Long đong nghề hàng xáo
Có làng có tới chục hộ chuyên làm nghề này, hiện nay vẫn còn một vài gia đình tiếp tục nghề hàng xáo của ông cha. Chỉ có điều phương tiện làm ra hạt gạo của họ không còn vất vả xay giã suốt ngày đêm như trước nữa. Bây giờ họ đi chuyên chở thóc gạo bằng ô tô, dùng máy xay xát để làm ra hạt gạo trắng tinh. Nguồn hàng đi, đến nhiều hơn, đa dạng hơn. Họ nhập cả gạo ngoại thơm ngon từ Trung Quốc, Thái Lan... về bán kèm.
Trước đây, nghề hàng xáo nghe kể chỉ lãi lờ tí cám, tí tấm và được vỏ chấu không cũng phải làm. Những ngày mưa gió kéo dài, những lúc thời vụ cấy, gặt, nông dân bận không có thời gian nhiều để xay lúa, giã gạo nên họ phải mua gạo cho tiện. Đấy cũng chính là thời điểm những người làm hàng xáo gia tăng công suất, tranh thủ làm ăn. Do vậy nghề hàng xáo cũng có tính chất thời vụ.
Bình thường người làm hàng xáo chỉ mua bán những loại lúa gạo quen thuộc, giá thấp mà bán chạy như gạo tép đỏ, gạo ri, gạo chiêm, gạo câu, gạo ré... Dân tình còn nhiều đói kém nên thích ăn gạo không ngon, để vừa chắc dạ vừa lâu đói, vừa ăn được ít, mất ít tiền là vui rồi. Thậm chí người nông dân phải ăn cơm tấm, cháo cám chứ làm gì có đủ gạo mà ăn suốt tháng, suốt năm? Thành thử nói là nghề hàng xáo nhưng thực chất là buôn bán cả lương thực khác kèm theo như ngô, khoai, sắn, mới thường xuyên có người mua.
Một trong những công việc nặng nhọc của nghề hàng xáo là xay lúa, giã gạo. Việc xay lúa xưa dùng cối làm bằng tre, nện chặt với đất. Cối xay làm được vài vụ thì mòn, rệu rã phải làm lại. Ngày xưa có thợ chuyên đi đóng cối xay cho các làng. Một cánh thợ chỉ gồm 1-2 người, 1 chính 1 phụ. Còn cối giã thỉnh thoảng trong làng mới có gia đình sắm được. Nó gồm có mỏ chày, thân chày, trụ cối và thân cối (bằng đá). Có nhà dùng thân cối lâu đời và giã nhiều đến nỗi mòn vẹt thủng cả đáy cối. Mức độ mòn đến thúng cả cối đá chứng tỏ thời gian và công sức của con người đã bỏ ra nhiều đến mức nào cho nghề nghiệp của mình. Mỏ cối, thân cối bằng gỗ to, chắc, nặng phải 2-3 người đụng chân cối mới hoạt động được. Thóc được xay ra gạo, trấu. Qua động tác sàng sẩy mới lọc ra được những hạt gạo sạch sẽ rồi đổ vào cối giã. Tuỳ cỡ cối, tuỳ loại gạo và tuỳ thuộc chủ nhân muốn gạo trắng hay đen mà sử dụng thời gian tương ứng. Để đánh bóng cho hạt gạo đẹp, hấp dẫn người mua, nhà nghề phải giã gạo qua hai lần (sau khi đã sạch cám). Lần giã này chỉ nhằm để các hạt gạo chà sát nhẹ vào nhau làm nhẵn bóng những hạt gạo có màu sáng đẹp dễ bán. Thời gian giã lại rất ngắn.
Đối tượng mua gạo cũng hết sức đa dạng, khó chiều. Có nhiều gia đình khá giả hay kỹ tính thường rất kén gạo. Nếu thấy thúng gạo còn sót hạt thóc hay có lần những hạt gạo đen, vàng, có màu hơi khác hoặc nhiều tấm (gạo nát) là họ chê bôi đòi hạ giá. Có người còn đưa hạt gạo lên miệng dùng răng cắn xem hạt gạo có săn chắc hay không... Long đong lận đận đi tận nơi xa mua bằng được gạo ngon mà khách hàng ưa chuộng, có khi đặt tiền, đăng ký trước để mua gạo tám xoan, gạo nếp hương, gạo dự ở miền Bắc, các loại gạo dẻo thơm ở miền Nam, thậm chí cả gạo ngon nguồn gốc nước ngoài như gạo của Thái Lan, Malaixia, Trung Quốc, Nhật Bản...
