Thứ 2, 18/11/2024, 05:21[GMT+7]

Sân khấu Thái Bình Thành công từ liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân lần thứ II

Thứ 3, 21/12/2010 | 14:28:47
2,837 lượt xem
Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sỹ công an nhân dân lần II” được tổ chức tại thủ đô Hà Nội đã quy tụ 17 trên 150 nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong toàn quốc tham gia với 400 nghệ sĩ, diễn viên của 19 tỉnh, thành phố và 19 vở diễn.

Khán giả hy vọng rằng rồi đây các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp Thái Bình sẽ lại có thể đem đến cho họ những vở diễn mới giàu sức thanh xuân hơn trên sân khấu của kịch

Đây là sự ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của các chiến sỹ CAND trong chặng đường 65 năm xây dựng, trưởng thành và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây cũng là món quà chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hình tượng người chiễn sỹ CAND đã có mặt không chỉ trong các sáng tác văn học mà còn cả trong thơ - ca - nhạc - hoạ, đặc biệt là sân khấu.

 

Liên hoan lần này nhằm khẳng định lại một lần nữa rằng hình tượng những người chiến sỹ đã hết lòng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” luôn là một trong những mảng đề tài được giới sân khấu rất quan tâm. Đây còn là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sỹ diễn viên có dịp giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nhằm góp phần chung vào sự phát triển của nền sân khấu dân tộc, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi sân khấu đang đứng trước những thách thức mới; cũng là dịp để các nghệ sỹ trẻ có điều kiện thử sức mình trong tất cả các khâu sáng tác, đạo diễn và diễn xuất trên một mảng đề tài mà nghe qua tưởng như khô cứng nhưng lại chứa đầy các nhân tố kịch trong đời sống hôm nay.

 

Sau Thủ đô Hà Nội, Thái Bình là đơn vị duy nhất có cả ba đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp với ba loại hình tham gia. Đó là điều đặc biệt. 2/3 vở diễn đều do chính những người công an trực tiếp viết kịch bản. Vở “Cơn lốc đời người” của Trung tá Vũ Xuân Cải, còn “Dòng xoáy” là Thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước. Chủ đề chung vẫn là Hình tượng người chiến sỹ CAND nhưng mỗi tác giả lại có một cách tiếp cận khác nhau.

 

Người chiến sỹ công an đứng ở trung tâm các vỡ diễn ấy. Nếu chèo đi sâu khai thác về những vất vả, gian truân của người chiến sỹ CAND trại giam khi phải đối mặt hàng ngày hàng giờ với những tội phạm đã thành án; thì Cải lương lại tập trung vào khai thác những hy sinh lớn lao, những sự trả giá đến nghiệt ngã của các chiến sỹ CAND trong chính nội bộ của mình, trong trận địa chống ma tuý.

 

Và, trong cuộc đấu tranh này, họ không chỉ phải đối diện với những tội phạm rất nguy hiểm, đối diện với chính đồng chí, đồng đội, mà còn phải đối diện với cả những người thân, ruột thịt của mình. Giữ được lương tri, phẩm giá và đạo đức nghề nghiệp họ đã phải đổi bằng cả máu và nước mắt. Và Kịch, trong “Cơn lốc đời người” lại đề cao vai trò, bản lĩnh và trách nhiệm của người cảnh sát nhân dân trong việc truy tìm tội phạm, đem lại công lý, sự trong sáng cho những người vô tội. Đó là những cuộc chiến thầm lặng, không cân sức.

 

Nó đòi hỏi người chiến sỹ CAND không chỉ có lòng dũng cảm, sự hy sinh đến quên mình, ý chí quyết tâm cao mà đằng sau đó là phẩm giá, là nhân sách, sự vượt lên chính mình và một tấm lòng nhân hậu, yêu thương con người. Cả ba vở diễn của sân khấu Thái Bình về cơ bản đã đạt được điều đó.

 

“Dòng xoáy” đã được đoàn kịch CAND dàn dựng rất thành công từ một vài năm trước. Tuy nhiên, khi chuyển sang sân khấu cải lương thì việc thể hiện tính cách các nhân vật, việc sử dụng và khai thác các xung đột kịch lại có phần hạn chế bởi đặc trưng của sân khấu ca kịch là phải tập trung tốt nhất cho việc thể hiện chất giọng của các diễn viên. Bên cạnh đó vẫn phải đảm bảo nghiêm ngặt tính chân thật trong các vai diễn; nếu xử lý không tốt giữa bài ca và diễn xuất thì chẳng những hiệu quả vở diễn kém mà còn gây phản cảm cho người xem.

 

Hơn nữa, nội dung mà “Vòng xoáy” đặt ra lại là vấn đề “nóng”, đã từng được dư luận rất quan tâm trong chuyên án nổi tiếng “Năm Cam” cách đây chưa lâu. Làm thế nào để hình tượng các nhân vật ấy vừa phải trung thực với nguyên mẫu đời thường, vừa phải trở thành một hình tượng nghệ thuật. Đó là việc không dễ dàng khi chọn dựng lại vở diễn này. “Dòng xoáy” đã phần nào khắc phục được điều đó. Xuân Vũ tỏ ra rất “chỉn chu” trong vai trò của một đạo diễn. Anh đã đem lại cho khán giả một “bữa ăn tinh thần” khá “bắt mắt” và... “đủ chất”.

 

Bởi vở diễn xử lý khá hiệu quả những “nút thắt” kịch bên cạnh những lớp diễn có phần thanh thoát nhẹ nhàng, đa dạng các mảng màu đậm, nhạt mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Mặc dầu vậy, đôi chỗ việc đặt lời cho nhân vật còn chưa thật sự phù hợp với chất giọng của diễn viên đã phần nào hạn chế lợi thế trong một số vai diễn. Nhưng đây là một vở diễn tương đối nghiêm túc. Ngọc Thuỷ (Tư Hoàng) - một vai diễn khá tốt của “Vòng xoáy”, Thanh Thuỷ (vai Mai Trang) Trâm Oanh (vai vợ Tư Hoàng) được trao Huy chương bạc.

 

Đạo diễn - NSƯT Xuân Vũ (Vai Bẩy Thắng) và Bích Nguyệt (vai Mỹ Uyên) được trao Huy chương vàng. Mạnh Hùng (trinh sát Hùng) nhận Huy chương đồng. “Dòng Xoáy” cũng là vở diễn Cải lương duy nhất tham gia liên hoan và được trao Huy chương bạc.

 

Nhà hát Chèo đã từng rất thành công với vở diễn “Người tử tù mất tích” viết về hình tượng người chiến sỹ tình báo ANND trong vai năm trước đây. Đến liên hoan lần này, Chèo Thái Bình có một lực lượng trẻ và khá đông đảo trong “nửa đời về sáng” - đạo diễn NSND Lê Hùng. Khó. Bởi đây là một vở chèo về đề tài hiện đại. Nhưng cứ có một cái gì đó hình hơi tiếc nuối về việc khai thác và sử dụng chất liệu chèo, về tính tự sự, tính trữ tình, tính ước lệ, tính “chèo” trong cả trang trí sân khấu, sử dụng đạo cụ, và vai trò của dàn đế...

 

Dù là một đạo diễn rất tài năng nhưng “làm” Chèo không phải là sở trường NSND Lê Hùng. Tuy nhiên phải khẳng định rằng, chỉ bằng một lớp “trần tình” để cho hai bà cháu Thuỷ gặp nhau, Lê Hùng đã làm sống dậy cả vở diễn. Đó là một lớp chèo thực sự, là thành công lớn nhất trong “Nửa đời về sáng”.

 

Lớp chèo ấy không chỉ đem lại cho Hồng Nhung (vai cụ Mai) tấm huy chương vàng sáng giá trong cuộc đời nghệ thuật của mình; cho Thanh Hiện (vai Bích) - Huy chương vàng; mà nó còn làm cho người ta tạm quên đi những hạt sạn lăn lóc trong suốt cả chiều dài vở diễn và đem về cho Thái Bình thêm một tấm huy chương Bạc nữa thuộc về vở diễn. Hồng Hoa (Thuỷ), Mạnh Hà (Tầm), Quang Lai (Phấn) được trao huy chương Bạc, Ngọc Cải (Trường), Ánh Điện (Khương), Xuân Du (người tử tù) nhận huy chương đồng.

 

Lợi thế lớn nhất thuộc về Kịch. Nhưng khó khăn nhất cũng lại thuộc về kịch. Với đặc trưng loại hình là mũi nhọn xung kích của cuộc sống, phản ánh những vấn đề nóng bỏng nhất của xã hội như nó vốn có, nếu có thêm thời gian và lực lượng diễn viên tin chắc rằng kịch Thái Bình sẽ làm được nhiều hơn những gì đã có. Tuy nhiên, với một dàn diễn viên quá mỏng, mất cân đối, bình quân độ tuổi quá cao trong các vai diễn mang đầy sức thanh xuân thì đây đúng là một sự thách đố dành cho kịch.

 

Vở diễn “Cơn lốc đời người” - tác giả Tấn Đạt, đạo diễn NSND Lê Hùng có tất cả chín nhân vật xuất hiện trên sân khấu thì chỉ có non một nửa trong số đó là thực sự có “Đất diễn”. Số còn lại là những vai phụ, xuất hiện không nhiều. Và, trong số những nhân vật “ít số phận” ấy thì cũng chỉ có Triệu Thanh (vai ông Phúc), Tạ Minh Thảo (vai thượng tá Nhân) và có chăng là Thuý Lành (Hà Thương) nữa là có thể phù hợp với “lý lịch trích ngang” của nhân vật kịch.

 

Số còn lại đều trẻ (hoặc rất trẻ). Trong hoàn cảnh ấy kịch lại lập... “hat trich”. Trong vai đại uý Quang - NSUT Huy Tâm (ở độ tuổi năm mươi sáu, hơi  “cứng” và dấu ấn của nhân vật Thúc năm nào vẫn còn vương lại) cũng vẫn giành được cho mình một tấm huy chương vàng nữa làm dày thêm thành tích nghệ thuật của anh. Điều đó khẳng định lại rằng: Huy Tầm có thể diễn được rất nhiều vai kịch, bất chấp cả tuổi tác và thời gian. “Dòng xoáy” được ban giám khảo trao tặng huy chương bạc dành cho vở diễn - đạo diễn NSUT Tạ Minh Thảo. Và Thảo, xuất hiện không nhiều trên sân khấu điềm đạm nhận về cho mình một tấm huy chương vàng trong vai trung tá Nhân.

 

Phát hiện và thành công lớn nhất có lẽ là Minh Lý trong vai Ngân. Chị vốn không phải là diễn viên kịch. Minh Lý là một diễn viên ca. Lần đầu tiên Lý diễn kịch. Trong vai một nữ ca sỹ bị đẩy vào một hoàn cảnh rất phức tạp, chứa đầy những mâu thuẫn nội tâm dằng xé, Minh Lý đã cố gắng hết mình.

 

Chị chinh phục giám khảo bằng chính nhiệt tình nghề nghiệp và giọng hát khoẻ khoắn, âm vang, của mình - một giọng hát đã từng được khán giả yêu nhạc trẻ rất ái mộ trên sân khấu ca nhạc Thái Bình những năm qua; và giờ đây Minh Lý lại khẳng định mình trên một lĩnh vực khác: tấm Huy chương vàng đầu tiên trong cuộc đời nghệ thuật của chị lại thuộc về một vai kịch. Thu Lành (Hà Thương) được trao huy chương bạc, và Triệu Thanh nhận huy chương đồng cho vai ông Phúc.

 

Liên hoan NTSKCNTQ về hình tượng người chiến sỹ CAND đã khép lại. Ban giám khảo đã trao 2 huy chương vàng cho các vở diễn “Hoa thép” của đoàn kịch CAND và “Người thi hành án tử hình” của Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ. 7 vở diễn được trao Huy chương bạc, 5 vở diễn được trao huy chương đồng và 2 giải khuyến khích. 25 huy chương vàng, 40 huy chương bạc và 20 huy chương đồng được trao cho các diễn viên.

 

Tấm màn nhung đã khép lại chờ đến kỳ liên hoan sau. Nghệ thuật Thái Bình nô nức vào hội và đã gặt hái thành công. Khán giả hy vọng rằng rồi đây các đoàn NTCN Thái Bình sẽ lại có thể đem đến cho họ những vở diễn mới giàu sức thanh xuân hơn trên sân khấu của kịch, ngọt lịm chất đồng quê giản dị của sân khấu chèo năm nào. Và, cải lương với đặc trưng loại hình: “cải cách hát ca theo tiến bộ” sẽ càng “sánh văn minh” hơn trên một vùng quê lúa. Họ chờ đợi.

 

Trần Thanh Phượng

Sở VH-TT&DL Thái Bình

 

  • Từ khóa