Chủ nhật, 17/11/2024, 23:23[GMT+7]

Thư viện gia đình góp phần phát triển văn hóa đọc

Thứ 2, 24/04/2017 | 15:18:42
4,042 lượt xem
“Những người yêu sách, ham thích đọc sách thì tuyệt nhiên sẽ không bao giờ làm những điều xấu” - đó là lời nhắn nhủ của ông Phạm Thế Cường, một trong những chủ thư viện gia đình lớn nhất Việt Nam hiện có hàng chục nghìn đầu sách, trong cuộc giao lưu với các độc giả của không gian đọc Hy vọng nhân chuyến ông về Thái Bình thăm và tặng nhiều cuốn sách quý cho Đỗ Hà Cừ - chàng trai khuyết tật nhưng luôn dành tình yêu lớn lao cho những trang sách.

Không gian đọc Hy vọng là chiếc cầu nối để khích lệ các bạn học sinh có thêm tình yêu với sách, với văn hóa đọc.

Không gian đọc Hy vọng của Đỗ Hà Cừ được thành lập từ ngày 24/7/2015. Dù thời gian hoạt động chưa tròn 2 năm nhưng giờ đây, các độc giả đã quen với những cuộc giao lưu, nói chuyện cùng những tác giả, diễn giả trên cả nước, hay những giờ học ngoại khóa của trường học được tổ chức tại nơi này. Bởi vậy, không gian đọc Hy vọng cũng trở thành điểm đến thật gần gũi, thân quen với nhiều bạn trẻ.

Những tủ sách hình thành bởi niềm đam mê

Cuộc sống ngày càng phát triển với sự lên ngôi của những thiết bị công nghệ số hiện đại, cùng với đó là nhịp sống hối hả, bận rộn khiến cho nhiều người, việc đọc một cuốn sách trở nên không hề dễ dàng. Sức hút của sách, của văn hóa đọc bởi vậy dường như cũng đã phần nào giảm bớt theo năm tháng. Vậy nhưng vẫn luôn có những người dành cả tình yêu cho những trang sách, cho việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại từ những cuốn sách bé nhỏ.

Chia sẻ với các độc giả của không gian đọc Hy vọng về nguồn gốc của hàng chục nghìn đầu sách trong thư viện gia đình mình tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Thế Cường kể về niềm đam mê với sách từ những năm tháng ấu thơ, cùng những dành dụm, hy sinh cho tủ sách nhỏ có thể lớn dần theo thời gian từ ngày còn là cậu bé. Bởi những năm tháng ham tìm tòi, học hỏi ấy mà đến khi về hưu, ông Cường đã sở hữu một thư viện thu nhỏ với hơn 25.000 đầu sách, trong đó có nhiều tác phẩm quý hiếm ông đã dày công sưu tầm, chọn lựa trên khắp mọi miền đất nước. Giờ đây hàng chục nghìn đầu sách ấy lại trở thành tài sản chung, được nâng niu, gìn giữ bởi các độc giả.

Chưa thể có số lượng sách nhiều như ở thư viện của gia đình ông Phạm Thế Cường nhưng đối với chàng trai khuyết tật chỉ có một ngón tay hoạt động bình thường thì con số gần 2.000 đầu sách khi chưa đến 2 năm thành lập không gian đọc Hy vọng đã là điều vô cùng ấn tượng, là nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ từng ngày của Đỗ Hà Cừ. Tự hiểu mình là người khuyết tật, lại còn khuyết tật nặng, chẳng thể làm ra được đồng nào nên dù có yêu thích sách đến mấy, anh Cừ cũng không dám xin tiền bố mẹ để mua. Vậy là anh lại “lang thang” trên khắp các trang mạng xã hội, kêu gọi những người có cùng tình yêu với sách, những nhà hảo tâm cùng quyên góp để có thể có nhiều hơn những cuốn sách hay dành cho các độc giả. Xúc động trước niềm đam mê và tấm lòng của Hà Cừ mà nhiều gia đình, nhiều tác giả đã vượt hàng trăm cây số về đến Thái Bình để trao tặng cho chàng trai khuyết tật những cuốn sách quý hiếm.

Ông Phạm Thế Cường, chủ thư viện gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh giao lưu và dành tặng các độc giả của không gian đọc Hy vọng nhiều cuốn sách hay.

Nhân lên tình yêu với sách, với văn hóa đọc

Khó khăn có được những cuốn sách là vậy, nhưng anh Đỗ Hà Cừ không giữ sách cho riêng mình, cho riêng không gian đọc Hy vọng mà luôn chia sẻ với những thư viện gia đình, thư viện trường học khác. Bởi anh luôn thấy mình thật may mắn khi nhận được nhiều sự giúp đỡ nên giờ đây anh lại trao tặng niềm may mắn ấy cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. Đối với Đỗ Hà Cừ lúc này, niềm mong mỏi trong anh đó là có thể trở thành chiếc cầu nối để những cuốn sách bổ ích, ý nghĩa đến gần hơn với các phạm nhân trong những trại giam để họ có thêm niềm vui, thêm động lực vượt qua mặc cảm, tự ti về những lỗi lầm đã qua và sống lành mạnh, lương thiện hơn trong bước đường tương lai sắp tới.