Dù khó khăn vất vả mấy người hàng xáo cũng cố vượt qua dù nhà chưa có vẫn phải đảm bảo đủ hàng cho khách trước. Bởi cơ chế thị trường "khách hàng là thượng đế" mà lại!
Gạo giã xong, khâu cuối cùng là dùng rần, mẹt để sàng sẩy loại trấu, cám riêng ra. Gạo đóng vào bao bì. Có gạo rồi người hàng sáo phải lo đi bán ở chợ hoặc đi đổ cho nhà dân theo địa chỉ đã hẹn. Việc mua thóc lại được thực hiện theo chiều ngược lại. Còn cám chủ yếu để chăn nuôi hoặc bán ở gần.
Những ngày Tết gần đến nơi cũng là những ngày hàng xáo bận rộn nhất, vất vả nhất cũng là phấn khởi nhất vì càng chạy được nhiều hàng thóc gạo càng có lời nhiều hơn. Ngày Tết nhu cầu về gạo tăng lên về số lượng đáng kể vì nhà nào cũng cần mua gạo nhiều hơn, đủ dùng cho 3 ngày Tết thậm chí cả tuần. Không chỉ số lượng tăng cao, chất lượng gạo cũng phải cao hơn ngày thường. Bởi ngày Tết các gia đình cố gắng ít ăn cơm độn ngô khoai sắn như ngày thường. Nhiều gia đình phấn đấu ăn cơm không độn hoa màu. Nhà khá giả còn phấn đấu mua được mấy cân gạo thơm ngon để đãi khách. Đúng là "no ba ngày Tết, đói ba tháng hè". Dự trữ gạo và thực phẩm khác trong ngày Tết dường như trước đây trở thành tập quán của dân chúng. Còn hiện nay do đời sống đã khá hơn xưa nên nhiều gia đình ngày Tết chỉ lo sao mua được mấy cân gạo thật ngon để chi dùng cho mấy ngày Tết. Người làm hàng sáo lại chạy ngược chạy xuôi. Cũng vì vậy mà nghề hàng xáo ở đây bán được nhiều gạo hơn, khấm khá hơn trong tháng Tết vậy nên tháng Tết ở đây thường nói là tháng củ mật.
Nghề hàng xáo cũng là nghề nhiều vất vả nặng nhọc. Bởi trước đây đường xá đi lại khó khăn, phương tiện thô sơ, thóc gạo di chuyển đi về chỉ có gánh, chạy bộ. Nên với người hàng sáo lúc nào cũng có đôi quang gánh đè nặng lên đôi vai chai lì của các mẹ các chị chạy chợ. Quang gánh thúng mủng, trước là đấu sau là ống bơ là những dụng cụ đo đếm, đồng hành của những người hàng sáo. Còn ở trong nhà thì chày giã gạo, cối xay lúa, nong nia, rần sàng, chổi rơm, bao tải là những bạn làm ăn hàng ngày của những người làm nghề hàng sáo ở làng Cam Giá.
Người làm nghề phải thức khuya dậy sớm hơn cả những nghề khác. Sáng sớm khi gà gáy đã phải dạy quang gánh đi chợ bán gạo, đong thóc từ xa có khi tối mịt mới về. Nếu ở nhà, phải xay lúa, giã gạo, sàng sẩy luôn tay luôn chân. Nhiều khi phải giã gạo đến 12 giờ đêm, buồn ngủ rũ rượi cũng cố làm việc. Bù lại sự khó nhọc, những gia đình có nghề làm hàng sáo đa phần có kinh tế khá vững hơn nhiều người chỉ có nghề nông đơn thuần.
Vũ Văn Lâu
(Hội VH NT tỉnh Ninh Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy