Tiếng thơm để lại
Hội làng La Miên (thôn La Vân, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ) hàng năm vẫn duy trì nét văn hóa độc đáo giao lưu viết thư pháp. Những người tham gia viết thư pháp đã thổi hồn của làng vào nét chữ và kiên nhẫn trong việc phóng bút làm toát lên vẻ đẹp của cụm di tích lịch sử văn hóa đình, đền, chùa La Vân.
Sử cũ ghi, vào năm 1632, với sự đóng góp của nhân dân La Miên và nhân dân khắp vùng trong cả nước, đặc biệt là hai ông Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Gia Khánh là người làng La Miên làm quan tại kinh đô Thăng Long đã quyên góp được 1.700 cân tiền và đồng nguyên chất để trùng tu ngôi chùa Thủ và Am Bảo Long thờ quốc sư Nguyễn Minh Không (tức Nguyễn Chí Thành) tại làng La Miên (nay là thôn La Vân, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ) cho đến năm 1682 chùa Thủ và Am Bảo Long tiếp tục được mở rộng tạo nên khu quần thể kiến trúc đình, đền, chùa khá độc đáo ở làng La Miên.
Cụm di tích đình, đền, chùa La Vân được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1995, nơi đây thờ quốc sư Nguyễn Minh Không thế kỷ XII, ông là cao tăng được vua Lý phong quốc sư và là người có công lao to lớn với vương triều Lý trong việc trị thủy, chống giặc ngoại xâm và mở mang vùng đất lưu vực sông Hồng. Ông còn được tôn vinh là vị tổ sư của nghề đúc đồng và bèo hoa dâu nổi tiếng La Vân. Quần thể kiến trúc đa thần giáo của làng La Miên xưa và La Vân nay còn bảo lưu khá nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo như điêu khắc trên đá và trên gỗ. Và nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa Hán Nôm có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa không chỉ của riêng vùng đất Thái Bình mà còn có tầm ảnh hưởng sâu rộng quốc gia. Di sản văn hóa Hán Nôm cụm đình, đền, chùa La Vân được bảo tồn dưới dạng vải, giấy gió, gỗ, đá và đất nung, đó là các loại câu đối, đại tự, cuốn thư, bài vị, thần tích, sắc phong, bia đá, chuông, khánh đồng, gốm, sứ… Thông qua các văn bản chữ Hán Nôm được thể hiện phong phú dưới dạng chữ Chân, Triện, Khải phản ánh những nội dung khác nhau của lịch sử vùng đất La Miên và những thiên thần, nhân thần có công lao với dân tộc trong việc trùng tu, tôn tạo quần thể di tích lịch sử văn hóa đình, đền, chùa La Miên qua các thời kỳ.
Di tích còn bảo lưu 13 đôi câu đối bằng gỗ trong đó có ba đôi khảm trai, bốn bức đại tự, một chuông, một khánh đồng thời Nguyễn; một bài vị, 50 bia đá, ba bia hậu, một hương đài thời Lê. Ngoài ra còn hai mươi bia hiệu loại nhỏ hiện tại đã mờ mòn nét chữ, di tích còn bảo lưu 22 sắc phong có niên đại từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. So với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trong toàn tỉnh thì cụm di tích La Vân có số lượng văn bản Hán Nôm cao vào bậc nhất.
Theo ông Vũ Đức Thơm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, sắc phong bằng chữ Hán (thường gọi là chữ Nho) của triều đình phong kiến cho di tích là truyền chỉ mệnh lệnh của nhà vua phong chức tước cho quý tộc, quan chức, khen thưởng những người có công lao được phong thần và xác hạng cho các vị thần được thờ tại các đình, đền trong tín ngưỡng làng xã của người Việt. Văn kiện sắc phong thường được làm bằng loại vải đặc biệt hoặc giấy gió chất lượng cao, hiện tại, các loại sắc phong còn lưu giữ tại cụm di tích La Vân từ thế kỷ XVII vẫn còn gần như nguyên trạng.
Có thể phân loại các sắc phong trong cụm di tích La Vân thành hai loại; loại sắc phong thời Hậu Lê và loại sắc phong thời Nguyễn. Cùng với sắc phong là thần tích cũng được viết bằng chữ Hán, mực nho trên giấy gió và chữ Hán khắc trên bài vị, đại tự bằng gỗ quý lưu tại tòa thánh của di tích là những di sản Hán Nôm có giá trị nghiên cứu và có giá trị mỹ thuật về điêu khắc. Đây là cơ sở nghiên cứu và thực hành có giá trị cao cả về lịch sử văn hóa lẫn mỹ thuật cho những người nghiên cứu, học viết và thực hành thư pháp khi tiếp cận với các di sản văn hóa Hán Nôm độc đáo này, đồng thời cũng tìm thấy chất liệu tranh, nét sứ và họa tiết long vân, hoa văn trang trí của các di sản văn hóa đầy ý nghĩa khơi nguồn cảm hứng sáng tạo. Còn các văn bản chữ Hán khắc trên gỗ như các bức đại tự, cuốn thư, câu đối lại là những tài liệu có giá trị trực quan giúp ích cho người học chữ Hán Nôm và thực hành thư pháp. Câu đối lòng máng, câu đối bản, chữ khắc nổi hoặc khắc chìm từ 7 đến 13 chữ một vế.
