sự tham gia của các bậc cao niên và thế hệ tiếp nối của làng Keo.

Trong lễ hội chùa Keo mùa thu, cuộc đời và hành trạng của Đức Thánh Tổ quốc sư Dương Không Lộ được tái hiện như một diễn xướng lịch sử, bảo lưu nhiều lễ thức mang tính tôn giáo nhưng đậm đà sắc thái của những sinh hoạt văn hóa dân gian, trong đó có múa ếch vồ và chèo chải cạn. Những năm gần đây, người dân làng Keo không chỉ thực hiện những điệu múa cổ truyền trong lễ rước Đức Thánh tại di tích mà còn tái hiện trên sân khấu khai mạc lễ hội truyền thống và mang đi biểu diễn tại ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh nhằm quảng bá nét văn hóa độc đáo riêng có của quê hương mình. 

Là một trong những bậc cao niên của làng Keo, nhiều năm qua, ông Hoàng Thế Dong, Ban khánh tiết lễ hội chùa Keo đều tham gia các nghi thức tế lễ cổ truyền trong lễ hội. Theo ông Dong, điều đáng quý nhất chính là lễ khai chỉ mở cửa đền Thánh, lễ rước Đức Thánh vẫn được duy trì nghiêm cẩn theo lệ cũ, giữ nguyên bản, không lai căng. Con cháu làng Keo đời nối đời chung tay gìn giữ những nét riêng có độc đáo trong lễ hội. Ông Dong chia sẻ: Riêng công tác chuẩn bị cũng diễn ra cả tháng trời để cho mọi công việc đủ đầy, tươm tất và trọn vẹn nhất. Từ những người tham gia rước kiệu, các cháu bơi chải đến các cụ áo vàng dù đã nhiều năm tham gia lễ hội truyền thống nhưng trước kỳ lễ hội mùa xuân, mùa thu đều phải tập luyện từ cách đi lại, dóng hàng đến cách cầm binh khí sao cho đều, đẹp và chuẩn chỉ. Nhân dân đồng lòng dành thời gian, tâm sức cho việc chuẩn bị nên mọi hoạt động tế lễ trong lễ hội mới nghiêm trang và thể hiện tấm lòng tôn kính. 

Đã ngoài 70 tuổi, hơn 10 năm nay bà Nguyễn Thị Thâm đều tham gia lễ rước trong lễ hội chùa Keo. Bà cho biết: Du khách khi về với chùa Keo trong ngày chính hội mùa thu rất ấn tượng với lễ rước, ghi lại những hình ảnh đẹp và tìm hiểu, trò chuyện với người dân địa phương ý nghĩa của hoạt động này. Người dân làng Keo như chúng tôi mong muốn năm nào cũng được đi rước Đức Thánh, thể hiện tấm lòng tri ân các bậc tiền nhân và cầu cho mọi điều được tốt lành. Trong lễ rước có đoàn những cháu bé mục đồng tượng trưng cho các trẻ chăn trâu, trước khi tham gia lễ rước đã được các ông bà chỉ dạy về tục lệ cổ truyền của làng. Từ trước đến nay, ở làng Keo cứ lớp người đi trước truyền lại cho lớp người đi sau như vậy. 

Không chỉ trong hoạt động lễ hội, sự nhiệt tình, mến khách của người dân làng Keo đã tạo nên ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách thập phương khi về dâng hương tế lễ, trẩy hội và vãn cảnh chùa. Ông Nguyễn Phúc Thọ, du khách từ thành phố Hà Nội chia sẻ: Tôi đã về dâng hương tại chùa Keo rất nhiều lần, năm nào cũng về vào dịp lễ hội đầu xuân và tháng 9 âm lịch. Rất tự hào về ngôi chùa cổ kính của Thái Bình, tôi giới thiệu tới bạn bè của mình về nơi đây và trực tiếp nhiều lần đi cùng các đoàn khách về giới thiệu công trình cổ kính có tháp chuông đặc biệt này. Điều đáng trân trọng là lần nào về với chùa Keo, trong ngày hội chính hay ngày thường, tôi đều có dịp trò chuyện cùng những người dân hiền hòa và dễ dàng tìm mua cho mình những thức quà quê như lạc đỏ, gạo nếp là sản vật của làng Keo, kỷ niệm của mỗi chuyến đi. 

Chị Trần Thị Thủy, du khách từ thành phố Hải Phòng cho biết: Lần đầu tiên về chùa Keo theo thông tin được giới thiệu trên các kênh truyền thông, tôi ấn tượng bởi được hướng dẫn viên tại di tích nhiệt tình giới thiệu rất kỹ lưỡng, giúp cho tôi thêm hiểu về lịch sử, kiến trúc cổ của chùa Keo. Khung cảnh đẹp nên thơ, không gian thoáng đãng làm cho lòng người thêm thanh thản khi về tới chốn linh thiêng. 

Vai trò chủ thể của nhân dân luôn là yếu tố hết sức quan trọng và được khẳng định qua từng mùa lễ hội chùa Keo. Từ công đoạn tổ chức, thực hành nghi lễ cổ truyền đến việc sôi nổi tham gia vào hoạt động phần hội và sự thân thiện, văn minh trong đón tiếp đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách thập phương... Bởi chính vai trò chủ thể của người dân, tinh hoa di sản văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc được gìn giữ, nối truyền và phát huy. 

Thanh Hằng