Chủ nhật, 17/11/2024, 23:37[GMT+7]

Góc nhỏ Trường Sa

Thứ 3, 25/07/2017 | 10:18:29
1,081 lượt xem
Một người bạn tâm sự với tôi, với gần 60 năm cuộc đời, trên 40 năm công tác, đã từng khoác áo lính rồi ngồi trên giảng đường đại học và làm ở nhiều cơ quan khác nhau, anh đã đi trên hai chục quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới. Ở đâu, chuyến công tác nào cũng để cho anh những kỷ niệm khó quên. Song ở cái tuổi 55, anh được tham gia đoàn công tác ra Trường Sa, anh bảo đó là niềm vinh dự và là kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời của anh.

Một số hoạt động của Đoàn Ca múa kịch Thái Bình tại quần đảo Trường Sa năm 2012.

Nghe anh tâm sự, tôi lại nhớ về mình và nhớ về góc nhỏ Trường Sa.

Năm 2012, tôi vinh dự được cùng đoàn cán bộ tỉnh Thái Bình ra công tác ở Trường Sa, cùng chuyến đi với các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành còn có trên 20 diễn viên và nhạc công của Đoàn Ca múa kịch Thái Bình, trên con tàu 571 ra Trường Sa năm ấy còn có đoàn đại biểu của các tỉnh Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Ninh và đặc biệt là trên 30 chị là cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các tỉnh, thành phố, tại đảo Trường Sa lớn và các điểm đảo nơi đoàn đến bên cạnh các hoạt động như trò chuyện thăm hỏi, tặng quà, gặp mặt con em quê hương, thì một việc không thể thiếu đó là các chương trình văn nghệ do các nghệ sĩ diễn viên nhạc công của Đoàn Ca múa kịch Thái Bình biểu diễn. 

Xem văn nghệ ở Trường Sa đã khác nhưng diễn văn nghệ ở Trường Sa càng khác hơn. Sân khấu ở điểm diễn này là bãi cỏ, ở điểm diễn kia lại là boong tàu, rồi trên sàn nhà giàn, bên cạnh đường đi ngay bên những chậu rau xanh. Các diễn viên thì không cần mặc trang phục lên sân khấu, không cần trang điểm, hóa trang, vẫn biểu diễn. Đặc biệt, điệu múa Hoa Đá theo tích truyện của Ấn Độ vẫn được các diễn viên người mặc quần dài, người quần lửng, múa ngay trên boong tàu tròng trành nhưng vẫn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Nhạc công và diễn viên, người diễn và khán giả đều không có khoảng cách, đặc biệt là khi bài hát: Ngọn lửa trên cao nguyên, hay Nắng có còn xuân kèm theo điệu nhảy theo kiểu rốc mà ca sĩ Hải Lý biểu diễn thì cả trăm cán bộ, chiến sĩ đều hóa thân làm ca sĩ, cũng hát, cũng nhẩy múa, tạo thành một không khí náo nhiệt khắp một khoảng trời xanh của Tổ quốc.

Tôi nhớ mãi chuyện đêm biểu diễn ở đảo Nam Yết, khi ánh đèn vừa bật sáng, đoàn đại biểu Thái Bình đang đi vào chỗ ngồi thì bỗng nhiên nghe thấy tiếng gọi: 

- Anh Thúc, anh Thúc ơi? Có phải anh Thúc không?

- Đúng rồi anh Thúc, Nguyễn Đình Thúc các cậu ơi. 

Tất cả chúng tôi đều hướng lên sân khẩu, ở đó nghệ sĩ ưu tú Huy Tầm, Trưởng đoàn Ca múa kịch Thái Bình, với đôi chân thập thễnh, dáng đi thất thểu, quần xắn ống thấp ống cao, đôi tay khủng ngoảng, khuôn mặt dại khờ, mồm nói không ra tiếng. Nghệ sĩ Huy Tầm đang hóa thân thành nhân vật Nguyễn Đình Thúc, một thương binh bị mất hết trí nhớ, lạc đơn vị, không nhớ quê hương, gia đình, sống nương nhờ vào lòng hảo tâm của khách vãng lai. 

Anh Thúc là nhân vật chính trong tác phẩm “Người lang thang không cô đơn” của nhà văn Minh Chuyên. Xem Huy Tầm vào vai Nguyễn Đình Thúc, các chiến sĩ và cả các đại biểu người cười, người khóc, họ cảm phục tài năng của người nghệ sĩ và cảm ơn cả nhà văn Minh Chuyên đã lặn lội tìm tòi, dày công trong từng con chữ để có được một tác phẩm văn học hậu chiến tranh để đời.


Hai tuần ở Trường Sa trôi nhanh, trở lại với đất liền, trở về với quê hương Thái Bình, tôi và các đồng nghiệp của mình thầm cảm ơn mảnh đất này đã sinh ra biết bao người con luôn chấp nhận sự hy sinh của mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc, máu hồng của các anh đổ xuống đã tô thắm cho cuộc sống trường tồn của đất nước hôm nay.

Sau chuyến biểu diễn ở Trường Sa năm ấy nghệ sĩ Huy Tầm nhận nhiệm vụ mới, Phó đoàn Tấn Anh đảm nhận công việc thay ông, Tấn Anh bảo từ đó đến nay Đoàn đã thêm hai chuyến công tác ở Trường Sa. Có đặt chân đến vùng biển, vùng đất này, có được biểu diễn văn nghệ ở đấy và đặc biệt là được ngắm chiến sĩ ta xem văn nghệ ở Trường Sa càng củng cố thêm niềm tin của chúng tôi với vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Đúng là Trường Sa không xa đâu.

Tuấn Dung