Đáng quý là 13 đôi câu đối trong đó có ba đôi câu đối khảm trai ca ngợi tài cao, đức trọng của thánh tổ Nguyễn Minh Không được treo trang trọng ở tòa thánh. Đại tự “Quốc Sư từ” và “Phật sinh thiên nam” với cách thể hiện những nét chữ bay bổng nhưng mềm mại, ý nghĩa sâu xa gợi sự liên tưởng tới nguồn gốc của di tích và các nhân thần được thờ ở đây. Người thực hành thư pháp có thể tìm thấy ở đây cách bố cục, hoa văn, kích thước chữ, nền then hay sơn thếp trên các câu đối, đại tự, đặc biệt hệ thống các bia đá ở cụm di tích La Vân là kho tàng phong phú về di sản Hán Nôm. Tại tòa bái đình còn bảo lưu 6 bia đá có niên đại từ thế kỷ thứ XVII đến đầu thế kỷ XVIII, trong đó có ba bia Hậu niên đại Đức Long 1653, Vĩnh Thịnh 1709, Long Đức 1735 ghi công những người hảo tâm tiến cúng bạc, tiền, ruộng vườn xây dựng đình, đền, chùa La Miên và ba tấm bia ghi quá trình tu bổ, tôn tạo đình, đền, chùa và sự tích quốc sư Nguyễn Minh Không…
Không hẹn mà nên, những người yêu thích môn thư pháp trong toàn quốc tụ hội về đình, đền, chùa La Vân để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của di tích ẩn sâu trong từng nét chữ chạm khắc trên các chất liệu gỗ, đá, giấy gió và được thể hiện ở các bức đại tự, câu đối, bia đá… là nguồn sử liệu và cảm hứng vô tận cho người đam mê thư pháp thực hành thư pháp.
Nếu đình, đền, chùa La Miên là nơi lưu giữ di sản Hán Nôm qua nhiều thời đại thì hội giao lưu thư pháp La Vân lại có một diện mạo riêng. Thực hành viết thư pháp ở cụm di tích đình, đền, chùa La Vân có thể diễn ra nhanh chóng nhưng sự chuẩn bị vẽ chữ lại khá dài trong tĩnh lặng hay thanh tịnh và được phác họa bằng nét vẽ, vẽ như không vẽ, không vẽ như vẽ chính là “câu thần bút hoa” như câu chữ chứa đầy ý tứ của cụ Doãn Uẩn ở nhà thờ chi Song Lãng (Vũ Thư) rằng “Hàn mặc lưu phương” nghĩa là bút mực, chữ nghĩa để lại tiếng thơm cho muôn đời.
Ông Trần Quốc Trí, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ UNESCO thư pháp Việt Nam Tôi có cảm nhận không khí ấm cúng của cuộc giao lưu, thể hiện sự mến mộ đối với việc phục hồi vốn văn hóa cổ đồng thời mang dấu ấn tinh thần nối nghiệp tiền nhân để tiếp thu những tinh hoa của người xưa để lại, cũng là thực hiện những di huấn của bậc tiền bối mà trong các đình, chùa, miếu thể hiện qua các di sản văn hóa như hoành phi, câu đối... để cho mọi người thấy được chúng ta học thư pháp không phải để biểu diễn mà học thư pháp để tồn tại và phát triển, đặc biệt là bảo tồn di sản văn hóa cha ông để lại hàng nghìn năm qua. Ông Vũ Thanh Tùng, giảng sư lớp Hán Nôm nhân mỹ học đường Hà Nội, hội viên Câu lạc bộ UNESCO Hán Nôm Việt Nam Với truyền thống văn hóa dân tộc và nặng lòng với phong trào địa phương, tôi nghĩ muốn phát triển hơn nữa phong trào viết và thực hành thư pháp đòi hỏi phải chia sẻ, nếu mình chỉ chơi một mình mình thì không ai biết nhưng khi mình mở cửa rộng lòng đón chào nhiều người tìm đến sinh hoạt để có phương hướng mời những chuyên gia có bề dày kinh nghiệm và học thuật về lĩnh vực thư pháp sẽ thêm điều kiện và cơ hội thổi bùng ngọn lửa thư pháp đó lên, cháy sáng hơn trên mảnh đất nghìn năm văn vật này. Ông Bùi Văn Trà, Câu lạc bộ Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ Về dự cuộc giao lưu thư pháp gắn với di tích lịch sử đình, đền, chùa La Vân, những người yêu thư pháp và thực hành thư pháp chúng tôi xin được kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ vị quốc sư Nguyễn Minh Không, người có công lao to lớn với dân tộc và chúng tôi vinh dự được biểu diễn thực hành thư pháp với phương châm “Văn chương thiên cổ sự”; “Thư pháp vạn niên truyền”. Đại đức Thích Tục Tuyên, trụ trì chùa Quang Khánh, thành phố Hải Phòng Về tham dự cuộc giao lưu thư pháp tại La Vân tôi rất phấn khởi, tôi có cảm nghĩ những cuộc giao lưu thư pháp gắn với các di tích lịch sử, văn hóa thể hiện nét văn hóa đặc sắc của người Việt, thư pháp đang được khôi phục và phát triển, đặc biệt là những ngày đầu xuân năm mới để văn hóa truyền thống của nước Việt Nam mình ngày càng phát triển. Chị Phạm Thị Sợi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang Là người con quê hương La Vân, được biết hội làng có giao lưu thư pháp nên tôi đã về quê và cho các cháu cùng về tham dự. Qua cuộc giao lưu này hy vọng các cháu càng yêu quê hương, yêu nét văn hóa truyền thống của quê hương để sau này khi lớn lên, các cháu đem trí tuệ và sức trẻ xây đắp quê hương ngày thêm giàu đẹp. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Nguyen hoang - 8 năm trước