Thứ 3, 19/11/2024, 00:52[GMT+7]

Khúc vĩ thanh không chờ “Tam bách dư niên hậu”...

Thứ 2, 08/08/2016 | 14:15:50
2,342 lượt xem
Dự án xây dựng khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn và cụm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia gồm từ đường Lê Quý Đôn, khu lăng mộ Hà quận công Lê Trọng Thứ, hồ Lê Quý ở thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết hai giai đoạn, hiện tại đang xây dựng và hoàn thiện giai đoạn I khu lưu niệm nhằm tri ân danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn đúng dịp kỷ niệm 290 năm ngày sinh của ông (2/8/1726 - 2/8/2016).

Đảo nhỏ giữa hồ xưa là thủy tạ, nơi Lê Quý Đôn từ quan về quê viết sách và tiếp khách sẽ được phục dựng.

Sinh thời, Lê Quý Ðôn từng viết: "Dù ngu dốt đến đâu cũng nên kính giấy, tiếc chữ..." (Vân đài loại ngữ) và ông cũng là người luận bàn chủ trương dùng pháp trị đối với tầng lớp quan trường trong quan điểm giáo dục luật pháp phải được giảng dạy cho các lớp đồng ấu: "Mới học, đã phải dạy cho biết hình phạt chuyên để trừng trị người làm quan không đủ chức phận, chẳng những là để sau làm quan biết cách nói thẳng, can gián, cũng để mà biết sơn hải, không mắc tội lỗi" (Thư kinh diễn nghĩa). Còn ông, ông lại thấm đẫm triết lý sống: "Luôn luôn nghĩ mình như thế là đủ thì tâm được yên vui. Không cầu cạnh ai điều gì thì phẩm giá được cao trọng".

Không đợi đến "ba trăm năm có lẻ" các thế hệ người dân Thái Bình mới tri ân danh nhân văn hóa, nhà bác học lỗi lạc, ngôi sao sáng trên bầu trời văn hiến Việt Nam. Dự án xây dựng khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn và từ đường họ Lê ở thôn Ðồng Phú, xã Ðộc Lập, huyện Hưng Hà đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết với số vốn đầu tư giai đoạn I là 58,8 tỷ đồng, gồm các hạng mục: san nền giai đoạn I; đền thờ; cổng; tường rào; sân; đường dạo và tiểu cảnh; cây xanh và hạ tầng kỹ thuật. Giai đoạn II đầu tư 71 tỷ đồng cho các hạng mục: san nền giai đoạn II, tả vu, hữu vu; tượng danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn và tu bổ nhà thờ cũ. Ðiểm đáng chú ý là khu lưu niệm có vị trí giao thông thuận lợi gắn kết với các di tích lịch sử văn hóa và danh thắng khác trên đất Hưng Hà, kết nối tuyến du lịch tâm linh vùng đồng bằng sông Hồng. Tuyến du lịch bằng đường thủy có thể đưa du khách từ Hà Nội và các tỉnh lân cận theo sông Hồng tới thăm bến đò Lưu gia, lăng mộ Lưu Khánh Ðàm, Lưu Ðiều, đền thờ Lưu Ngữ và chùa Báo Quốc ở xã Canh Tân; lăng mộ Trần Thủ Ðộ, đền thờ Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung ở xã Liên Hiệp, khu di tích nhà Trần ở xã Tiến Ðức, hành cung Lỗ Giang ở xã Hồng Minh… Hệ thống đường bộ huyện Hưng Hà sẽ nối di tích từ đường họ Lê và khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn với các điểm du lịch quan trọng trong hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh trong tỉnh Thái Bình và trong vùng như khu di tích đền thờ Ðông Nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục ở Tiên La, Ðoan Hùng…, chùa Keo, đền A Sào, đền Ðồng Bằng, khu lưu niệm Bác Hồ ở Tân Hòa (Vũ Thư), khu lưu niệm Nguyễn Ðức Cảnh (Diêm Ðiền, Thái Thụy). Qua cầu Thái Hà, du khách đến đền Lảnh Giang, chùa Long Ðọi Sơn (Hà Nam), có thể về Phố Hiến (Hưng Yên) hoặc vòng về đền Trần, chùa Tháp, Bảo Lộc (Nam Ðịnh). Hiện tại, khu di tích bao gồm từ đường dòng họ Lê, lăng mộ Hà quận công Lê Trọng Thứ và hồ Lê Quý đều còn rất nhỏ, đơn sơ và đang trong tình trạng xuống cấp, hệ thống giao thông nhỏ hẹp… chưa xứng tầm với đức độ và công lao to lớn đối với nền văn hóa, văn hiến Việt Nam của danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn. Dự án sẽ nâng cấp các hạng mục di tích, đường giao thông nông thôn và một số hạng mục khác sẽ được xây dựng, mở rộng kèm theo hệ thống dịch vụ phục vụ du khách và tổ chức lễ hội. Bên cạnh từ đường họ Lê được bảo tồn, tôn tạo, dự án sẽ xây dựng thêm nhà thờ cụ Phúc Lý (ông nội Lê Quý Ðôn), kinh phí do dòng họ Lê đóng góp xây dựng. Dự án cũng sẽ mở thông không gian khu từ đường ra hồ Lê Quý thành một thể thống nhất. Hồ Lê Quý được kè đá kiên cố, có hệ thống cây xanh tỏa bóng bên hồ. Trên đảo nhỏ giữa hồ sẽ khôi phục ngôi nhà xưa - nơi Lê Quý Ðôn về quê viết sách, ngâm thơ, vẽ tranh… Miếu bà tổ cô (cô ruột Lê Quý Ðôn) bên hồ cũng được bảo tồn, tôn tạo. Lăng mộ Hà quận công sẽ được nâng cấp, xây dựng thêm nhà thờ cụ Lê Trọng Thứ. Nhà thờ sẽ được xây dựng theo lối cổ truyền, có ba gian, giữa là ban thờ, hai bên là nơi tiếp khách. Tại đây cũng sẽ xây dựng một quán nghỉ chân cho du khách mỗi lần tới thăm viếng. Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn được xây dựng trên con đường liên thôn nối từ khu di tích và từ bến sông Hồng vào khu trung tâm xã Ðộc Lập. Du khách tham quan có nhà tiếp đón, có nhân viên lễ tân thuộc khu lưu niệm hướng dẫn. Nhà tiếp đón có phòng tiếp khách, phòng trưng bày các hình ảnh về nhà bác học, có phòng chiếu phim và nói chuyện chuyên đề về thân thế, sự nghiệp của Lê Quý Ðôn, có sa bàn, bản đồ toàn bộ khu di tích và khu lưu niệm để du khách nhận biết và bố trí thời gian thích hợp cho chuyến tham quan của mình. Ðường liên thôn qua trục hành lễ sẽ lát đá có trang trí hoa văn rộng 13m, dài 110m. Khu lưu niệm có sân rộng, có thể tổ chức lễ hội với trên 5.000 người tham gia, hàng năm đây là nơi tổ chức lễ hội nhân kỷ niệm ngày sinh, ngày mất và những sự kiện phục vụ du khách. Tại đây có sân khấu lớn có thể tổ chức biểu diễn ca múa nhạc, kịch… Phía Bắc khu lưu niệm đặt trang trọng tượng đồng danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn. Ðền thờ Lê Quý Ðôn có mặt bằng hình chữ công, phía trước có tả vu, hữu vu để soạn lễ, trưng bày các hình ảnh, hiện vật và các tác phẩm của nhà bác học hiện còn lưu giữ được. Các công trình đều được xây dựng theo kiến trúc truyền thống với nhiều họa tiết hoa văn thời Lê. Xung quanh đền xây dựng nhiều hạng mục mô tả cuộc đời nhà bác học từ lúc thiếu thời tới lúc trưởng thành làm quan, đi sứ… Khu quê ngoại Lê Quý Ðôn sẽ tái tạo lại cảnh quan nhà cụ Trương Minh Lượng, ông ngoại Lê Quý Ðôn (làm quan đến tước hầu), người có ảnh hưởng tới sự nghiệp của Lê Quý Ðôn. Ðây cũng là nơi Lê Quý Ðôn trút hơi thở cuối cùng. Khu sự nghiệp quan trường là khu mô tả cuộc đời làm quan của Lê Quý Ðôn, đặc biệt khi vào trấn ải xứ Thuận Hóa ông đã viết Phủ biên tạp lục nói về xứ đàng trong và chủ quyền biển, đảo của nước ta với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…

