Chủ nhật, 17/11/2024, 23:38[GMT+7]

Nhớ về ngày hội lớn

Thứ 4, 11/10/2017 | 08:12:49
659 lượt xem
Có lẽ, Thái Bình là địa phương duy nhất có một lễ hội “hàng tỉnh” được tổ chức thường niên vào ngày 14/10 mang tên ngày hội văn hóa, thể thao truyền thống. Năm 2017 là năm thứ 27 ngày hội được tổ chức với quy mô, nội dung, hình thức khác nhau.

Màn biểu diễn võ thuật trong ngày hội văn hóa, thể thao truyền thống 14/10. Ảnh: Ngọc Linh

Việc duy trì ngày hội này hàng năm từ cơ sở đến tỉnh đã góp phần thiết thực vào việc khơi dậy tính tự chủ, tự quản về văn hóa văn nghệ của các tầng lớp nhân dân, góp phần hiệu quả vào việc chấn hưng các loại hình văn hóa, thể thao truyền thống; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của từng cộng đồng làng, đồng thời cũng là để nhận diện đầy đủ hơn kho tàng văn hóa, thể thao truyền thống phong phú, đa dạng của Thái Bình.

Tuy nhiên, do những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, càng về những năm gần đây ngày hội này càng có vẻ như vơi dần sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Có một thực tế là, hiện tại, không chỉ người dân mà còn có một bộ phận cán bộ còn nhận thức khá lơ mơ về mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao truyền thống. Cũng có lẽ, có cả những người trong cuộc chưa thật sự chú trọng việc duy trì trong ngày hội các loại hình văn hóa, thể thao truyền thống mang nét riêng, nét trội của Thái Bình. Chính vì vậy mà có kỳ hội đã diễn ra tình trạng các môn thể thao hiện đại và sân khấu chuyên nghiệp lấn lướt cả các loại hình văn hóa, thể thao cổ truyền do dân tự sáng tạo và thực hành…

Còn nhớ, năm 1990 là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước, trong đó có kỷ niệm 45 năm Quốc khánh 2/9. Riêng với Thái Bình lại có ngày lễ trọng: kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tỉnh (21/3/1890 - 21/3/1990), 60 năm ngày khởi nghĩa của nông dân Tiền Hải (14/10/1930 - 14/10/1990). Nhằm tập trung các hoạt động với quy mô lớn vào cùng một ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định tổ chức lễ kỷ niệm các sự kiện của đất nước và của tỉnh vào ngày 14/10.

Để chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này, ngay từ đầu năm, tỉnh đã triển khai kế hoạch tổ chức cuộc tổng biểu dương các loại hình văn hóa, thể thao truyền thống của tỉnh với quy mô chưa từng có. Đó là lần đầu tiên các cỗ kiệu bát cống, các cỗ khám, cỗ ngai cổ kính cùng các đồ tế khí độc đáo từ các làng quê được rước về tỉnh. Ngoài biểu diễn chèo, múa rối nước thì đó cũng là lần đầu tiên các loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc cùng các hình thức thể thao truyền thống mang tính thượng võ được các nghệ nhân trong tỉnh đưa về tham gia ngày hội như múa bát dật, múa giáo cờ giáo quạt, múa kéo chữ, kèn đồng, trống trắc, đi kheo, đua chải, vật, võ… 

Năm ấy, từ 3 giờ sáng ngày 14/10, nhiều tuyến phố chính trong thị xã Thái Bình đã chật ních các đoàn về tập kết, diễu hành biểu dương lực lượng và trình diễn đến tận cuối giờ chiều. Các nghệ nhân dân gian vô cùng hồ hởi, tự hào vì lần đầu tiên được “mang chuông lên đấm ở tỉnh”. Các tầng lớp nhân dân vô cùng náo nức vì lần đầu tiên được biết đến những tinh hoa văn hóa truyền thống của quê hương.

Theo nguyện vọng của nhiều cộng đồng làng, ngày 14/10/1991, lễ hội này lại được tổ chức theo quy mô từng làng, từng xã, từng huyện với những sắc thái khác nhau và tập trung về tỉnh một số loại hình mới khôi phục được.

Nhận rõ hiệu quả thiết thực của hình thức hoạt động này, năm 1992, UBND tỉnh ban hành quyết định lấy ngày 14/10 hàng năm là ngày hội văn hóa, thể thao truyền thống của Thái Bình.

