Thứ 2, 18/11/2024, 05:24[GMT+7]

Một vòng quanh các di tích lịch sử văn hóa ở Vũ Thư

Thứ 2, 20/12/2010 | 08:53:24
16,523 lượt xem
Qua cầu Tân Đệ, địa giới phía Tây - Nam của tỉnh Thái Bình, đi dọc triền đê sông Hồng xuôi xuống hạ lưu chừng hơn 100m là cụm di tích LSVH cấp quốc gia: đình - đền chùa Bổng Điền (xã Tân Lập).

Chùa Phúc Minh xã Hiệp Hòa - Vũ Thư. Ảnh: Phi Thành

Đình thờ nhị vị tướng quân từ thời Hùng vương. Đền thờ nữ tướng  Đỗ Thị Quế Hoa, một trong những thuộc tướng của Hai Bà Trưng, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà chống quân Đông Hán năm 40- 42. Đi ngược triền đê về phía Bắc khoảng 2 km có đền Mỹ Lộc, đền Mỹ Bổng (xã Việt Hùng), nơi thờ tướng quân Triệu Công Tằng, Long Nương phu nhân (tức ả Rồng) và tỳ tướng Trần Thị Nguyệt cũng là các thuộc tướng của Hai Bà Trưng, khởi nghĩa cùng với Đỗ Thị Quế Hoa.

 

Tiếp tục đi ngược triền đê về phía Bắc, qua Việt Hùng đến 2 xã Xuân Hoà, Hiệp Hoà có miếu Hai Thôn thờ vua Tiền Lý Nam Đế và Hoàng hậu Đỗ Thị Khương. Tại làng An Để (Hiệp Hoà) xây riêng một đền thờ vua, ghi dấu tích khi Người đặt chân về làng. Nơi đây là trung tâm cụm cứ điểm, đóng đại bản doanh của Lý Bí khi Người khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Lương năm 541- 542. Trong đền An Để (Man Để) còn lưu đôi câu đối:

 

Đế vương tự hữu chân, tĩnh đoạn Lương, Trần kinh bách chiến

Tài đức cao xuất loại, tộ khai Hồng Lạc vạn niên xuân

(Đế vương tự có thật, dẹp loạn Lương, Trần trăm trận đánh; Đức tài cao xuất chúng, mở nền Hồng Lạc vạn năm xuân).

 

Qua miếu Hai Thôn và đền An Để, thẳng đường 223 xuôi hướng Đông- Nam về Song Lãng, đến ngã tư chợ Lạng (cũ), rẽ phải khoảng gần 1km là Khu di tích LSVH cấp Quốc gia: Đền Thượng và chùa Phúc Thắng. Đền Thượng thờ Đạt ma Thượng sư  Hoàng Giang tông phái -  Đỗ Đô công đại vương (1042  11..?), Ngài được hai triều vua Lý (Thánh Tông, Nhân Tông) suy tôn làm Thượng phụ.

 

Đền Thượng còn là hành cung của vua Lý Thánh Tông (1054-1072) khi vua đi tuần du vùng này. Từ đền Thượng đi ngược lại qua ngã tư trung tâm xã về phía Đông Bắc, cách ngã tư khoảng 200m có khu vực lăng mộ tiến sỹ Doãn Khuê, một  quan đốc học, một sỹ phu chống pháp cuối thế kỷ 19 và từ đường thờ Binh bộ Thượng thư -  An Tây mưu lược tướng Doãn Uẩn (là anh thúc bá với tiến sỹ Doãn Khuê), có công đánh quân Chân Lạp và tiễu phỉ, ổn định biên giới phía Tây Nam của nước ta thời Minh Mạng và Thiệu Trị.