Tình yêu với những cuốn sách, với văn hóa đọc của Hà Cừ không những trở thành động lực để các độc giả trẻ đam mê việc đọc sách hơn mà ngay cả những người có cùng cảnh ngộ với anh cũng thêm tự tin rằng mình có thể làm được những điều có ích cho xã hội, cho cuộc sống. Đó là hoàn cảnh của Nguyễn Lan Hương, cô gái sinh năm 1993, bị bại não từ nhỏ. Vì hoàn cảnh của bản thân mà Lan Hương luôn tự ti, ngại giao tiếp. Nhưng chính nhờ những thành công bước đầu của không gian đọc Hy vọng, cùng sự động viên, khích lệ, giúp đỡ của anh Cừ mà em đã mạnh dạn thành lập không gian đọc Niềm tin ngay chính tại xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng. Lan Hương chia sẻ: Giờ đây được giúp đỡ mọi người, em cảm thấy thêm nhiều niềm vui và thoải mái đầu óc hơn, được mọi người yêu quý, em cũng cảm thấy hạnh phúc hơn.

Từ năm 2014, ngày 21/4 chính thức trở thành ngày sách Việt Nam với ý nghĩa khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách trong cộng đồng và tôn vinh, khẳng định tầm quan trọng của sách đối với đời sống xã hội. Trong suốt tháng 4, các độc giả cũng được tham gia vào chuỗi hoạt động sôi nổi của các trường học, đoàn thể hướng về ngày sách Việt Nam. Cùng với đó, có thể khẳng định, song song sự phát triển của các thư viện công cộng tại các huyện, thành phố thì sự xuất hiện ngày càng nhiều và hiệu quả của các không gian đọc trong khu dân cư như không gian đọc Hy vọng, không gian đọc Niềm tin,... là tín hiệu đáng mừng cho việc khôi phục và phát triển văn hóa đọc.



Ông Phạm Thế Cường, chủ thư viện tư nhân Phạm Thế Cường, Thành phố Hồ Chí Minh


Dù không phải lần đầu tiên về với không gian đọc Hy vọng nhưng tôi luôn cảm thấy vô cùng xúc động, trân trọng đối với Đỗ Hà Cừ bởi dù là người khuyết tật, gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, trong việc tiếp cận với sách nhưng Cừ rất yêu những cuốn sách. Dù không có điều kiện về kinh tế nhưng Cừ đã dũng cảm mở không gian đọc và kiên trì trong việc thu thập những cuốn sách quý, bổ ích để chia sẻ, kết nối với tất cả mọi người, đặc biệt trong đó là các bạn học sinh, sinh viên - những người trẻ luôn tràn đầy nhiệt huyết. Những mô hình thư viện gia đình như của Đỗ Hà Cừ là điều vô cùng đáng quý, khích lệ, động viên các bạn trẻ dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách, thay vì sử dụng nhiều thời gian cho những thiết bị điện tử trong thời đại ngày nay.

Em Bùi Thu Trà, Trường THPT Chuyên Thái Bình


 Ngay từ lần đầu tiên đến với không gian đọc Hy vọng, em đã cảm thấy vô cùng thích thú và xác định rằng mình sẽ có quãng thời gian gắn bó vô cùng vui vẻ với những trải nghiệm thú vị tại đây. Bởi em được gặp gỡ và trò chuyện cùng những người bạn có cùng chung niềm đam mê với việc đọc sách và được tiếp cận thêm nhiều tri thức mới. Trong số hàng nghìn đầu sách ở không gian đọc Hy vọng, em yêu thích những cuốn sách văn học hiện thực bởi sự phản ánh chân thực cuộc sống, qua đó giúp độc giả phần nào có thể tránh xa những thói hư tật xấu. Với em, sách là người thầy, người bạn vô cùng đáng quý, đáng trân trọng.

Em Nguyễn Nhật Quyên, Trường THPT Chuyên Thái Bình


Là một học sinh chuyên Văn, việc đọc sách là điều không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của em. Bởi không có kinh phí mua hết tất cả những cuốn sách yêu thích nên em thường xuyên đến không gian đọc Hy vọng của anh Đỗ Hà Cừ để mượn sách và chia sẻ với anh về những cuốn sách hay bởi em thấy dù là người khuyết tật, gặp rất nhiều khó khăn nhưng anh Cừ luôn lạc quan, vui vẻ và dành tình yêu đặc biệt cho những trang sách. Em cảm thấy những không gian đọc miễn phí như của anh Cừ vô cùng đáng trân trọng, giúp những học sinh như chúng em được tiếp cận nhiều hơn với sách và nhân lên trong mọi người tình yêu với văn hóa đọc.



Anh Tú