Tùy theo quy mô khác nhau, từ năm 1990 đến nay, lễ hội 14/10 hàng năm vẫn được duy trì đều đặn. Cứ 5 năm một lần, lễ hội lại được tổ chức với quy mô lớn. Chính nhờ việc tổ chức các hình thức hoạt động của loại hình lễ hội này mà nhiều trò chơi, trò diễn dân gian mang đậm sắc thái của cư dân nông nghiệp, trồng lúa nước ở Thái Bình tưởng như “một đi không trở lại” đã được khôi phục và bảo lưu, trở thành thương hiệu cho mỗi hội làng trong tỉnh như múa ông Đùng bà Đà ở hội làng Quang Lang, múa bệt ở hội làng Vọng Lỗ, múa ếch vồ, chèo chải cạn ở hội chùa Keo, múa kéo chữ ở một số làng xã thuộc huyện Quỳnh Phụ, tục vật cầu ở hội đền Hét, tục thi diều sáo ở hội Sáo Đền, tục mò trứng, bắt vịt, leo cây chuối lấy lửa nấu cơm thi ở hội làng Tống Vũ, tục kéo lửa nấu cơm thi trong một số hội làng ở Kiến Xương…

Từ năm 2001 đến nay, việc trao bằng công nhận di tích lịch sử, văn hóa và bằng công nhận làng văn hóa, đơn vị văn hóa được tổ chức trong lễ hội 14/10 của tỉnh đã góp phần tôn vinh thêm các danh hiệu văn hóa của nhà nước và của tỉnh trao cho các địa phương, đơn vị đồng thời cũng khơi thêm niềm tự hào cho mỗi làng quê.

Điều đáng chú ý hơn cả là hệ thống các di sản văn hóa vật thể như đình, chùa, đền, miếu ở các địa phương trong tỉnh đã có một thời trải mấy thập kỷ ít được quan tâm gìn giữ, nhiều hội làng không được duy trì. Vốn dĩ đa phần các loại hình văn hóa phi vật thể như các trò chơi, trò diễn, trò đua tài thi khéo thường vẫn được tổ chức trong các hội làng. Vì hội làng không được duy trì nên các nghệ nhân không còn không gian để hoạt động. Khi làng trên xã dưới khôi phục và duy trì hội làng thì ngày hội văn hóa, thể thao truyền thống của tỉnh hàng năm luôn như một thông điệp khuyến khích việc khôi phục, bảo lưu và phát huy tiềm năng, tiềm lực sáng tạo của các cộng đồng làng, tạo được sự sâu rễ, bền gốc trong tiến trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, làm nền tảng vững chắc vun đắp tính cộng đồng, cộng cảm trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Chính từ sự ra đời và duy trì đều đặn lễ hội 14/10 mà Thái Bình đã tạo được môi trường văn hóa để khuyến khích các nghệ nhân dân gian trao truyền lại “vốn liếng” của mình cho các thế hệ sau. Nếu không có hội làng truyền thống được khôi phục, nếu không có sự khích lệ từ lễ hội 14/10, hẳn là những giá trị tinh hoa văn hóa văn nghệ truyền thống của Thái Bình sẽ lần lượt ra đi cùng các nghệ nhân khi họ về già. Đó chính là thước đo việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng làng. Cũng lại chính do khởi xướng và duy trì lễ hội 14/10 đã góp phần để hàng chục nghệ nhân chèo, múa rối nước, múa giáo cờ giáo quạt… được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú…

Việc tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao truyền thống hàng năm đã cho thấy lễ hội này rất hợp lòng dân và được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hào hứng tham gia. Đương nhiên, việc mỗi năm huy động các loại hình nào tham gia ở tỉnh để tạo được sức hấp dẫn riêng vốn cũng không mấy dễ dàng.

Dường như, càng về những năm gần đây, những trò chơi, trò diễn đua tài thi khéo mang tính truyền thống ở các làng xã càng ít được khôi phục thêm nên lễ hội 14/10 hàng năm ít có thêm nét mới, khó tạo thêm được nét hấp dẫn mới với công chúng và cũng có lẽ nguồn kinh phí để huy động các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian ở các làng xã lên tỉnh cũng ngày càng khó khăn hơn.

Để phát huy được ngày hội văn hóa, thể thao truyền thống mang sắc thái rất riêng của Thái Bình thì vai trò tham mưu của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch là rất quan trọng và cần thiết nhưng bên cạnh đó cũng rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và việc huy động các nguồn lực xã hội hóa. Ở các huyện và thành phố cũng rất cần tiếp tục duy trì ngày hội này để tôn vinh các giá trị truyền thống của các làng xã. Mỗi địa phương có cách làm riêng với những sắc thái riêng.

Thiết nghĩ, kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian của Thái Bình là vô cùng phong phú. Kho tàng ấy là của dân và do dân sáng tạo ra. Là một hoạt động mang nét riêng trong các hoạt động văn hóa, thể thao của Thái Bình, lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống 14/10 vốn là một lễ hội của dân, do dân và vì dân. Mong rằng ngày hội mang đậm tính văn hóa, nhân văn này của Thái Bình sẽ ngày càng thu hút được sự quan tâm của công chúng cả trong và ngoài tỉnh.

Nguyễn Thanh

(Vũ Quý, Kiến Xương)