 

Qua ngã tư cầu Thẫm xuôi đường 220 về xã Song An là Khu di tích LSVH Sáo Đền, nơi thờ Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao (mẹ đẻ vua Lê Thánh Tông), Quốc thái phu nhân Đinh Thị Ngọc Kế (tổ ngoại của vua Lê Thánh Tông). Nơi đây còn có từ đường Tam Quốc công, nơi thờ ba anh em họ Đinh là Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bồ, là ba vị đại tướng quân Bình Ngô khai quốc công thần triều Lê, có công cùng Thái tổ Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh và bảo vệ vương triều Lê sơ thế kỷ 15.

 

Qua Song An xuôi xuống một đoạn tới thôn Hoàng Xá, xã Nguyên Xá có từ đường thờ thủ lĩnh nghĩa quân nông dân Hoàng Công Chất chống ách áp bức của chúa Trịnh (1739  1769), hoạt động ở vùng trấn Sơn Nam Hạ (Thái Bình, Nam Định ngày nay), sau đó rút quân lên xây dựng căn cứ tại Mường Thanh, Điện Biên, hoạt động ở vùng Điện Biên, Sơn La, Hưng Hoá, Hoà Bình. Dân Tây Bắc yêu mến gọi ông là Chúa Hoàng.

 

Từ thành phố Thái Bình thẳng đường 223 qua cầu Cọi , qua Vũ Vinh rẽ vào thôn Vân Môn xã Vũ Vân, ở đây có từ đường họ Đào “Nhất gia hiển thánh” thờ hai cha con Tham Nghị Thái Bộc Tự Khanh Đào Văn Chính và con là Mậu Lâm Lang Đào Hùng Nghị có công giúp vua Lê dẹp nghịch đảng Nghịch Cẩn ở Giao Thuỷ và bọn hải phỉ ở vùng Vũ Tiên, Thư Trì, Chân Định và Giao Thuỷ từ năm 1740 -1745. Từ đường còn lưu giữ được hai đạo sắc phong của vua Khải Định truy phong hai ông là Tôn Thần.

 

Rời Vũ Vân, thẳng đê Thái Hạc ngược về thôn Dũng Nghĩa xã Duy Nhất có từ đường thờ Cử nhân Nguyễn Doãn Cử, một trong những văn thân yêu nước chống Pháp tại Thái Bình cuối thế kỷ 19. Ông cùng hai cha con Nguyễn Hữu Bản và Nguyễn Hữu Cương xây dựng khu đề kháng chống Pháp tại địa bàn các huyện Vũ Tiên, Thư Trì, Chân Định và Tiền Hải, và bảo vệ thành Nam Định trong trận tấn công thành Nam Định ngày 27/3/1883. Trong kháng chiến chống pháp, các xã Vũ Vân, Vũ Tiến, Duy Nhất... còn là các làng kháng chiến nổi tiếng ở Thái Bình.

 

Duy Nhất còn có chùa Keo (Thần Quang tự) nổi tiếng, có từ năm 1061 đời Lý Thánh Tông, do Quốc sư Không Lộ xây dựng và trụ trì. Sau trận lụt lớn năm Tân Hợi 1611, chùa bị nước cuốn trôi, chùa hiện nay là ngôi chùa được xây dựng lại năm 1630  1632, là ngôi chùa cổ lớn nhất miền Bắc hiện nay. Chùa Keo còn là một kiệt tác, một bảo tàng kiến trúc, điêu khắc mỹ thuật thời Lê. Đặc biệt chùa có gác chuông 3 tầng cao 11,1m, xây dựng theo kiểu phương đình, chồng diêm cổ các, là gác chuông có lối kiến trúc  nghệ thuật độc nhất vô nhị trong cả nước.

 

Lướt qua một số địa danh, di tích tiêu biểu trên đây cũng có thể khẳng định: Vũ Thư là vùng đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử trong suốt bề dày hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Phát huy truyền thống ấy, người Vũ Thư ngày nay đang cùng nhân dân Thái Bình và cả nước, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh, đồng thời, xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đào Xuân Ánh

Thị trấn Vũ Thư

  • Từ khóa