Thứ 2, 18/11/2024, 11:28[GMT+7]

Lại Trì: Nước trong vẫn chảy

Thứ 2, 24/10/2016 | 09:27:57
4,388 lượt xem
Các bậc cao niên làng Lại Trì thường nói với cháu con trong làng: “Trì” là ao hồ, sông nước... “Lại” là nhiều, là hợp lại. Lại Trì có nghĩa là nhiều sông, nhiều ao, nhiều hồ hợp lại. Làng Lại Trì, xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương xưa nằm trên một gò đất cao, xung quanh mênh mông ao, hồ, có một dòng nước chảy xoáy từ phía Đông sang phía Tây, nhờ đó dân làng có nước sạch ăn uống. Truyền thuyết kể rằng làng Lại Trì giống hình con rùa (Kim Quy) từ sông Trà Lý bò lên, đầu quay về hướng Nam…

Bơi chải trong lễ hội văn hóa đình làng Lại Trì.

 

Ai đã một lần đến thăm làng Lại Trì hẳn sẽ nhớ câu ca:“Nhất vui là hội Lại Trì/Ðêm thì xem hát, ngày thì xem bơi”.

Làng Lại Trì có đình Lại Trì - di tích lịch sử cấp quốc gia, tương truyền, đình làng Lại Trì thờ Nam Hải đại vương Thục An Dương Vương, Quốc sư Dương Không Lộ và thân mẫu của ngài làm thành hoàng. Hàng năm, hội đình làng mở vào trung tuần tháng 9 âm lịch. Hội đình làng Lại Trì không chỉ có hát, có bơi chải mà còn có các trò chơi dân gian như đánh cờ bỏi, tổ tôm điếm, tam cúc điếm, có cả hát xẩm, biểu diễn xiếc. Buổi tối ở sân đình có hát ả đào (ca trù). Tại chùa có hát chèo, đọc kinh, kể hạnh… nhưng nét đặc biệt của hội làng Lại Trì là tế và bơi chải.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Ðức, Lại Trì là tên xa xưa, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 làng Lại Trì chia thành các thôn Bạch Ðằng, Ðống Ða, Mê Linh, Lam Sơn. Năm 1955 thành lập xã Vũ Tây, xã có ba thôn là Bạch Ðằng, Ðống Ða, Mê Linh còn Lam Sơn cắt về xã Vũ Sơn. Năm 2003 xã Vũ Tây chia thành 9 thôn với tên gọi: Tiền Phong, Quang Minh, Hợp Tiến, Bình Sơn, Ðồng Tâm, Thống Nhất, Hoa Nam, Ðại Hải, Vân Hồng… Hoài niệm với mạch nguồn văn hóa làng nhưng người Vũ Tây vẫn không quên cái tên Lại Trì có từ buổi đầu mở làng. Ngày mới lập làng, người dân sống bằng nghề chài lưới và cấy lúa. Quanh năm bận rộn với nghề đánh bắt cá còn cấy lúa chỉ làm một vụ chiêm. Các bậc cao niên trong làng cho biết, những người có công mở làng là các tổ họ Vũ, Bùi, Trần, Hà, Nguyễn. Ngày nay ngôi mộ ngũ tộc (5 họ) vẫn được dân làng  gìn giữ, tu bổ. Người dân trong làng xưa đã từng so sánh “Nhất Lại Trì, nhì Ðộng Trung” (làng Ðộng Trung, nay là hai xã Vũ Trung, Vũ Quý). Làng Lại Trì có nhiều xứ đồng, trong đó có đồng “hoa Sen” rộng tới hàng vài chục mẫu, thửa ruộng nào cũng có hình cánh sen. Người xưa đã truyền tụng về kiểu đất lạ này:

“Chân Ðịnh Lại Trì địa thế bình dị

Liên hoa nhất điểm kỳ hựu tối kỳ”.

