Thứ 7, 16/11/2024, 12:34[GMT+7]

Cỗ cá đền Trần - nét văn hóa độc đáo

Thứ 2, 06/02/2017 | 09:20:13
1,596 lượt xem
Cứ mỗi độ xuân về, người dân xã Tiến Đức (Hưng Hà) cùng du khách thập phương lại nô nức hướng tới lễ hội đền Trần Thái Bình ở làng Tam Đường với các nghi thức tế lễ độc đáo cùng nhiều trò vui như thi gói bánh chưng, thi kéo lửa nấu cơm, thi pháo đất… Nhưng đặc biệt nhất trong mỗi mùa lễ hội vẫn là phần thi cỗ cá - một tục lệ lạ, hiếm thấy ở các địa phương khác trên cả nước. Cá được chế biến kỳ công để tới khi đặt lên mâm cỗ vẫn giữ được hình dáng và tư thế như đang bơi - đây là cách làm độc đáo

Trải qua thời gian và sự biến thiên của lịch sử, trong lòng mỗi người dân, các vị vua, các vị danh tướng nhà Trần đã trở thành các vị Thánh luôn che chở, bảo hộ cho nhân dân một cuộc sống an lành. Do đó, di tích đền Trần đã trở thành vùng đất linh thiêng để người dân bày tỏ lòng thành kính, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Lễ hội đền Trần diễn ra vào dịp đầu xuân hàng năm còn là không gian văn hóa đặc biệt để duy trì những nghi lễ, lễ thức cổ truyền của người Việt, đồng thời góp phần gia tăng tính cố kết cộng đồng, bởi được nhân dân trong làng ngoài xã quây quần tổ chức, làm cho sinh hoạt lễ hội vừa trang nghiêm, trọng thể, vừa tưng bừng, náo nhiệt.

Kỳ công chọn lựa

Về làng Tam Đường vào đúng dịp lễ hội đền Trần, khi người dân nơi đây đang rộn ràng chuẩn bị cho những mâm cỗ cá được tươm tất, đủ đầy, chúng tôi có dịp trò chuyện với những cụ cao niên trong làng và lắng nghe về cách làm cỗ cá cổ truyền. Ông Khang - một trong những người đang nối tiếp người xưa thực hiện mâm cỗ cá, vừa cẩn trọng kiểm tra từng chú cá mới được bắt lên vừa giải thích cho chúng tôi: Đã là cá để làm cỗ dâng lên vua thì không được trật vẩy, gẫy vây, gẫy đuôi, phải nặng ít nhất từ 3,5kg trở lên và được lựa chọn cẩn thận, đặc biệt, khi đã bắt lên thì cần bọc riêng từng con.

Quả thực, có lẽ bởi kỳ công ngay từ khâu tuyển chọn cá, rồi đến người tham gia, cách thức làm cỗ cá,… mà cuộc thi này luôn là phần rất hấp dẫn đối với du khách khi hành hương về lễ hội tại đền Trần. Đại diện cho các thôn trong xã Tiến Đức là các giáp tham gia thi cỗ cá. Giáp nào có cỗ cá đoạt giải nhất thì được đưa vào trong đền dâng cúng các vua Trần. Bởi vậy, trước ngày thi từ nhiều tháng, các giáp trong làng đã cử người đi tìm mua cá to đem về ao thả. Người được chọn để nuôi cá cũng phải theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt như gia đình không có tang, làm ăn thuận buồm xuôi gió, trên dưới hòa thuận. Còn ao để nuôi cá tiến vua phải thoáng mát, nước trong ao không ô nhiễm, thức ăn cho cá phải sạch sẽ, sao cho cá đủ lớn theo trọng lượng mà làng quy định. Trước đây, các cụ cao niên trong làng tính trọng lượng của cá bằng vổ, mỗi vổ bằng độ dài ngang bàn tay, đo theo độ dài thân cá, từ mép đến chóp đuôi.

Đặc biệt trong khâu chế biến

Nguồn gốc thi cỗ cá ở đền Trần được tổ chức để mọi người nhớ tới thuở hàn vi, tổ tiên nhà Trần sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Cứ thế hơn 700 năm qua, các đời con cháu của vùng đất này đã sáng tạo nên cách làm cỗ cá đặc biệt nhất trời Nam.

Làm cỗ cá vốn nhiều công và mỗi thôn làng của vùng đất cổ xưa này đều có những bí truyền riêng, mà phải tận mắt chứng kiến thì người xem mới hiểu hết được sự kỳ công và tấm lòng thành kính của mỗi người dân làng Tam Đường khi tạo ra một lễ vật để dâng lên tiến cúng các vua Trần. Cá sau khi đã được làm sạch, khử mùi tanh, lau khô thì một khâu quan trọng là những người thợ lành nghề, khéo léo nhất sẽ nhanh tay tiến hành "tạo hình" lại cho cá. Có nhiều loại lá được lựa chọn để nhồi lại vào bụng cá tạo độ căng tròn như khi cá chưa mổ, như lá riềng, lá ổi, lá sung hay rau thơm,… Tiếp đến, họ cẩn trọng dùng một kim khâu, khâu tỉ mỉ từng mũi làm cho bụng cá như liền lại, dấu đi vết tích đã bị mổ. Đó chính là cái tài của người làm cỗ cá để cho cá khi đã được chế biến mà vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu.

Cầu kỳ là vậy, nhưng khâu tiếp theo mới tốn nhiều công sức nhất. Cá sau khi đã được đặt lên khung, nẹp vây, uốn mình để giữ tư thế như đang bơi một cách tự nhiên nhất thì được đặt lên trên một chiếc chảo to. Nếu trước đây, cá được luộc hoặc hấp thì giờ đây, cá được làm chín bởi cách tưới dầu rán nóng lên mình cá để cá chín từ từ và có màu vàng rất bắt mắt. Cá được cẩn trọng đặt lên một tấm phên đan bằng tre, để ngang trên miệng chảo dầu đun nóng, sau đó người ta dùng muỗng múc từ từ từng muỗng dầu nóng tưới lên mình cá nhiều giờ đồng hồ. Làm cỗ cá vốn không vội được! Vì vậy, đòi hỏi ở người nghệ nhân trong từng công đoạn là sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và cẩn trọng. Nếu không giữ nhiệt tốt để dầu nóng quá thì cá sẽ bị bong vẩy nên họ luôn phải dùng lá chuối chấm vào chảo dầu để kiểm tra độ nóng.

Có rất nhiều chi tiết nhỏ để làm nên mâm cỗ cá được đúc kết qua hơn 700 năm như vậy! Và xưa nay, vật phẩm nào tiến vua cũng cầu kỳ mới thành tiếng, thành danh muôn đời. Theo các bậc cao niên trong làng Tam Đường kể lại rằng, trước đây khi có nghệ nhân cao tay, dân làng làm cỗ cá ở mức độ khó và mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ vô cùng sâu sắc. Bởi, trước khi đưa cá và luộc hoặc hấp thì người nghệ nhân cẩn trọng đặt từng hạt gạo nếp cái chèn dưới từng chiếc vây của thân cá. Sau khi hấp hoặc luộc cá, hạt gạo nếp tới độ chín, nở bung ra như những chấm hoa trắng nõn dưới từng vẩy của cá, trông rất đẹp mắt. Kỹ năng làm cỗ cá như vậy cho đến nay chỉ còn lại qua truyền tụng mà thôi.

Sáng ngày 14 tháng Giêng, lúc này cỗ cá của 8 thôn làng trong xã Tiến Đức đều đã hoàn thành, nhân dân cùng du khách thập phương hòa mình theo đoàn rước cỗ cá tới đền thờ các vua Trần. Không khí rộn ràng, lòng người càng trở nên háo hức! Tục thi cỗ cá trong lễ hội đền Trần không chỉ tỏ tấm lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân mà còn là ước vọng của người dân về một năm mới nhiều may mắn, thuận buồm xuôi gió, làm ăn phát đạt, hạnh phúc. Mỗi mâm cỗ cá có một vẻ đẹp khác nhau mà từng thôn làng đã gửi gắm tâm huyết của họ khi thực hiện. Những du khách thập phương khi hòa mình vào lễ hội rộn ràng cũng chỉ biết thán phục, trầm trồ trước sự tài hoa của người làm cỗ cá nơi đây.

Tục thi cỗ cá trải qua hơn 700 năm, có lúc thăng lúc trầm do thời thế nhưng vẫn luôn mang đậm dấu ấn văn hóa sông nước của người Việt. Ngày nay, người dân đất Long Hưng luôn cố gắng khôi phục và giữ gìn một tục lệ đẹp về văn hóa ẩm thực của người xưa. Và đó cũng trở thành sợi dây gắn kết vô hình mà thiêng liêng, gần gũi, bền chặt của mỗi người dân với các bậc tiền nhân.

Ông Phan Văn Khang, đội thi cỗ cá Tam Đường
Điều then chốt nhất khi làm cỗ cá đó là cá không bị mất vây, tróc vẩy và sau khi đã hoàn thành cá được tạo hình đang bơi một cách tự nhiên nhất. Từ đời các cụ xa xưa đã có ý thức bảo tồn bản sắc dân tộc, tôi thấy rằng không có nơi nào mà có cỗ cá và làm công phu. Bởi vậy mà các thế hệ con cháu làng Tam Đường luôn rất tự hào về truyền thống của quê hương, nối tiếp nhau gìn giữ, phát triển di sản phi vật thể là cách làm cỗ cá này.
Ông Lê Như Ngân, xã Tiến Đức
Cứ tới mỗi hội thi cỗ cá cổ truyền, tôi cùng các bậc cao niên trong làng đại diện cho muôn dân đọc bài tế trước đền thờ các vị tiên đế nhà Trần. Bài văn tế là chúng tôi cầu cho cả cộng đồng dân cư được an lành, no ấm, mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu, nhân dân, con cháu trong làng được an khang, hạnh phúc, phát triển về kinh tế.


Anh Tú 

  • Từ khóa