Thứ 2, 18/11/2024, 05:42[GMT+7]

ĐÌNH PHƯƠNG MAN, ĐỀN ĐÔNG DƯƠNG Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc

Thứ 3, 26/04/2011 | 15:47:36
3,097 lượt xem
Nằm trên vùng đất thiêng thuộc tổng Quảng Nạp xưa, xã Thụy Dũng (Thái Thụy) ngày nay, đình Phương Man, đền Đông Dương là hai trong nhiều di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh được nhiều khách thập phương ở trong và ngoài tỉnh ghé thăm. Đây không chỉ là những công trình lưu giữ nhiều giá trị văn hoá đặc sắc mà còn có quy mô kiến trúc-nghệ thuật độc đáo.

Tích xưa kể lại rằng: vào thời vua Hùng Duệ Vương có hai cô công chúa, một là Tiên Dung đã gả cho Chử Đồng Tử, còn công chúa Mị Nương nhà vua cho lập đàn thi tài để kén người giỏi làm phò mã và Tản Viên Sơn Thánh đã lấy được Mị Nương làm vợ. Cũng vào thời bấy giờ, cháu ngoại của vua Hùng là Thục Phán đang làm bộ chúa Ai Lao, nghe tin vua Hùng Duệ Vương không có con trai nối dõi định truyền ngôi cho  Đức Thánh Tản Viên, trong lòng bất bình nên tập trung binh mã tấn công nước Việt nhằm cướp ngôi vua. Thục Phán chia quân thành 5 đạo với khí thế hùng mạnh tấn công từ nhiều phía khiến các tuyến phòng thủ của vua Hùng lần lượt bị tan vỡ, quân lính nao núng, thua chạy.

Trước tình thế cấp bách, Tản Viên Sơn Thánh cho triệu hai tướng quân của mình là Đô Thiên tả tướng quân và Đô Thiên hữu tướng quân chia quân ra chống cự. Hai tướng này đã lần lượt phá tan, đánh đuổi được các đạo quân của giặc. Thục Phán bại trận phải lui quân. Vua Hùng mở tiệc khao tướng sỹ, ban thưởng cho hai tướng quân và lệnh cho về trang Bát Đụn ( huyện Thụy Anh cũ) để đóng binh coi giữ.

Nhân dân trong vùng cả mừng, ra đón rước các vị tướng về nghỉ ngơi ở từ sở. Hai ông mở tiệc mời lão ấu, nam phụ khoản đãi, ban thưởng cho dân làng các xã của trang Bát Đụn, tu sửa miếu từ và dựng sinh từ của mình ở đó đồng thời cùng dân chăm lo việc nông trang, xây dựng làng xã. Đời sống nhân dân chỉ sau vài năm đã trở nên no ấm, phồn thịnh.

Một buổi chiều sau khi đi công vụ về, hai tướng quân mời phụ lão đến yến ẩm ở quân doanh, tự nhiên hai ông không bệnh mà hoá, đó là vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Dân làng tâu biểu về triều đình, nhà vua thương tiếc các vị tướng tài có công giúp nước lệnh cho Bát Đụn trang lập miếu thờ phụng các ngài.

Sau này, dân cư Bát Đụn chia ra làm các làng như Vạn Đồn, Phương Man, Diêm Tỉnh, Đông Dương đến rước chân nhang, bài vị các ngài về làng mình và xây dựng để thờ. Các triều Tiền Lê nhà vua có sắc phong, ban mỹ tự cho các vị thần, đến các triều đại kế tiếp như Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều có sắc tặng. Ngoài thờ hai vị tướng quân, đình Phương Man còn phối thờ 12 vị Tiên công khai sáng trang ấp Phương Man. Cũng theo truyền thuyết, đình còn là nơi dừng chân của tướng quân Trần Hưng Đạo khi đi kiểm tra tình hình quân sự tại vùng cửa sông Hoá vào các chiến dịch đánh đuổi quân Nguyên 1285-1288.

Đình Phương Man ngày nay toạ lạc trên một gò đất cao nằm ở gần trung tâm của làng, quay hướng Bắc nhìn ra cánh đồng, địa hình rất thoáng mát. Tuy chưa xác định được thời gian xây đình từ bao giờ nhưng ngôi đình hiện tại được làm vào năm Thành Thái thứ Nhất.

Năm 2010 vừa qua, xã huy động 1.200 công, hơn 460 triệu đồng do nhân dân đóng góp, con em xa quê ủng hộ trùng tu, tôn tạo một lần nữa đã trở thành một quần thể kiến trúc, điêu khắc nghệ thuật độc đáo, lưu giữ nguyên vẹn những giá trị văn hoá, kiến trúc xưa.

