Thứ 2, 18/11/2024, 05:18[GMT+7]

Nhớ bát canh cua ngọt ngào tay mẹ nấu

Thứ 3, 17/05/2011 | 14:45:48
4,554 lượt xem
Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in những trưa hè gió Tây nắng gắt, mẹ bắt cua về ngồi cả tiếng mặt vẫn đỏ, áo ướt đẫm, mồ hôi lăn dài trên má, rồi tiếng chày thình thịch giã cua bằng cối đá mỗi buổi chiều và mùi thơm nồng, dịu ngọt của bát canh cua mẹ nấu. Nhà nghèo, ngày nào hai chị em tôi cũng phải ăn canh cua nhưng ăn mãi chẳng thấy chán.

Tháng Tư,  sau những ngày nắng đầu hè oi ả, lặng gió, một cơn mưa rào bất chợt trút xuống, xua tan hết mọi ngột ngạt, bụi bặm, không khí trong lành mát rượi trở lại. Sau mưa trở về quê mẹ, đi trên những con đường làng sạch bóng, thả lỏng người, tôi cố hết sức mình để cảm nhận mùi ngai ngái của đất, mùi thơm nồng của cây lúa non, tìm về những ký ức của tuổi thơ dường như bấy lâu nay mình chợt lãng quên.

Con đường bao năm vẫn thế, hai bên là cánh đồng lúa xanh non mơn mởn. Năm nay, lúa tốt bời bời, người làng tôi ai cũng chắc mẩm thế nào cũng bội thu. Trên cánh đồng lúa xanh kia, ngày xưa mẹ tôi vẫn thường đi bắt cua về làm thức ăn cho cả nhà. Tôi còn nhớ, những trưa hè nắng nóng, dánh mẹ lom khom, tay sách giỏ đi dọc hết thửa ruộng này đến bờ sông kia bắt cua về. Mẹ nổi tiếng là người bắt cua giỏi nhất làng, chỉ cần tranh thủ một tiếng đã có đầy giỏ cua đem về nhà đổ ra chậu con nào con nấy chắc mẩy, béo ngậy.  Mẹ bảo: cua đồng bắt vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 là chắc, béo nhất vì nó ăn màu của đất, của cây lúa sinh ra, tháng 6, tháng 7 dù cua nhiều nhưng khi lúa đã gặt hoặc mới cấy cua gầy và óp không còn ngon nữa.

Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in những trưa hè gió Tây nắng gắt, mẹ bắt cua về ngồi cả tiếng mặt vẫn đỏ, áo ướt đẫm, mồ hôi lăn dài trên má, rồi tiếng chày thình thịch giã cua bằng cối đá mỗi buổi chiều và mùi thơm nồng, dịu ngọt của bát canh cua mẹ nấu. Nhà nghèo, ngày nào hai chị em tôi cũng phải ăn canh cua nhưng ăn mãi chẳng thấy chán.

Cua được nấu với nhiều món: rau đay, mùng tơi, mướp, hoa thiên lý hay đơn giản là nấu riêu cho cà chua, lá lốt và hành hoa ăn rất thơm và bùi. Món canh thường ăn kèm với cà muối. Sự kết hợp tuy đơn giản, mộc mạc nhưng hôm nào tôi cũng ăn no đến nỗi không đứng dậy nổi.

Cua mẹ bắt về nhiều, vừa ăn, vừa bán. Ngày xưa người ta bán cua không cân như bây giờ mà xâu vào dây thành từng chục. Ngày nông nhàn, chiều hôm trước mẹ bắt cua về thả vào chậu, vào xoong để dưới gầm dường, cả đêm tiếng cua bò lạo xạo làm tôi rất khó chịu. Đang ngon giấc, 4 h sáng tôi đã bị đánh thức dậy để xâu cua, mắt nhắm mắt mở bắt từng con cho mẹ buộc dây, thỉnh thoảng lại bị cua cắp đau điếng người, có khi còn bị mưng mủ đau cả mấy ngày liền. Thời ấy cực lắm, cả ngày bắt cua mẹ bán được có mấy ngàn đồng, chỉ đủ tiền mua vài lạng cá lẹp, hôm nào ế mang cả về và ngày hôm ấy chị em tôi lại phải ăn cua rang.

Tuổi thơ của tôi với những ngày hè như thế cứ thấm thoát trôi đi, tôi lớn lên rời xa quê hương lên Thành phố đi học, rồi đi làm. Trong những chuyến đi công tác, đi trên những con đường làng, cạnh những cánh đồng lúa  vào ngày hè nắng gắt, thỉnh thoảng tôi lại tự ngâm trong lòng những câu thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa:
" …. Những trưa tháng Sáu
         Nước như ai nấu
         Chết cả cá cờ
         Cua ngoi lên bờ
        Mẹ em xuống cấy"….

Như để nhớ về miền quê nghèo của mình một thời khốn khó. Giờ đây, giữa chốn đô thị náo nhiệt, bận rộn, tất bật… người ta không còn phải bắt và giã cua vất vả như ngày xưa nữa. Cua được bán ở chợ, những chiếc cối đá được thay bằng những máy xay hiện đại loáng cái là xong.

Còn với tôi, hôm nay trở về quê ăn bát canh cua nóng hổi, nghi ngút khói, thơm lừng tự tay mẹ nấu, hương vị vẫn quen thuộc nhưng cảm giác thật khác lạ. Có lẽ chính từ những bát canh này của mẹ ngày xưa đã nuôi tôi khôn lớn thành người.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa