Chủ nhật, 10/11/2024, 06:02[GMT+7]

Ðông Thọ Xã đạt chuẩn văn hóa theo tiêu chí nông thôn mới

Thứ 2, 04/11/2013 | 14:21:20
6,675 lượt xem
Ðầu con đường mới được dựng một cổng chào bằng sắt với tấm biển lớn “Làng văn hóa”, hai bên cổng là đôi câu đối: “Nghìn năm ghi nhớ công ơn Ðảng; Muôn thuở không quên đức Bác Hồ”. Tôi nhận ra một điều thật thấm thía, làng quê tôi đang chuyển mình, đang thay đổi từng giờ từng phút.

Ðường giao thông thôn Hồng Phong xã Ðông Thọ (Thành phố Thái Bình) được xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Thành Tâm

V ề Ðông Thọ (Thành phố Thái Bình) trong một buổi chiều thu hanh hao nắng vàng, từ trên triền đê sông Trà Lý quanh co uốn khúc, chúng tôi đã nhìn thấy những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự mái ngói đỏ ẩn mình dưới những lùm cây xanh, con đường từ đê rẽ vào xã vừa làm xong do những người dân thôn Hồng Phong vừa góp công, góp của làm lên. Ðầu con đường mới được dựng một cổng chào bằng sắt với tấm biển lớn “Làng văn hóa”, hai bên cổng là đôi câu đối: “Nghìn năm ghi nhớ công ơn Ðảng; Muôn thuở không quên đức Bác Hồ”. Tôi nhận ra một điều thật thấm thía, làng quê tôi đang chuyển mình, đang thay đổi từng giờ từng phút.

Anh Nguyễn Văn Tuân cán bộ văn hóa xã niềm nở tiếp chuyện chúng tôi, anh cho biết: Khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 17/2012/QÐ-UBND ngày 20/11/2012 Quy định thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh, Ðảng bộ xã đã họp triển khai tới tất cả các đảng viên, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và trong các cuộc họp của đoàn thể, thôn xóm. Bà con nhân dân trong xã đã nắm khá chắc những quy định thực hiện nếp sống văn minh rồi.

Chỉ tính riêng việc cưới, từ đầu năm đến nay đã có 20 đôi đăng ký kết hôn, độ tuổi kết hôn  trung bình của nam là 28, nữ là 22, tuyệt đối không có hiện tượng tảo hôn, khai man tuổi kết hôn; các đám cưới đều tổ chức đơn giản, tiết kiệm thời gian, tiền của; việc thanh niên hát hò, nhảy nhót, rượu chè quá đà, karaoke thâu đêm suốt sáng trong đám cưới những năm trước giờ đã chấm dứt. Chính nhờ những thay đổi, những quy định rất cụ thể, chi tiết từ Quyết định 17 mà  tệ nạn phát sinh trong đám cưới giảm bớt rất nhiều, những lời ra tiếng vào, những hiềm khích, xích mích từ các đám cưới giờ không còn nữa. Có những gia đình con cái đi làm ăn xa, lễ cưới hỏi của các cháu thực hiện theo hình thức báo hỷ bằng tiệc ngọt.

Tính từ đầu năm 2013 đến nay, xã đã có 31 người qua đời. Khi có người nằm xuống, thân nhân người quá cố phải đến UBND xã khai tử  và chỉ khi có giấy khai tử của UBND xã thì quản trang mới cấp phần đất mai táng. Nhờ thế mà việc khai tử ở xã không bao giờ bị chậm trễ, khi tổ chức đám tang có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình thân nhân người qua đời với chính quyền địa phương, bởi vậy 100% các nhà đám đều thực hiện đúng quy định.