Đình có hình chữ đinh, gồm một toà đình 5 gian, hậu cung lùi sâu 3 gian. Toà đình 5 gian kiến trúc theo kiểu mái cong đao guột, lòng thuyền tứ trụ. Các vì kèo, thanh rường, nghé đỡ và bảy hiên đều được chạm trổ hình Tứ Linh, Tứ Quý rất tinh sảo tương tự như các ngôi đình làng thời Nguyễn. Hai vì kèo ở hai đầu hồi làm theo kiểu bưng cốn. Nơi đỡ cây chồng nóc được chạm gỗ đầu một con rồng và con lân rất sinh động. Hệ thống cột đình to, khoẻ từ thời nhà Lê đều được lưu giữ nguyên vẹn. Hậu cung ngôi đình cũng được chạm gỗ tương tự và là nơi bày nhiều bát biểu, nhang án, đồ thờ tự, đồ tế khí cổ quý giá. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Đình Phương Man thực sự là một trong những di tích hiếm hoi, có quy mô lớn, kiến trúc chạm gỗ lộng lẫy, tinh sảo, đẹp mắt, giữ nguyên được hiện trạng xây dựng từ thời xa xưa cho đến ngày nay.

Cùng với đình Phương Man, đền Đông Dương (thôn Đông Dương) cũng thờ 3 nhân vật Trần triều Hưng Đạo Đại Vương, Đô Thiên tả tướng quân, Đô Thiên hữu tướng quân. Trước cách mạng tháng Tám, đền Đông Dương là địa điểm đồng chí Đỗ Hữu Lễ là cán bộ cách mạng về tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho nhân dân trong vùng. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đền Đông Dương là một trong những địa điểm phát động các phong trào kháng chiến kiến quốc, tổ chức các buổi hội họp, luyện tập.

Cuối tháng 12/1945, tại làng Đông Dương tổ chức cuộc vận động " Mỗi lá phiếu là một viên đạn, dùng lá phiếu chống đối với quân địch", cùng với đó cổng chào, băng biển, khẩu hiệu được dựng lên khắp mọi nẻo đường. Ngày 6/1/1946, nhân dân Đông Dương nô nức tiến về vị trí đặt hòm phiếu ở đền để bầu cử đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Từ năm 1946 đến năm 1947, đền Đông Dương là địa điểm tổ chức các lớp bình dân học vụ, mở các lớp giới thiệu tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ của các tổ chức quần chúng yêu nước trong cuộc kháng chiến kiến quốc; là địa điểm luyện tập, thao diễn, biểu dương lực lượng của quân dân du kích. Sau đó, đền Đông Dương  là một trong những địa điểm đóng quân của bộ đội Hải Kiến, điểm sơ cứu và chăm sóc thương binh. Một số bậc cao niên trong làng cho biết: cánh cửa của đền đã được lấy đóng ván chôn cất các liệt sỹ. Ngay trong ngôi đền ngày nay, nhân dân trong làng đã dựng bia, khắc tên vinh danh 50 liệt sỹ. Do đình miếu ở Đông Dương đều đã bị phá huỷ nên các thành hoàng làng đều được phối thờ trong đền, vì thế nơi đây đã trở thành nơi tập trung tín ngưỡng của cộng đồng nhân dân trong làng.

Hiện tại, đền Đông Dương nằm trong khuôn viên rộng 370,3 m2, quy mô xây dựng có hai toà gồm toà tiền tế gồm 5 gian và toà hậu cung gồm 2 gian. Toà tiền tế được bố trí theo hình chữ đinh dài 10m, rộng 10,5m. Ngoại thất xây theo kiểu hồi văn 3 đấu, mái chảy lợp ngói mũi. Bờ kìm đắp cá chép, cột hiên đắp nghê chầu, lồng đèn; bờ hiên đắp rồng chầu. Phía trước xây một vọng lâu cao hai tầng kiểu " chồng diêm cổ các", mái thượng đao đắp rồng, mái hạ đao đắp lá lật cách điệu. Toà tiền tế được xây theo kiểu " Tiền hiên hậu củng", phía trên giữ nguyên 4 bộ nóc cũ. Vì nóc ở gian chính giữ làm kiểu chồng rường, các thanh rường được chạm hoa văn lá lật đặt trên các đấu chạm hoa sen. Hai vì ở gian cạnh làm theo kiểu cuốn mê, soi chỉ kép, chạm lá lật. Đến nay, đền Đông Dương còn lưu giữ được 1 quyền thần tích, 12 đạo sắc phong, 1 bộ bát biểu và hai biển thờ thời nhà Nguyễn sơn son thiếp vàng lộng lẫy.

Ngày nay, hội chính của đình Phương Man, đền Đông Dương đều được tổ chức vào tháng 8 âm lịch hàng năm. Đây cũng là dịp để con em xa quê, du khách thập phương, nhân dân địa phương đến dâng hương, tế lễ và tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao. Ngoài dâng hương, có tế nam quan, nữ quan. Trang phục của người hành lễ vẫn tuân theo quy định cổ truyền, chỉ mặc áo mũ xanh không có màu sắc sặc sỡ như trang phục tế phổ biến ở nhiều nơi. Phần hội tổ chức ca hát cho dân vui chơi, thi cờ tướng, chọi gà, đấu bóng chuyền....

Cả hai công  trình văn hoá hiện tại vẫn tiếp tục được chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục trùng tu, tôn tạo, riêng đình Phương Man đang đề nghị công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa