Thái Thụy Gắn quản lý di tích với hoạt động tổ chức lễ hội
Trong số 26 di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia của huyện, đình An Cố (Thụy An) được xếp hạng sớm nhất năm 1962, khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1969), 24 di tích còn lại được xếp hạng từ năm 1989 trở lại đây. Một số di tích hàng năm có lượng du khách lớn về lễ hội, tri ân như: khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh, đền Chòi (Thụy Trường), đền Hệ (Thụy Ninh), đền Hét (Thái Thượng), đình Tử Các Tây (Thái Hoà), đền Hạ Đồng (Thụy Sơn)…..
Để quản lý di tích, tổ chức tốt các hoạt động lễ hội, huyện tổ chức triển khai, quán triệt Luật di sản văn hoá, tập huấn các văn bản quy định về quản lý di sản và tổ chức lễ hội cho cán bộ chuyên ngành ở cơ sở. Nhờ vậy, các di tích lịch sử đã được chính quyền địa phương và nhân dân chú trọng bảo vệ, trùng tu tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng cảnh quan… tạo môi trường xanh-sạch-đẹp hơn. Hầu hết các xã, thị trấn đã quan tâm đến hoạt động thu thập, bảo vệ, phục hồi các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể để làm phong phú thêm các hoạt động lễ hội.
Từ nguồn huy động nhân dân đóng góp, hỗ trợ một phần từ ngân sách của Nhà nước, trong 2 năm 2009-2010, toàn huyện đã có 51 di tích được trùng tu, tôn tạo với tổng số tiền khoảng 23 tỷ đồng. Nhiều địa phương như: Thụy Ninh, Thụy Dũng, Thụy Trường, Thái Thượng, Thụy Sơn, Thái Hoà, Thái Hưng, Thụy Trình…. đã huy động nhân dân và khách thập phương ủng hộ từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo di tích… góp phần tạo điều kiện cho nhân dân địa phương và khách tham quan hiểu sâu hơn về giá trị văn hoá, lịch sử mảnh đất và con người nơi đây.
Nhiều người khi đến vùng đất Thái Thụy đều đánh giá rất cao giá trị lịch sử văn hoá của các di tích; bởi nó gắn liền với những lễ hội độc đáo, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung cả về phần lễ và phần hội, phản ánh đặc trưng, cuộc sống sinh hoạt của cư dân ven biển. Điển hình như: lễ hội bơi chải ở Diêm Điền được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm để tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc hiền nhân cùng các thế hệ cha ông, cầu cho một năm mưa thuận, gió hoà, trời yên biển lặng, ngư dân ra biển gặp nhiều may mắn, đánh bắt, nuôi trồng được thắng lợi; đồng thời là lễ ra quân cho nghề khai thác và vận tải.
Hay như lễ hội ông Đùng, bà Đà (Thụy Hải) được tổ chức hàng năm vào ngày 14/4 âm lịch nhằm cầu mong cho sự sinh sôi, thịnh vượng. Hình nộm ông Đùng, bà Đà được các thôn trong làng đưa vào đền thờ bà Chúa Muối để tiến hành các nghi thức tế lễ một cách nghiêm trang, thành kính. Đến tối, múa Đùng được diễn ra, trong khi múa người ta xướng vang những câu ca tụng công đức của bà chúa Muối như " Lạy Chúa! Muối của Chúa năm nay được mùa lắm! Lạy Chúa! Lạy Chúa" …
Còn đình An Cố (Thụy An) thờ Nam Hải Đại Vương, ông được dân làng tôn vinh là thành hoàng làng vì đã có công khuyến khích nhân dân sản xuất, bảo vệ mùa màng, trừ thiên tai dịch bệnh; tổ chức lễ hội vào mùng 10 tháng 2 âm lịch. Sau phần tế lễ, rước kiệu là các trò chơi như đánh cờ, đấu vật và hát chèo ở sân đình. Điều đặc biệt là phần lễ có 24 người chầu tế, mũ dạ, đi hia, áo giáp với những nghi lễ riêng…. Thông qua các di tích- lễ hội, mỗi năm có hàng ngàn du khách thập phương đến với Thái Thụy. Và cũng chính từ các lễ hội truyền thống đã tạo ra sợi dây đoàn kết gắn buộc mọi cá nhân trong cộng đồng dân cư làm cho mọi người thêm gần gũi, thân mật gắn bó với nhau hơn, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị nông thôn.
Bên cạnh những mặt tích cực, hiện nay công tác quản lý di tích lịch sử và việc tổ chức lễ hội ở Thái Thụy vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế, yếu kém, bất cập cần khắc phục. Ngoài một số di tích huy động được nguồn xã hội hoá để phục chế, sửa chữa; số còn lại hầu hết đã bị bào mòn, xuống cấp nghiêm trọng. Một số di tích lịch sử khi được trùng tu tôn tạo, đã cơi nới, xây dựng tuỳ tiện không theo thiết kế, làm sai cơ bản kiến trúc của di tích. Do kinh tế ngày càng phát triển nên lễ hội trên địa bàn có chiều hướng bùng phát, tần suất tổ chức lễ hội gia tăng, một số lễ hội tổ chức kéo dài, nội dung không thiết thực gây lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân. Trong tổ chức lễ hội hầu như nặng về phần cúng lễ, chưa quan tâm đến phần hội. Nhiều lễ hội rườm rà, phô trương hình thức, chính quyền phó mặc cho nhân dân tổ chức, để xảy ra tình trạng: đốt quá nhiều vàng mã, sóc thẻ, đánh bạc….
Trước những thực trạng nêu trên, rõ ràng việc tăng cường công tác quản lý di tích lịch sử văn hoá và lễ hội trên địa bàn đối với Thái Thụy là rất cần thiết. Trước mắt, huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu quảng bá về di sản văn hoá gắn với việc tổ chức các lễ hội theo đúng quy định của pháp luật và nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân. Huy động nguồn xã hội hoá kết hợp sự hỗ trợ của Nhà nước phục chế, sửa chữa những di tích xuống cấp nghiêm trọng. Đầu tư nâng cấp một số tuyến đường vào những di tích, điểm lễ hội có nhiều khách tham quan vì hiện nay đường đến những nơi này nhỏ hẹp, xuống cấp. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải quyết tốt những tranh chấp nơi thờ tự. Tạo điều kiện thuận lợi để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số di tích nhưng cũng quản lý chặt việc quy hoạch mở rộng khuôn viên xây dựng khu dịch vụ phục vụ lễ hội, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp làm lấn, làm trái. Đối với những di tích thu hút được nhiều khách thập phương thì gắn các hoạt động thăm quan di tích, tham dự lễ hội với du lịch sinh thái khu vực rừng ngập mặn ven biển…. tạo điều kiện quản bá hình ảnh con người và vùng đất Thái Thụy, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Bài, ảnh: Nguyễn Hình
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy