Chủ nhật, 17/11/2024, 20:44[GMT+7]

Miền di sản

Thứ 2, 11/12/2017 | 15:10:11
691 lượt xem
Di sản văn hóa được hiểu là di sản của các hiện vật, thuộc tính vật thể và phi vật thể của một nhóm hay xã hội được kế thừa từ các thế hệ trước duy trì đến hiện tại và dành cho các thế hệ mai sau.

Đừng để lớp trẻ quay lưng lại với di sản văn hóa (ảnh chụp chùa Vân Nam, khu Vân Nam, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà).

Theo dòng chảy của lịch sử, các thế hệ cư dân trên đất Thái Bình đã trở thành chủ nhân của hệ thống các di sản văn hóa tồn tại và lưu giữ trên mặt đất, trong lòng đất và trong trí nhớ, lưu truyền từ đời này sang đời khác. Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lấp lánh nét đẹp văn hóa truyền thống của đất và người Thái Bình với đặc trưng nổi bật là cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng chống giặc ngoại xâm, hiếu học, khoa bảng, đoàn kết xây dựng quê hương…

Bà Sủn thon Xay nha chắc, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam, hiện là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã nhiều lần đến thăm Thái Bình và mỗi lần đến Thái Bình bà không quên ghé thăm Bảo tàng tỉnh, nơi trưng bày hiện vật về truyền thống lịch sử, văn hóa của mảnh đất và con người Thái Bình. Bà rất chú ý xem và không quên ghi cảm tưởng về những hiện vật mà những người lính tình nguyện Thái Bình, Việt Nam từng sống, chiến đấu kề vai sát cánh với nhân dân các bộ tộc Lào và bộ đội Patheth Lào, nay người còn, người mất nhưng được sưu tầm và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh minh chứng cho tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt - Lào anh em thông qua hoạt động đưa di sản văn hóa đến với mọi người của Bảo tàng tỉnh.

Ông Vũ Đức Thơm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Di sản văn hóa vật thể ở Thái Bình hiện còn 2.200 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có hai di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là chùa Keo (Vũ Thư) và khu lăng mộ, đền thờ các vị vua triều Trần ở Tiến Đức (Hưng Hà). 112 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 538 di tích cấp tỉnh. Đó là những thiết chế văn hóa làng, xã gồm các loại đình, đền, chùa, miếu, phủ thờ, điện, từ đường dòng họ… Đi cùng với các thiết chế đó là hàng chục nghìn các hiện vật, di vật được lưu giữ, bảo tồn tại các di tích ở các huyện, thành phố và Bảo tàng tỉnh. Trong đó có rất nhiều cổ vật và bảo vật quốc gia được thể hiện bằng nhiều chất liệu và loại hình như gỗ, đá, kim loại, giấy, vải, đất nung, gốm, sứ… 

Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, lĩnh vực văn hóa phi vật thể Thái Bình còn tồn tại các loại hình diễn xướng dân gian tiêu biểu như múa dân gian, nghệ thuật chèo, múa rối nước, hát ca trù và gần 400 lễ hội văn hóa gắn liền với di tích, hàng chục làng nghề truyền thống cũng như tiềm ẩn vốn tri thức dân gian về y học cổ truyền, ẩm thực…, đáng chú ý có 5 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Cùng với hoạt động xã hội hóa trong tôn tạo, tu bổ, chống xuống cấp các di tích văn hóa, chính quyền các địa phương cũng tích cực chỉ đạo, giám sát công tác bảo tồn, bảo tàng các di sản văn hóa ở địa phương giúp nhiều di sản văn hóa thoát khỏi tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. 

Công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hóa cũng được quan tâm đúng mức, các di tích trọng điểm như đền Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà), chùa Keo, Khu lưu niệm Bác Hồ ở xã Tân Hòa (Vũ Thư), Khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh (Thái Thụy)... đã được UBND tỉnh giao cho UBND các huyện có di tích trực tiếp quản lý. 

Trong quá trình nghiên cứu xếp hạng di tích, quản lý, tu bổ, tôn tạo vẫn còn một vài điểm cần điều chỉnh, rút kinh nghiệm nhưng cơ bản các di tích lịch sử văn hóa thuộc lĩnh vực di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc và chuyển biến tích cực. Lĩnh vực văn hóa phi vật thể chủ yếu là các lễ hội gắn với các di tích được phục hồi và khai thác những mặt tích cực trong đời sống xã hội với hàng chục hội vùng, hội làng đã tạo nên sắc thái phong phú của các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh. Nhiều lễ hội gắn với trò diễn, múa dân gian đặc sắc như múa bát dật, múa ông Đùng bà Đà, giáo cờ giáo quạt, đánh bệt… Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được khôi phục, khai thác, phát huy giá trị trong đời sống văn hóa cộng đồng như múa rối nước Nguyên Xá, nghệ thuật chèo ở làng Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng) và nhiều địa phương khác cũng được quan tâm, đầu tư và phát triển. 

