Thứ 2, 18/11/2024, 05:17[GMT+7]

Tết Đoan Ngọ quê tôi

Thứ 5, 02/06/2011 | 15:12:39
10,255 lượt xem
Một ngày đầu tháng 5 âm lịch, tôi đi chợ giữa cái nắng chói chang như đổ lửa xuống đường. Hôm nay, từ cổng vào trong chợ, người đông đúc hơn, hoa tươi, trầu cau, vàng mã, đào mận, vải, quất hồng bì, đậu đen, lá tắm… được bày bán khắp nơi. Nhìn những thứ này tôi giật mình sực nhớ: sắp đến mùng 5 tháng 5 là Tết Đoan Ngọ .

Ngay từ tấm bé, mẹ đã dạy hai chị em thuộc lòng câu ca dao: " Tháng Tư đong đậu nấu chè /ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm" nên mỗi năm khi Tết Đoan Ngọ đến trong lòng tôi vẫn vẹn nguyên một nỗi niềm thương nhớ . ở quê tôi, người dân rất coi trọng Tết Đoan Ngọ gọi là Tết "diệt sâu bọ", nó được coi là dấu mốc quan trọng  của thời khắc giữa năm  và chỉ sau Tết Nguyên Đán, thậm chí còn có câu: "Nhất mùng năm, nhì ngày Tết". 

Bà nội tôi cũng bảo rằng: dịp này cũng thiêng liêng như lễ mừng năm mới, con cháu trong gia đình dù đi xa, bận mải mấy cũng thu xếp công việc về quây quần tụ họp, xum vầy. Những người nông dân cùng nhau hướng tới trời đất, tổ tiên cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Chính vì vậy, trong cả làng, cả xã, gia đình nào dù khá giả hay bần hàn cũng đều chuẩn bị một cái Tết Đoan Ngọ thật chu đáo gồm nhiều thứ như: một nồi chè đậu đen, xôi nếp, rượu nếp cái, một ít hoa quả đầu mùa hái trong vườn như: vải,  chuối, roi, xoài, ổi… Mấy ngày trước Tết, mẹ tôi ngồi cặm cụi, tỷ mẩn chọn từng hạt gạo nếp đầu mùa, những hạt đậu đen to tròn, căng bóng để thổi xôi, nấu chè cúng lễ, báo cáo kết quả mùa màng với gia tiên.

Đến ngày Tết, cả làng nhộn nhịp hẳn lên. Sáng hôm đó, nhà nào nhà ấy dậy sớm hơn thường lệ. Chị em tôi cũng bị đánh thức khi còn đang say giấc nồng. Mở mắt ra, đã nhìn thấy trên bàn mẹ để sẵn mấy bát rượu cái, vài qua mận, vài quả vải, xoài xanh, bước chân xuống đất chẳng cần phải đánh răng rửa mặt gì hết, được ăn ngay những thứ đó để diệt hết sâu bọ trong ruột. ăn xong, hai chị em đi tắm nước lá thơm nấu bằng nhiều loại lá: lá sả, lá tre, kinh giới, tía tô, vỏ bưởi khô…. vừa tắm vừa hô to: " Rôm sảy mày nhảy xuống sông nhé". 

Sau khi các gia đình thực hiện xong tục " diệt sâu bọ", khắp thôn xóm ồn ào náo nhiệt, rộn rã tiếng chào hỏi của con cháu về thăm bố mẹ, ông bà. Nhà nào nhà ấy, không khí chuẩn bị các món ăn, đồ cúng lễ cho Tết mùng 5  rộn ràng. Ngoài hoa quả, rượu cáI, món ăn phổ biến nhất của cả làng là bún vịt sáo măng hoặc bún riêu cua. Với gia đình tôi, để có vịt giết đúng ngày mùng 5 tháng 5, trước đó mấy tháng mẹ đã đi chợ chọn mua khoảng chục con vịt con về nuôi trong ao nhà, giao nhiệm vụ cho hai chị em hàng ngày phải đi cuốc giun, bắt ngoé về chăm  đàn vịt cho béo. Dù bận mải mấy,  chiều mùng 4, mẹ cũng  mang giỏ ra đồng bắt cua để hôm sau nấu nồi riêu thơm ngọt cho cả nhà.

Nhà nào không chuẩn bị được đồ cúng thì đi mua, vì thế chợ quê những ngày giáp Tết  rất đông. Vịt, cua, măng, bún, hoa quả…. là những thứ được bán chạy nhất. Ai cũng cố gắng đi chợ thật sớm để chọn được đủ đồ ngon, nếu thiếu một thứ gì coi như Tết mùng 5 năm đó mất vui.

Ở quê tôi, ngày mùng 5 tháng 5 còn được bà con gọi là "Tết Sêu". Trước kia, vào ngày này buộc các chàng rể phải mang biếu bố mẹ vợ một cặp ngỗng, sau này không có ngỗng có thể thay bằng một đôi vịt  hoặc đôi ngan cũng được để bày tỏ lòng thành kính, hiếu thảo với bố mẹ vợ. Nghĩ đến tục lệ này, tôi cũng từng nhớ một nhà thơ tên là Gia Khang có mấy vần thơ khá thú vị: 

" Tháng Năm ngày Tết Đoan Dương
Là ngày giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang
Chàng rể tay cắp đôi ngan,
Tặng cha mẹ vợ muôn ngàn biết ơn".

Sau khi ăn uống no nê, giữa trưa lũ trẻ con như chúng tôi theo bà ra vườn "khảo cây". Những cây cao lớn trong vườn có thể có quả mà chưa ra quả hoặc những cây lâu năm đột nhiên ra quả ít là đối tượng được chọn để khảo. Đứa nào đứa ấy đều lanh tranh nhận được đóng vai cây để trả lời bà. Sau mỗi lần nhìn bà cầm chày hay chiếc đòn gánh gõ nhẹ vào thân cây, nghe tiếng trả lời của chúng bạn trên cao,  chúng tôi vô cùng thích thú, ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Tôi có gần 20 năm sống ở miền quê nghèo và đã cùng dân làng, bố mẹ đón bằng ấy cái Tết mùng 5 tháng 5. Thời gian thấm thoát trôi đi, những năm gần đây, vì kế mưu sinh, cuộc sống bận rộn con cháu trong các gia đình và nhiều người trong làng bôn ba tứ xứ, bạn bè cùng trang lứa mỗi đứa một phương, hiếm có dịp về tề tựu đông đủ nên Tết Đoan Ngọ không còn tấp nập, đông vui như trước. Cây cối, hoa quả trong vườn, nhiều nhà cũng chặt bớt nên tục " khảo cây" cũng dần bị mai một.

Năm nay, chỉ còn mấy ngày nữa, Tết mùng 5 lại đến. Sống nơi đô thị ồn ào, náo nhiệt, mặc dù đồ ăn, thức uống đã đủ đầy và có thể mua bất kỳ lúc nào nhưng trong lòng tôi vẫn thấy chộn rộn, nuối tiếc, nhớ không khí đón Tết Đoan Ngọ ở quê nhà, thèm được ăn quả vải chua, cắn miếng ổi xanh chát đượm, nếm thìa rượu cái vị cay nồng, húp bát chè đậu đen ngọt lành tự tay mẹ nấu… như thủa nào.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa