Thứ 2, 18/11/2024, 01:46[GMT+7]

Văn hóa lễ hội

Thứ 2, 27/02/2017 | 10:43:32
1,617 lượt xem
Cứ mỗi mùa lễ hội qua đi lại còn đó những điều khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm về ý thức của mỗi người dân - chủ thể của lễ hội, trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.

Lễ hội bơi trải Diêm Ðiền. Ảnh: Trần Tuấn

Nét đẹp văn hóa truyền thống

Trong mùa trẩy hội đầu xuân, chúng tôi có dịp trở về thị trấn Diêm Ðiền (Thái Thụy) và tham gia vào lễ hội bơi trải truyền thống nơi đây. Không khí tưng bừng rộn rã từ tiếng reo hò, cổ vũ của đông đảo nhân dân và du khách thập phương làm huyên náo, vang vọng cả một khúc sông quê. Trong tiếng trống đánh dồn dập, ai ai cũng háo hức dõi theo từng chiếc thuyền đua bởi người dân nơi đây quan niệm rằng lễ hội bơi trải truyền thống chính là lễ ra quân đầu năm, mở màn cho việc khai thác và vận tải biển của quê hương.

Trở về từ thành phố Thái Bình, ông Phạm Minh Ðức, một người con của quê hương Diêm Ðiền hào hứng chia sẻ: Dù có bận mải đến mấy, năm nào ông cũng trở về quê hương vào đúng dịp diễn ra lễ hội bơi trải đầu xuân để được dõi theo tiếng trống đánh rộn ràng, từng con thuyền lao nhanh vun vút và những mái chèo mạnh mẽ, dẻo dai của những chàng thanh niên miền biển,… Họ cùng nguyện ước cho một năm mới thuận buồm xuôi gió, trời yên biển lặng, nghề đi biển được nhiều tôm, cá. Họ trở về với lễ hội của quê hương như trở về với không gian văn hóa linh thiêng, như trở về với mái nhà chung của dân làng mà dù cho có bôn ba nơi biển cả xa xôi hay nơi rừng núi hiểm trở, cũng sẽ trở về vào đúng dịp hội này để báo công với tổ tiên và cùng gìn giữ nét đẹp văn hóa đã có từ bao đời nay của người dân miền biển. 

Cũng giống như lễ hội bơi trải Diêm Ðiền, du khách thập phương khi tham dự lễ hội đền Trần Thái Bình ở làng Tam Ðường, xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà không chỉ được hòa mình vào không gian linh thiêng của phần tế lễ trang nghiêm mà còn được tham gia vào những trò chơi dân gian đặc sắc. Trong đó, có lẽ ấn tượng khó phai đối với mỗi du khách khi đến với lễ hội đền Trần Thái Bình chính là lễ rước nước để cầu mong một năm mới may mắn, mùa màng bội thu.

Hình ảnh các đoàn rước đi dài ven sông với trống dong cờ mở rợp trời, dàn nhạc bát âm tấu khúc hành lễ rộn ràng đã tạo nên khung cảnh tráng lệ và nhộn nhịp quen thuộc của đời sống làng xã từ thời mở nước.

Ông Trần Văn Tần, một người con của quê hương Hưng Hà, dù đã ở tuổi thất thập nhưng năm nào cũng tham gia vào đoàn rước long trọng này bởi giống như những người dân quê hương, ông cảm thấy thật vinh dự, tự hào khi được cùng dân làng rước nước, cùng cầu mong một năm mới bình an.

Quả thực, trong đời sống văn hóa của mỗi con người, lễ hội đóng vai trò, vị trí vô cùng quan trọng bởi là nơi bảo tồn, trao truyền văn hóa giữa các thế hệ, là kho tàng tài sản quý giá của mỗi địa phương cũng như cả dân tộc. Thông qua lễ hội, nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng được thỏa mãn, các truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp được duy trì, gìn giữ.

Vẫn còn đó đôi điều suy ngẫm

Trở về khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà trong mùa lễ hội năm nay, không ít du khách không khỏi bất ngờ, sửng sốt trước những nét chữ được viết nghệch ngoạc trên khắp các bức tường của cửa tam quan với đủ màu mực. Ðó là những câu chuyện tình yêu, những lời nhắn gửi, những lời bày tỏ tình cảm với thần tượng Hàn Quốc, hay thậm chí đơn giản chỉ là một cái tên,… cũng được các bạn trẻ thoải mái, vô tư thể hiện. Có lẽ trong suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ, đó là cách để lưu lại dấu ấn của chính mình khi đến thăm khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt này. Không rõ khi viết nên những dòng chữ ấy, có ai nghĩ đến việc chính những nét chữ của mình đang trực tiếp phá hủy cảnh quan khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Ban Quản lý khu di tích đền Trần Thái Bình đã nhiều lần mất không ít công sức để có thể tẩy hết những dòng chữ phản cảm ấy. Nhưng đợt này tẩy đi, đợt sau lại xuất hiện. Có lẽ, đời sống ngày càng phát triển nhưng ý thức của một bộ phận giới trẻ khi đi lễ chùa, khi đến với khu di tích lịch sử văn hóa chưa thực sự được nâng lên. Không những vậy, trong những ngày đầu xuân năm mới, dù đi lễ chùa nhưng việc phô bày cơ thể trong những bộ trang phục hợp thời trang cũng được một bộ phận người trẻ hồn nhiên ăn vận.

Những dòng chữ phản cảm được một bộ phận du khách hồn nhiên thể hiện tại cửa tam quan đền Trần Thái Bình, xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà.

Tại nhiều lễ hội, việc sử dụng tiền mới với mệnh giá nhỏ ngày càng phổ biến. Hành động rải tiền lẻ trên khắp các mặt bàn nơi thờ tự, thập chí được gài, giắt cả vào thanh chắn cửa của cung cấm ảnh hưởng không nhỏ đến sự tôn nghiêm của di tích, đồng thời đặc biệt ảnh hưởng đến hình ảnh của đồng tiền Việt Nam. Việc đặt tiền “giọt dầu” thể hiện cái tâm của người đi lễ, tuy nhiên nhiều người đi lễ chùa hiện nay lại cho rằng càng rải nhiều tiền thì càng được Phật, Thánh thần chứng giám.

Ðầu xuân năm mới, đến với lễ hội, cầu mong một năm bình an, nhiều may mắn là phong tục tập quán tốt đẹp đã có từ bao đời nay của người Việt. Tuy nhiên, không chỉ cố gắng của các nhà quản lý, ban tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương, mà đòi hỏi ở chính mỗi người dân, khi tham gia lễ hội, khi đến với khu di tích cần có ý thức tự giác và hành xử chuẩn mực để mỗi lễ hội mãi là niềm vui, may mắn của dịp đầu năm.


Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Mỗi di tích lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng trong nền văn hóa của một quốc gia, một dân tộc, là công sức gìn giữ qua hàng nghìn năm của các bậc tiền nhân. Bởi vậy mà thế hệ trẻ hôm nay cần có cái nhìn và hành động đúng chuẩn mực, cần chung tay gìn giữ, tôn trọng không gian trang nghiêm, thành kính khi đến với mỗi khu di tích như đình, chùa… vì đó là nơi thể hiện tấm lòng của người dân đối với những vị anh hùng có công lao to lớn với dân tộc, đất nước.
Thủ nhang Ðặng Vũ Trần Nhã

Ðể mỗi mùa lễ hội đền Trần Thái Bình đều có lễ rước nước trang trọng, hàng nghìn người dân đã tham gia vào hoạt động tâm linh này với tấm lòng thành kính. Mỗi người dân không chỉ trong mùa lễ hội mà khi đi lễ chùa cũng cần có tâm thanh tịnh, tránh mọi xô bồ, bon chen, không nói to, không ăn mặc hở hang, giữ gìn cảnh quan khu di tích,… như vậy mới có thể góp phần giữ được không gian trang nghiêm và linh thiêng.

Anh Tú