Đáng chú ý, nghệ thuật múa rối nước ở Nguyên Xá những năm 90 của thế kỷ XX đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chọn đi biểu diễn ở các nước Bắc Âu nhằm quảng bá di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng. Cũng trong thời điểm đó, nghệ thuật chèo cũng được chọn đi biểu diễn ở Đông Âu, khu vực ASEAN… 

Gần đây, nghệ thuật múa rối cạn, đua thuyền ở An Lễ (Quỳnh Phụ); thi cỗ cá, rước chạ ở Vân Đài và Tam Đường (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) đã được khôi phục và phát huy giá trị. Trong dòng chảy lịch sử của truyền thống văn hóa, các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã tạo nên những nghệ nhân ưu tú trong từng lĩnh vực. Đến nay toàn tỉnh đã có 17 nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng, chủ yếu là các lĩnh vực múa rối nước, hát chèo, múa dân gian.

Bảo tàng tỉnh là một thiết chế văn hóa có tầm quan trọng trong việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở tỉnh ta. Tọa lạc ở vị trí thuận lợi, cảnh quan thoáng đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của nhân dân và du khách. Bảo tàng tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm, thu hút khoảng 2.000 lượt người xem/năm, chủ yếu trưng bày hiện vật theo chuyên đề phục vụ công tác nghiên cứu và khách tham quan, du lịch, để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về lịch sử, truyền thống văn hóa mảnh đất và con người Thái Bình. Mới đây, Bảo tàng tỉnh có sáng kiến đưa hình ảnh, hiện vật các di sản văn hóa về với cộng đồng dân cư, thôn, xã; các cơ sở học đường, tăng cường củng cố và xây dựng các nhà truyền thống, nhà lưu niệm ở các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học, kết nối nhà truyền thống với hoạt động của Bảo tàng tỉnh.



Ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh

Ngoài những cổ vật, hiện vật được sưu tầm, lưu giữ qua các thời kỳ, mới đây, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận nhiều hiện vật quý giá, chỉ tính riêng số tài liệu hiện vật, hình ảnh về ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh là 950, trong đó có 140 hiện vật gốc. Những tài liệu hiện vật, hình ảnh tiếp nhận từ các phòng, ban, đơn vị, cá nhân… Bảo tàng tỉnh có trách nhiệm lập danh mục, phân loại, bảo quản, bảo dưỡng, khai thác, trưng bày triển lãm. Đây là những tài liệu hiện vật, hình ảnh có giá trị phản ánh quá trình hoạt động của các đơn vị, cá nhân trong các lĩnh vực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch qua các thời kỳ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, nguyên Giám đốc Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh

Lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở tỉnh ta rất phong phú. Mặc dù có thất truyền vì một số nghệ nhân dân gian khi về với tiên tổ đã mang theo vốn quý di sản văn hóa về thế giới bên kia nhưng hiện tại vẫn còn nhiều loại hình diễn xướng dân gian rất cần lưu giữ bằng tài liệu, hiện vật tại Bảo tàng tỉnh nhằm quảng bá, phát huy giá trị như múa dân gian, nghệ thuật chèo, múa rối nước, hát ca trù, hàng chục làng nghề truyền thống, hơn 400 lễ hội văn hóa gắn liền với di tích…

Cựu chiến binh Hà Duy Thám, số nhà 65/227 phố Lê Quý Đôn, thành phố Thái Bình

Ý thức được vấn đề bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, bản thân tôi cùng nhiều đồng đội từng chiến đấu trên các chiến trường đã gom góp, sưu tập nhiều tài liệu, hiện vật, kỷ vật chiến trường hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh. Như các cụ dạy “trăm nghe không bằng một thấy”, những tư liệu, hiện vật, kỷ vật gắn liền với cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giải phóng đất nước của các thế hệ chiến sĩ Thái Bình sẽ là pho sử chân thực về một thời hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.


Lưu học sinh Lào Latham Sathith Bounpheng, K43, Trường Đại học Y Dược Thái Bình

Em thường cùng các bạn của mình là lưu học sinh Lào theo học tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình đến thăm Bảo tàng tỉnh. Tại đây, chúng em được xem trưng bày triển lãm các hiện vật, cổ vật, tài liệu… mang ý nghĩa lịch sử, đặc biệt là những hiện vật, kỷ vật của Bộ đội Cụ Hồ người Thái Bình tình nguyện kề vai sát cánh cùng nhân dân các bộ tộc Lào và bộ đội Patheth Lào chiến đấu giải phóng nước Lào. Đây là những hiện vật, kỷ vật mang đậm tình hữu nghị Việt - Lào.


Quang Viện

  • Từ khóa