(Nghĩa là: Ðịa thế làng Lại Trì thuộc huyện Chân Ðịnh (Kiến Xương nay) thời Lê, bằng phẳng, có một khoảng hình hoa sen rất lạ).

Theo các nguồn khảo luận, việc thờ Nam Hải đại vương ở đình Lại Trì là do người dân nơi đây thuở khai ấp lập làng làm nghề chài lưới, cuộc sống gắn liền với sông nước còn việc thờ Quốc sư và thân mẫu của ngài được kể rằng: Thân mẫu và Quốc sư Dương Không Lộ lúc còn hàn vi làm nghề đánh cá, một lần qua sông Bến (làng Lại Trì) thấy phong cảnh ở đây kỳ thú lại tiện nghề sông nước nên đã ở lại đây, sau khi mất dân lập đền thờ. Ðền thờ Quốc sư phong cảnh rất đẹp, chính giữa cửa đền có dải nước sâu hình trái bầu, liên tục như dải hồ lô. Trước mặt đền có giải đất hình đàn tỳ bà, bên cạnh là thửa ruộng hình thanh kiếm, bên kia sông trước đền có gò đất hình con rùa, một dải đất hình con rắn… đều chầu vào đền. Thân mẫu Quốc sư thờ ở chùa Am. Nơi thờ thân mẫu có hình vỏ chấu như một chiếc thuyền, dân gian truyền khẩu đây là vật dụng của cha mẹ Quốc sư, có người nói đây là di ảnh của nghề nông, nghề trồng lúa nước của dân làng. Cách đình Lại Trì không xa là chùa Am thờ thân mẫu Quốc sư Dương Không Lộ và cách chùa khoảng 400 - 500m có một phiến đá rộng hơn 3m² cắm thẳng đứng trên gò, phía đầu phiến đá có một vết lõm, giống hình ngón chân và một lỗ hổng như lỗ xỏ quai dép, phía cuối phiến đá lại có hình gót chân và một dải chéo như chiếc quai dép. Dân trong vùng gọi phiến đá đó là “chiếc dép của Ðức Thánh”. Cách làng Lại Trì khoảng 3km, tại làng Trình Hoàng, xã Vũ Lễ có một phiến đá giống phiến đá ở làng Lại Trì nhưng không có vết chéo dài, người ta bảo đó là chiếc dép đứt quai của Ðức Thánh. Ngoài đình, đền, chùa Am xưa làng còn có văn từ (thờ Khổng Tử và tạc bia ghi tên những người đỗ đạt), đàn tư võ, đàn thiên rông…, các thiết chế tín ngưỡng trên đều được xây dựng trên các gò đất cao giữa làng. Xa xưa là những ngôi nhà nhỏ, mái rạ, sau dần được tu bổ khang trang, đẹp đẽ, có tường hoa bao quanh, có cây cổ thụ, có hoa viên với hồ sen tươi mát… làm phong cảnh làng đẹp thêm. Làng Lại Trì có sông Bơi, con sông nhỏ trong đồng, vào mùa hội bao giờ cũng có bơi chải ở đây nên dân làng gọi sông Bơi. Trên bờ sông Bơi có bến Ngự. Ngày hội dân làng rước Thánh từ đền thờ ra ngồi xem bơi ở đây nên có tên bến Ngự, bến được xếp bằng đá. Trước cửa đền có giếng sâu, thành giếng xếp bằng đá ong, nước giếng rất trong, xưa dân làng thường lấy nước về ăn. Theo dân làng kể thì làng ngày xưa có tới chín giếng nước như thế, dân thường gọi “Cửu Tĩnh”, nay chỉ còn một giếng.

