Thái Hà: Nguy cơ mai một một trò diễn dân gian
Vốn cổ
Ðánh gậy là loại hình thể thao truyền thống của dân tộc, với những thế võ đơn giản, người xem sau khi quan sát một vài lần là có thể thực hiện đã thu hút được nhiều người tham gia với mục đích rèn luyện để tự vệ, để bảo vệ quê hương, đất nước. Theo sách sử ghi chép, đánh gậy xuất hiện từ khi Hưng đạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn về làng Mụa thuộc hương A Cảo, phủ Long Hưng, nay là thôn Vũ Hạ, xã An Vũ (Quỳnh Phụ) chiêu tập binh sĩ chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông. Ðánh gậy dần dần lan tỏa đến các vùng lân cận mà Thái Hà là một trong những địa phương nằm trong dòng chảy văn hóa ấy.
Ðể thực hiện trò đánh gậy, người chơi phải đáp ứng những quy định hết sức nghiêm ngặt. Những nam giới đủ 18 tuổi trở lên mới được tham gia thi đấu, mỗi lượt thi đấu sẽ có hai người, mỗi người được sử dụng một chiếc gậy để tự vệ. Gậy thi đấu phải là những thân tre hóa có độ cứng, chắc với chiều dài tối đa không quá 2,6m, các đốt cách nhau đều tăm tắp và được tính “tực” theo nguyên tắc đếm vòng tròn sao cho đốt tre cuối cùng phải dừng lại ở chữ mạnh, chữ sinh, cấm kỵ rơi vào chữ lão, chữ tử. Ðánh gậy lấy tinh thần thượng võ, sự khéo léo làm chính, bởi vậy luật chơi hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây thương tích cho đối phương. Luật cấm: cấm đánh bổ thượng (đánh vào đầu), đánh đòn tâm (đánh vào vai), đánh đòn róc (đánh vào chân, tay), chỉ được chạm vào phần thân, gậy quệt vào đâu tính điểm tới đó.
Trước kia, cứ mỗi khi nông nhàn hay hội làng tổ chức, người dân Thái Hà lại tổ chức thi đánh gậy. Bà Trần Thị Nhự, thôn Ðông Hưng, xã Thái Hà năm nay đã ngoài 70 tuổi cho biết: Tôi đi xem đánh gậy từ ngày còn nhỏ, mỗi khi tổ chức cuộc thi, ngoài người trong làng thi tài với nhau, còn có cả những người ở vùng khác về đây giao lưu cùng, hễ có đánh gậy là rất nhiều người đi xem, đông vui lắm.
Dâng hương trước khi thực hiện trò diễn.
Thăng trầm
Ðánh gậy vốn là biểu tượng văn hóa của người dân Thái Hà, tuy nhiên một thời gian dài người Thái Hà không còn được thường xuyên tiếp xúc với môn võ cổ truyền của địa phương do sự ảnh hưởng của chiến tranh, thay đổi của thời cuộc. Gần 50 năm “gác gậy”, mãi đến năm 2006, các bậc cao niên trong làng mới có điều kiện khôi phục lại trò đánh gậy tại lễ hội đền Côn Giang, xã Thái Hà. Sự trở lại của trò đánh gậy nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân địa phương, nhiều thanh niên trong làng cũng được các cụ nghệ nhân truyền lại những thế đánh nhằm có lớp kế tục, đánh gậy trở thành trò chơi dân gian được mong đợi nhất mỗi dịp hội làng. Nhưng rồi từ hai năm nay, lễ hội làng Côn Giang lại tiếp tục “vắng bóng” trò đánh gậy. Nhìn những trang phục thi đấu vẫn còn mới đang được cất giữ trong tủ đồ, ông Ðoàn Hữu Sén một trong số những nghệ nhân có nhiều tâm huyết trong việc phục dựng đánh gậy tâm sự với vẻ đượm buồn: Nhiều năm trước, điều kiện kinh tế còn thiếu thốn nhưng người chơi võ gậy còn nhiều, mấy năm trở lại đây, chúng tôi có điều kiện để sắm sửa đồ đạc, trang phục thì lại không có người tham gia. Ông Ðoàn Quốc Huy, Trưởng ban Văn hóa xã Thái Hà cho biết: Lớp nghệ nhân của làng hầu hết đều đã xấp xỉ tuổi 80, sức đã yếu nên không thể thi đấu, người trẻ lại lo làm ăn kinh tế nên không có lực lượng kế cận tham gia thi đấu trong hội làng. Mặc dù bà con vẫn có nhu cầu thưởng thức trò diễn này nhưng địa phương cũng không thể đáp ứng bởi thiếu nhân lực.
Ðánh gậy xã Thái Hà vừa là trò diễn dân gian đặc sắc góp phần tạo nên dấu ấn tại hội đền Côn Giang, vừa là môn thể thao truyền thống đã tồn tại qua hơn 700 năm, giáo dục tinh thần rèn luyện sức khỏe, nâng cao trí lực cho nhân dân địa phương. Ðây cũng chính là cách thức mà cha ông xưa áp dụng để bảo vệ quê hương, đất nước bởi vậy tục đánh gậy rất cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Rất mong các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu, các cấp chính quyền có những giải pháp cụ thể nhằm bảo lưu tục lệ đánh gậy, để đánh gậy sống mãi trong đời sống văn hóa của người dân Thái Hà.
Ông Ðoàn Hữu Sén, nghệ nhân đánh gậy xã Thái Hà Lớp nghệ nhân chúng tôi nay đã cao tuổi, muốn có lớp kế cận góp phần duy trì tục đánh gậy cho quê hương. Nếu như có người tham gia học đánh gậy chúng tôi sẽ dốc hết sức mình để truyền dạy cho các cháu. Còn mong gì hơn là truyền thống quý báu của địa phương luôn được gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bà Hà Thị Rích, thôn Ðông Hưng, xã Thái Hà Tôi cũng như người dân quê tôi ai cũng thích xem đánh gậy. Mỗi khi trận đấu diễn ra mọi người tập trung rất đông để theo dõi, hò reo cổ vũ, không khí rất vui vẻ, hào hứng. Mấy năm nay hội làng không thi đánh gậy chúng tôi cảm thấy rất buồn. Mong rằng năm sau và nhiều năm tiếp theo, địa phương tiếp tục tổ chức thi đánh gậy để nhân dân được thưởng thức trò chơi dân gian này. |
Thảo Tiên
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024