Thứ 2, 18/11/2024, 07:51[GMT+7]

Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện, thành phố Với hoạt động góp phần xây dựng văn hóa đọc

Thứ 5, 18/08/2011 | 08:08:08
2,028 lượt xem
Thái Bình là tỉnh đồng bằng ven biển, có dân số gần 2 triệu người, với trên 70% số dân sống trên địa bàn nông thôn. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, diện mạo của tỉnh ngày một đổi thay. Bên cạnh bước phát triển mạnh mẽ về đời sống vật chất, đời sống tinh thần của nhân dân Thái Bình cũng không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Hiện tại trên địa bàn của tỉnh có 8 trung tâm Văn hoá Thể thao (TTVHTT) cấp huyện, thành phố, với chức năng tuyên truyền đường lối chính sách chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tổ chức các hoạt động văn hoá thông tin thể thao tại chỗ phục vụ công chúng, đồng thời chỉ đạo hệ thống Nhà văn hoá xã hoạt động.

Trong đó, hệ thống thư viện cấp huyện là đơn vị sự nghiệp văn hoá thông tin, do Uỷ ban nhân dân cấp huyện thành lập, thư viện huyện là một bộ phận hoạt động của TTVHTT huyện thành phố. Với 8 thư viện (thư viện thành lập sớm nhất từ năm 1965 đến năm 1978 hoàn thành xây dựng thư viện cho toàn bộ các huyện thị xã), có số vốn tài liệu gần 80.000 bản sách; trên 30 loại báo tạp chí. Tổng số cán bộ thư viện làm việc tại các thư viện cấp huyện là 14 người, tất cả đều có trình độ chuyên môn từ Trung cấp đến Đại học thư viện.

Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, nhiều năm qua các thư viện huyện, thành phố tỉnh Thái Bình dưới sự quản lý trực tiếp của TTVHTT đã xây dựng và tổ chức việc sử dụng chung vốn tài liệu góp phần nâng cao dân trí, phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương.

Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, hầu hết các thư viện huyện có trụ sở làm việc nằm trong khuôn viên nhà văn hoá huyện, với diện tích kho phòng xuống cấp chật chội, trang thiết bị dùng cho hoạt động như bàn ghế giá tủ đa phần đã cũ, chỉ duy có thư viện Tiền Hải được mua sắm trang thiết bị mới trị giá hàng tỷ đồng. Kinh phí dành cho thư viện huyện hàng năm ở mức độ rất khiêm tốn (nơi cao nhất được gần 50 triệu đồng, thấp nhất có trên 20 triệu đồng).

Để một phần khắc phục khó khăn về kinh phí, nhất là kinh phí dành cho bổ sung sách báo mới hàng năm, thư viện tỉnh Thái Bình đã có sự bàn bạc thống nhất và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của TTVHTT các huyện cùng thực hiện Quy chế luân chuyển sách báo. Chính bằng sự phối kết hợp chặt chẽ đó đã giúp công tác luân chuyển sách từ thư viện tỉnh đến thư viện huyện và cơ sở đạt được kết quả  khả quan. Các thư viện huyện tiến hành đều đặn 6 tháng một lần đưa sách về cơ sở, số sách luân chuyển đạt tới hàng chục ngàn bản.

Hàng năm hệ thống thư viện  huyện đã cấp được gần 2.000 thẻ bạn đọc, phục vụ gần 50.000 lượt bạn đọc với trên 130.000 lượt sách báo luân chuyển. Hệ thống thư viện xã, phường thị trấn có 37 cơ sở, với tổng số vốn tài liệu hơn 32.000 bản, 10 loại báo tạp chí; cấp trên 1.000 thẻ, phục vụ trên 14.000 lượt bạn đọc với trên 34.000 lượt sách báo luân chuyển. Thông qua công tác phục vụ bạn đọc thư viện  huyện, xã, phường, thị trấn  đã một phần đáp ứng yêu cầu sử dụng sách báo của nhân dân trên địa bàn, nhất là với đối tượng cán bộ công chức, hưu trí, học sinh.

Cùng với việc tổ chức mở cửa thư viện phục vụ bạn đọc, công tác tuyên truyền trực quan cũng được quan tâm, ở hầu khắp các thư viện huyện trên địa bàn Thái Bình đã có hàng chục cuộc tuyên truyền, triển lãm sách báo tài liệu nhân ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, địa phương được tổ chức. Đặc biệt công tác tuyên truyền giới thiệu sách trong đối tuợng thiếu niên nhi đồng toàn tỉnh đã được TTVHTT các huyện thành phố phối hợp với Phòng Giáo dục, các ban Văn hoá xã một cách khá chặt chẽ, thu hút hàng ngàn em tham gia. Thông qua nội dung giới thiệu sách đã giúp các em ý thức hơn với việc đọc sách báo, góp phần nâng cao  hiểu biết, mở mang kiến thức, nhất là kiến thức về lịch sử dân tộc, Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, gương anh hùng liệt sỹ.