Hội làng Lại Trì có lễ tế bánh dày vào buổi tối. Bánh được làm rất tinh khiết, người làm bánh chú ý từ khâu chọn gạo đến khâu lấy nước ngâm gạo nên bánh làm ra dẻo, thơm. Lệ tế bánh dày vào buổi tối nhưng dân làng tham gia rất đông. Bơi chải là trò chơi đặc sắc của hội làng Lại Trì, năm nào vào hội cũng có bơi chải, tục bơi chải gắn với nghề sông nước của Quốc sư và cũng phản ánh lễ hội nông nghiệp của làng. Cuộc thi bơi chải diễn ra suốt ba ngày, làng có 8 giáp, cứ hai giáp một chải. Tiền đóng chải do nhân dân trong giáp bỏ ra, chải đóng bằng gỗ dổi, dài 14m, rộng 1m, có sức chứa 23 người, gồm một người lái, một người cầm cờ hiệu, một người tát nước và 10 đôi trai gái ngồi hai bên để bơi. Ðoạn sông mà các chải dự thi dài 3km, mỗi chải bơi ba vòng, xếp các chải về nhất, nhì, sau ba ngày cộng lại để ăn giải. Giải nhất 10 vuông lụa đào, giải nhì 5 vuông. Những ngày thi bơi, các chải đều được thưởng tiền. Ngày nay, hội làng Lại Trì vẫn duy trì thi bơi chải, ngoài các thôn trong xã còn có sự tham gia của thôn Lam Sơn, xã Vũ Sơn. Bơi chải xưa nay vẫn là một trò chơi hấp dẫn trong hội.

Không chỉ nổi tiếng thờ Thiền sư Dương Không Lộ với lễ hội đậm đà bản sắc đặc trưng sông nước, làng Lại Trì còn nổi danh với sự học. Năm Cảnh Hưng (1740 - 1786), làng đã có người thành đạt ra làm quan. Vào thời vua Minh Mệnh (1820 - 1840) làng đã trích ra 15 mẫu ruộng làm ruộng “học điền” cho người cấy thuê lấy hoa màu rước thầy về làng mở trường dạy học. Lại Trì ngày nay còn giữ được nét đẹp cảnh quan, môi trường của làng quê, nước từ những con sông bơi vẫn chảy và cháu con làng Lại Trì đang cùng với nhân dân xã Vũ Tây tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới đồng thời ra sức gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống trong mạch nguồn văn hóa tuôn chảy.

Ông Nguyễn Ngọc Khải, Chủ tịch UBND xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương

Cụm di tích đình, đền Lại Trì, chùa Am gắn với sự tích Thiền sư Dương Không Lộ đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, đây là niềm tự hào không chỉ riêng với người dân Lại Trì mà còn là di sản văn hóa của toàn tỉnh. Năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án trùng tu, nâng cấp di tích. UBND xã Vũ Tây khuyến khích con cháu làng Lại Trì xa quê gửi tiền về xây dựng nông thôn mới đồng thời phát tâm công đức chung tay trùng tu di tích lịch sử văn hóa đình, đền Lại Trì, chùa Am đã trải qua mưa nắng, bão giông mấy trăm năm nhằm bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống với lễ hội đặc sắc mang đậm dấu ấn nền văn minh sông Hồng.

Ông Vũ Xuân Liên, mạnh bái thôn Tiền Phong, xã Vũ Tây

 Di tích đình, đền Lại Trì, chùa Am là di sản văn hóa mà cha ông đã để lại cho chúng tôi, chúng tôi phải có trách nhiệm gìn giữ, tôn tạo để giáo dục truyền thống văn hóa cho con cháu sau này và để con cháu biết đến một thời quá khứ vàng son của dân tộc.

Bà Hà Thị Ngần, thôn Ðống Ða, xã Vũ Tây

 Ðình, đền Lại Trì và chùa Am của xã Vũ Tây chúng tôi được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đó là niềm tự hào của quê hương tôi. Vui nhất là hội đình Lại Trì, từ thuở nhỏ đến cao niên như tôi bây giờ, mỗi năm vào trung tuần tháng 9 âm lịch, làng mở hội, tôi lại được dự lễ hội, được xem các trò diễn xướng dân gian, được xem hát, được xem bơi chải… tôi như thấy cuộc đời trẻ lại.

Quang Viện

  • Từ khóa