Từ năm 2011 xã đã quy hoạch lại nghĩa trang thành 2 khu: hung táng và cát táng; những mộ hung táng không được để quá 3 năm. Nếu vì một lý do nào đó kéo dài quá thời gian quy định thì gia đình thân nhân người quá cố phải có đơn gửi chính quyền địa phương và phải nộp lệ phí đất. Khu cát táng với những hàng bia mộ chạy dài thẳng tắp. Ban quản lý nghĩa trang nhân dân đã xây dựng sẵn những ngôi mộ theo mẫu, các gia đình có nhu cầu cát táng đến UBND xã đăng ký và nhận thẻ mộ theo thứ tự lần lượt, tuyệt nhiên không có trường hợp ngoại lệ cát táng ở khu đất khác hoặc nhận đất, mua thẻ mộ theo ý cá nhân...

Việc ấy, làm lâu và làm nghiêm túc, nay đã thành nếp, người dân Ðông Thọ không ai còn phải lo nhận đất, nhận phần âm địa ngay khi họ còn đang sống; cũng chính từ những quy định cụ thể trong Quyết định 17 mà cảnh tranh dành, đầu cơ đất nghĩa địa, hay những mâu thuẫn xóm làng quanh việc xây mộ cao, thấp, lấn chiếm âm phần, xây mộ đè lên nhau dẫn đến những mâu thuẫn khó có thể giải quyết, chuyện ấy một năm qua ở Ðông Thọ tuyệt nhiên không còn nữa.

Anh Tuân còn cho biết thêm: Khi Quyết định 17 của UBND tỉnh ra đời và triển khai thực hiện, sinh hoạt văn hóa quần chúng và văn hóa tâm linh của nhân  dân Ðông Thọ cũng có nhiều thay đổi. Một năm, xã có 3 lễ hội, mùng 3 tháng 3 âm lịch giỗ mẫu Liễu Hạnh, 22 tháng 8 Lễ hội rước nước ở chùa Cát Hộ, 20 tháng 9 là Lễ hội di tích lịch sử Ðình Nam Thọ nơi hương khói thờ tự tướng quân Lê Hiện, Lê Á người có công giúp vua tiền Lý đánh đuổi giặc Lương năm 542 dựng lên nhà nước Vạn Xuân.

Các lễ hội đều do UBND xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đứng ra tổ chức vừa  bảo đảm tính trang nghiêm, đáp ứng nguyện vọng tín ngưỡng của quần chúng nhân dân, giúp lớp trẻ trong xã có cơ hội tìm hiểu về lịch sử quê hương. Phần hội với những trò chơi dân gian như: Chọi gà, kéo co, cờ người, vật, biểu diễn dưỡng sinh... thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia cổ vũ nhiệt tình, tạo một không khí vui tươi, phấn khởi, tích cực lao động sản xuất. Chỉ vào tấm ảnh chụp đội văn nghệ xã với 35 diễn viên nhạc công là những cán bộ, đoàn viên thanh niên, quần chúng nhân dân trong xã... anh không giấu nổi niềm tự hào khi khoe với chúng tôi, đội văn nghệ vừa đạt giải nhì trong Hội thi văn nghệ thể thao các xã xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh. Xã hiện có 9 câu lạc bộ văn nghệ dân gian đang hoạt động (hát chèo, hát sênh tiền, đàn bầu, múa kiếm...) và rất nhiều các câu lạc bộ thể thao khác... Các câu lạc bộ thường tổ chức thi đấu giao hữu và biểu diễn phục vụ nhân dân trong các dịp lễ, tết và các hoạt động chính trị tại địa phương...

Năm 2012 toàn xã có 92% số gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 3/6 thôn làng được Thành phố công nhận là thôn làng văn hóa. Với một thiết chế văn hóa cơ sở khá ổn định, 1 nhà văn hóa xã đạt chuẩn, sân thể thao xã  trên 3.000 m2, 1 trung tâm học tập cộng đồng, 6/6 nhà văn hóa và khu thể thao thôn... cùng với sự quan tâm tích cực của Ðảng ủy, chính quyền xã và đặc biệt là việc thực hiện nghiêm túc Quyết định 17/QÐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, năm 2012 Ðông Thọ được công nhận là xã đạt chuẩn văn hóa theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Trần Thanh Phượng

(Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

  • Từ khóa