Thứ 2, 18/11/2024, 05:37[GMT+7]

Đôi điều suy ngẫm về văn hóa ứng xử nơi công cộng

Thứ 6, 15/04/2011 | 15:24:30
2,866 lượt xem
Lẽ ra nơi công cộng là chỗ mà mọi người phải ứng xử theo chuẩn mực nhất thì hiện nay có chỗ, có nơi, có nhiều người lại không làm như vậy. Hành động của họ tại nơi công cộng thật phản cảm, thiếu văn hoá. Một trong những nơi mà chúng tôi muốn nhắc đến là Quảng trường 14/ 10.

Công trình văn hoá này sau khi được nâng cấp, mở rộng đã trở nên khang trang, sạch đẹp. Trong bối cảnh thành phố đang rất thiếu các điểm vui chơi công cộng thì đây là nơi khá lý tưởng để mọi người thong thả dạo bộ, nói chuyện xã giao hay chỉ đơn giản là ngồi yên lặng để hít thở gió trời. Chính vì vậy điểm công cộng này đã thu hút rất đông người dân thuộc mọi lứa tuổi từ các cụ già cho đến thanh niên và các cháu nhỏ.

Tuy nhiên không phải ai tới đây cũng có ý thức giữ vệ sinh chung, ứng xử có văn hoá. Trái lại nhiều người còn có các hành vi thiếu văn hoá gây khó chịu cho người khác. Ngay khi công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng thì các dịch vụ ăn theo cũng hoạt động sôi nổi và mọc lên như nấm. Điều đáng nói là các quán nước tự phát này hoạt động không theo một trật tự nào, họ có thể bày bán ở bất kỳ đâu mà họ thấy thích; nhiều người khách ngồi uống nước "hồn nhiên" hất nước thừa ra sân quảng trường, họ cũng "vô tư" vất vỏ kẹo, nhả bã kẹo cao su ra sân quảng trường.

Có mặt tại khu vực đài phun nước vào các buổi chiều chúng tôi được chứng kiến nhiều cảnh tượng rất khó coi: Đứng xa xem có lẽ không khoái nên một số người đã trèo lên thành đá "vô tư" thả chân khoả nước trong bồn, dùng tay té nước để trêu nhau. Có người thì nhặt các viên đá, viên gạch "thản nhiên" ném vào bồn nước. Một số người khác lại xé vụn giấy rắc lên mặt nước trong bồn hoặc gấp thuyền thả trôi trên mặt nước. Thật đáng buồn vì phần đông trong số họ đang là học sinh ngồi trên ghế nhà trường- nhóm người mà lẽ ra phải ứng xử có văn hoá nhất, chuẩn mực nhất.

Ngay chân đài phun nước, các nhà thiết kế đã cho trồng xen các thảm cỏ vừa thêm sinh động vừa tạo hành lang mềm ngăn cách đài phun nước với người xem nhưng cỏ đâu không thấy chỉ toàn trạt lỳ vết chân người, có lẽ phần do thời tiết khắc nghiệt, phần vì có quá nhiều người dẫm đạp nên loạt cỏ dưới chân đài nước không thể bén rễ, trổ búp non được. Các thảm có trang trí nằm ven đường Lý Thường Kiệt mặc dù đã lên xanh nhưng hàng ngày người ta vẫn vô tư nô đùa, chạy đuổi nhau trên thảm cỏ. Trên sân quảng trường không khó để tìm thấy những vỏ túi bim bim, túi nilon cùng nhiều thứ rác thải khác mà người tới đây xả ra...

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, dù là công trình văn hoá lớn, thu hút rất đông người dân nhưng lại không lắp đặt bất cứ thùng chứa rác công cộng nào nên để tránh xả rác thì người dân chỉ còn mỗi cách là giữ lại rác thải đem về nhà bỏ mà cách này xem ra quá bất tiện nên tốt nhất là nhắm mắt vất bừa.

Ngoài ra vào ban đêm các quán nước tại quảng trường thu hút rất đông khách, nhiều đêm nơi đây còn diễn ra các sự kiện văn hoá lớn nhưng các nhà thiết kế không hề bố trí một công trình vệ sinh tương xứng nên rất nhiều người khi có nhu cầu cá nhân đành phải tuỳ nghi giải quyết mà đã không bố trí chỗ giải quyết thì buộc người ta phải giải quyết ở bất cứ chỗ nào có thể.

Mới đây xem truyền hình đưa tin về vụ thảm họa kép động đất và sóng thần tại Nhật Bản, mặc dù mất hết nhà cửa và tài sản nhưng rất nhiều người dân Nhật không hề hoảng sợ, nơi xảy ra động đất, sóng thần không hề có cảnh cướp bóc, hôi của, nhiều người dân sẵn sàng xếp hàng cả tiếng đồng hồ để nhận những phần hàng cứu trợ ít ỏi... Tôi tự hỏi không biết nước Nhật đã làm như thế nào và mất bao lâu để giáo dục công dân của họ thành những người có văn hoá đến mức đáng phải kính phục như vậy.

Bài, ảnh: Mai Yên, Thành Tâm

  • Từ khóa