Những mặt hàng độc đáo của đất Hưng Hà cũng sẽ được trưng bày và bán như chiếu Hới, đồ gia dụng bằng gỗ làng Vế, Diệc, những phù điêu gỗ khắc chạm tinh xảo, tượng danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn, Thái phó Lưu Khánh Ðàm, Lưu Ðiều, Ðông Nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Ðộ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm… Du khách còn được câu cá và thưởng thức cỗ cá bên hồ thủy sản giáp với hồ Lê Quý và có chòi câu, nhà bè nổi trên mặt nước để du khách thỏa sức kéo vó bè trên hồ dưới ánh trăng… Tất cả sẽ là kỷ niệm khó quên với những ai từng đặt chân đến khu lưu niệm!

Ông Lê Quý Tự, hậu duệ đời thứ tám, thủ nhang từ đường Lê Quý Ðôn

Là người thừa kế trông coi từ đường, theo các cụ trong họ tộc kể lại, khuôn viên gia tộc rất rộng bao gồm cả hồ Lê Quý thông ra sông Hồng và Hà quận công Lăng, hiện tại khuôn viên đã bị thu hẹp. Nay dự án xây dựng khu lưu niệm Lê Quý Ðôn đang tiến hành khiến tôi thật vui vì không lâu nữa, một khu lưu niệm hoành tráng tri ân cụ sẽ đưa vào sử dụng làm tăng giá trị khu di tích và khơi dậy niềm tự hào vô kể với gia tộc nói riêng và người dân Thái Bình, cả nước nói chung.

Ông Ðỗ Cao Chư, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Nhân Bình - đơn vị thi công khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn

Công ty chúng tôi vinh dự được làm công tác xây dựng khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn, niềm vinh dự này đã thôi thúc chúng tôi nỗ lực để hoàn thành công trình với chất lượng cao. Hiện tại, chúng tôi đã hoàn thành cơ bản hai gói nằm trong ba gói xây dựng giai đoạn I, gói ba sẽ hoàn thành hết năm 2017. Giai đoạn II sẽ tiếp tục khi có phê duyệt và chỉ đạo.

Cụ Lê Thị Quy, thôn Ðồng Phú, xã Ðộc Lập, huyện Hưng Hà

Tôi đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nay thấy UBND tỉnh Thái Bình có dự án xây dựng khu lưu niệm cụ Lê Quý Ðôn tự dưng thấy lòng vui sướng khôn tả. Vậy là cụ Lê Quý Ðôn sẽ sống mãi với nhân dân chúng tôi.

Quang Viện

  • Từ khóa