Thứ 2, 18/11/2024, 05:15[GMT+7]

Giật mình chuyện đám cưới thôn quê

Thứ 3, 03/05/2011 | 08:27:03
8,020 lượt xem
Tôi có anh bạn chơi rất thân quê Quỳnh Phụ. Mới đây gia đình anh tổ chức cho cô em gái đi lấy chồng. Anh mời tôi về dự, nể bạn tôi đã nhận lời.

Đám cưới quê giản dị. Ảnh minh họa

Vì nhà trai ở tận Văn Chấn- Yên Bái nên bữa cơm thân mật mời bà con, anh em, họ hàng được gia đình tổ chức vào chiều hôm trước để sáng sớm hôm sau đoàn lên đường về nhà trai cho kịp lễ thành hôn đã ấn định vào buổi trưa. ăn xong bữa cơm chia vui, tôi định xin phép bạn ra về nhưng bạn tôi nài nỉ: Mấy khi ông về đây, ở chơi thêm lúc nữa, đợi tối dự xong chương trình liên hoan văn nghệ rồi hãy về. Nể bạn, tôi lại nhận lời.

Thường thì các đám cưới ở thôn quê, đêm trước lễ thành hôn, gia đình có tổ chức buổi văn nghệ “cây nhà, lá vườn” và mời bà con làng xóm đến chia vui, uống nước. Nhà nào có điều kiện thì bày thêm đĩa kẹo, hoa quả, thêm đĩa hạt dưa, hạt bí để mọi người vừa uống nước, vừa ăn kẹo, cắn hạt dưa và nói chuyện. Người nhà quê vốn nặng ân tình nên ngoại trừ có việc bận lắm, còn không thì ai cũng bớt chút thời gian đến chia vui cùng gia chủ.

Các tiết mục văn nghệ phần lớn là tự biên, tự diễn, ban nhạc cũng cùng làng mà người hát cũng cùng làng. Không cần chỉn chu quá về âm điệu nhưng mọi người vẫn thấy hài lòng. Đa số các tiết mục văn nghệ trình bày tại đây đều là các bài hát về chủ đề đám cưới, tình yêu đôi lứa hoặc ca ngợi quê hương, đất nước...

Vì quê bạn tôi là một xã nghèo, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, cũng giống quê tôi nên tự nhủ chắc đám cưới ở đây cũng không khác các làng quê khác là mấy. Gần 7h tối, khách đến càng lúc càng đông, thành phần có đủ các cụ cao tuổi, trung niên, thanh niên và tất nhiên là không thể thiếu các cháu nhỏ.

Đúng 7h chương trình văn nghệ bắt đầu. Sau lời tuyên bố ngắn gọn của người chủ hôn, đèn vụt tắt. Tôi tưởng mất điện hoá ra không phải. Vì ngay sau đó là tiếng loa công suất cực lớn bật lên, hai chiếc đèn nháy bố trí hai bên cánh gà cũng nhấp nháy theo tiếng nhạc để tạo ánh sáng lờ mờ nhằm tăng thêm độ phấn khích. Nhạc vừa bật, hàng chục thanh niên lao lên phía trước hôn trường nhảy loạn xạ. Một số thanh niên còn cởi phăng áo, để mình trần nhảy cho đã. Vài bạn trẻ dốc ngược đầu nhảy các điệu hip - hốp mà tôi từng thấy trên truyền hình. Ngoài nam thanh niên, có cả các bạn nữ cũng tham gia. Ngay đến các cháu nhỏ mới 4- 5 tuổi, có cháu đang học cấp 1 cũng không bỏ lỡ cơ hội này và tham gia nhảy nhiệt tình hơn cả các anh chị. Mọi người nhảy không cần theo nhịp điệu nào cả, nhảy kiểu nào tuỳ thích, cứ nghe nhạc và nhảy, thế thôi.

Nhìn đồng hồ, đã 8h kém mà phần văn nghệ vẫn chỉ có thế, nhạc cực mạnh và nhảy cực bốc. Từ lúc nhạc nổi lên, mọi người chỉ còn biết ngồi yên uống nước, chả ai chuyện trò được câu gì, ai đó gặp người quen thì giơ tay hoặc gật đầu ra hiệu chào vì có ghé sát vào tai nhau cố nói thật to cũng không nghe được gì, không át nổi tiếng nhạc sàn quá lớn. Vì lúc chiều có uống vài chén rượu nên khi nghe nhạc mạnh quá tôi thấy hơi đau đầu nên trốn ra đầu ngõ để đứng. Vài cụ cao tuổi đã ra về. Thấy tôi, các cụ phân trần, nhạc to quá, không để cho ai nói chuyện cả, ngồi cũng chẳng biết làm gì, về ngả lưng cho đỡ mỏi.

Về phần tôi, tôi cũng xin phép bạn ra về. Lấy lý do nhà xa, đường tối nên bạn tôi miễn cưỡng gật đầu. Suốt dọc đường về tôi cứ nghĩ tại sao một vùng quê nghèo như thế lại có hình thức tổ chức đám cưới lai căng đến vậy. Hoàn toàn xa rời và chẳng ăn nhập gì với những nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của thôn quê. Không biết ban văn hoá xã có biết việc này không và có biện pháp gì để khắc phục chưa. Và tôi tự trả lời chắc là biết nhưng biện pháp thì chưa. Thật đáng lo ngại.

Mai Yên

  • Từ khóa