Tại các huyện Hưng Hà, Vũ Thư phong trào này được duy trì thường xuyên trong nhiều năm với cách tổ chức đội thi từ cấp cơ sở. Chất lượng các cuộc thi ngày càng được các đơn vị tham gia chú trọng đầu tư, nâng cao hơn từ nội dung kịch bản, giới thiệu đội hình, đạo cụ, minh hoạ. Với thế mạnh của đội ngũ cán bộ biên tập, đạo diễn dàn dựng chương trình chuyên nghiệp ở TTVHTT đã giúp công tác tuyên truyền giới thiệu sách Hè hàng năm tại các huyện thành phố ngày càng đạt chất lượng cao hơn. Nổi bật nhất có thể nói đến là đội tuyển của trường Tiểu học An Bài Quỳnh Phụ tham gia Hội thi thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách Hè toàn quốc năm 2010 nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội đã đạt giải Nhất, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với  người tham dự.

Để góp phần tích cực trong việc xây dựng phong trào đọc, đưa nội dung hoạt động này ngày một hiệu quả hơn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, các TTVHTT huyện, thành phố đã có sự chỉ đạo hướng dẫn các Nhà văn hoá ở tổ dân phố, thôn làng hoạt động đi vào nề nếp hơn, trong đó việc tổ chức đọc sách báo tại cộng đồng cũng được chú trọng.

Tại nhiều thư viện xã trên địa bàn tỉnh hoạt động đưa sách báo tới người đọc được duy trì khá nề nếp, thư viện huyện đã thực hiện luân chuyển sách, hướng dẫn nghiệp vụ tổ chức đăng ký sách báo, xếp kho tài liệu. Trong số đó có các thư viện hoạt động tốt như Thư viện Nguyên Xá (Vũ Thư), thư viện Thái Dương (Thái Thuỵ), thư viện Độc Lập (Hưng Hà). Các TTVHTT huyện đã có sự chỉ đạo, cử cán bộ thư viện theo dõi trực tiếp đưa sách luân chuyển về thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, thư viện xã  phục vụ bà con nông dân, học sinh đạt kết quả tích cực.

Nhân NGÀY SÁCH THẾ GIỚI 23/4, TTVHTT Quỳnh Phụ đã phối hợp với Phòng Giáo dục huyện và một số nhà hảo tâm yêu quý sách tổ chức chương trình giao lưu văn hoá đọc với nông thôn Quỳnh Phụ (Lần thứ nhất tổ chức năm 2010; lần thứ hai năm 2011). Đây thực sự là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, giúp nhiều đối tuợng bạn đọc đang sinh sống trên địa bàn nông thôn hiểu thêm về sách, hiểu vì sao cần phải đọc sách và đọc sách như thế nào.

Nhìn lại kết quả đạt được của các TTVHTT đối với việc góp phần xây dựng văn hoá đọc trên địa bàn có thể thấy khi có sự chỉ đạo trực tiếp và tích cực của TTVHTT thì việc xây dựng các tủ sách, thư viện tại địa phương cũng như nâng cao chất lượng của phong trào đọc mới có hiệu quả tốt. Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí, biên chế cán bộ….ở tất cả các huyện thành phố trong tỉnh đã có sự cố gắng đầu tư cho hoạt động này.

Tuy nhiên mức độ đầu tư chưa có sự đồng đều, có nơi còn để tình trạng thư viện huyện chưa bổ sung được sách mới phục vụ bạn đọc, số lượng đầu báo còn ít, việc mở cửa thư viện chưa đảm bảo giờ giấc phục vụ bạn đọc, một số cán bộ thư viện chưa chủ động, nhiệt tình với công việc… Điều này đã dẫn đến tình trạng chưa thu hút được đông đảo bạn đọc đến thư viện sử dụng sách báo, làm hạn chế vai trò hoạt động của TTVHTT huyện, thành phố.

Mong muốn trong thời gian tới Nhà nước cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa về kinh phí hoạt động, biên chế cán bộ đối với các TTVHTT, cơ chế chính sách đối với cán bộ cơ sở xã phường…Mặt khác các TTVHTT các huyện, thành phố cần có sự đổi mới hơn nữa đối với sự chỉ đạo, đầu tư kinh phí hoạt động của  thư viện, tủ sách trên địa bàn. Có như vậy các thư viện, tủ sách thuộc mạng lưới thư viện công cộng trên địa bàn huyện, thành phố mới phát huy được vai trò, hiệu quả trong việc xây dựng văn hoá đọc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đông đảo quần chúng nhân dân.

Lê Thị Thanh Đài

( Thư viện tỉnh)

 

  • Từ khóa