Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể
Văn hóa phi vật thể đa dạng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 400 lễ hội được duy trì, tổ chức thường xuyên, nhiều lễ hội được phục dựng cả về quy mô và tính chất, lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng riêng, gắn liền với sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trở thành biểu tượng của cộng đồng ấy. Nhắc đến lễ hội đền Trần, người ta nghĩ tới lễ rước nước trên ngã ba sông Hồng, tục làm cỗ cá độc đáo hay các trò chơi dân gian mang đậm tinh thần thượng võ như thi nấu cơm cần, thi vật cầu, kéo co, pháo đất... Lễ hội chùa Keo mang đặc trưng của một lễ hội nông nghiệp nhưng lại có tính chất của một lễ hội lịch sử. Ở đó, các sinh hoạt văn hóa dân gian hòa quyện cùng các nghi thức văn hóa tôn giáo. Bên cạnh phần lễ với tục rước kiệu Thánh uy nghiêm là phần hội với các hoạt động vui chơi giải trí sôi nổi, đậm nét đồng quê như thi bơi chải, rước thuyền, múa ếch vồ, thổi cơm, bắt vịt, đập niêu...
Thái Bình cũng là nơi gìn giữ, bảo lưu nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, nổi bật là nghệ thuật hát chèo và múa rối nước mang đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Bên cạnh đó, múa bát dật làng Lộng Khê (Quỳnh Phụ), múa giáo cờ, giáo quạt làng Giắng (Đông Hưng), múa ông Đùng, bà Đà (Thái Thụy), hát ca trù đền Đồng Xâm (Kiến Xương)... cũng đạt đến trình độ cao trong văn hóa diễn xướng dân gian.
Thái Bình còn lưu giữ hơn 170 làng nghề ẩm thực và thủ công mỹ nghệ truyền thống. Bánh cáy làng Nguyễn (Đông Hưng), canh cá Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ), cốm Thanh Hương (Vũ Thư)... là những đặc sản đậm hương vị đồng quê mà mỗi khi nhắc đến quê lúa người dân khắp xa gần đều muốn một lần được thưởng thức. Chạm bạc Đồng Xâm, dệt đũi Nam Cao (Kiến Xương), thêu ren Minh Lãng (Vũ Thư), chiếu Hới (Hưng Hà) nức tiếng với những sản phẩm tinh xảo, đạt đến trình độ cao của kỹ thuật làm nghề thủ công.
Công tác bảo tồn và gìn giữ
Những năm qua, nhiều lễ hội trên địa bàn tỉnh được phục dựng theo nghi thức truyền thống, khai thác những mặt tích cực góp phần làm phong phú đời sống cộng đồng dân cư. Các phường múa rối nước, hát chèo ở Đông Hưng và nhiều địa phương được đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị. Tỉnh cũng tạo điều kiện đưa văn hóa phi vật thể đến các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh. Sự xuất hiện của mâm cỗ cá Thái Bình tại lễ hội Đền Hùng năm 2017 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách thập phương. Múa sênh tiền mõ lộn xã An Khê (Quỳnh Phụ) tại ngày hội văn hóa, thể thao truyền thống tỉnh năm 2017 cũng tạo nên những ấn tượng đậm nét trong lòng công chúng.
Thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực vào cuộc để tập hợp danh mục các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị, cần được bảo tồn, lập hồ sơ đề nghị gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Với tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ làm công tác văn hóa, sự đồng thuận của các cộng đồng sở hữu di sản, chỉ trong 4 năm, từ 2014 đến 2017, trên địa bàn tỉnh đã có 6 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm: lễ hội đền Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà (2014); lễ hội đền Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà; lễ hội đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ (2016); lễ hội đền Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ; lễ hội chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư; lễ hội đền Lộng Khê, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ (2017).
Bên cạnh việc chú trọng công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn dành sự quan tâm đặc biệt đến những đối tượng là chủ thể văn hóa, nắm giữ các kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, đề nghị UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho các cá nhân có thành tích lưu giữ, truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Năm 2015, trong tổng số 600 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú đợt 1, Thái Bình có 13 nghệ nhân. Năm nay, trong quá trình xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú đợt 2, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu, tuyển chọn hồ sơ gửi Hội đồng xét duyệt danh hiệu cấp tỉnh, chọn ra 7 hồ sơ nghệ nhân gửi Hội đồng cấp nhà nước. Việc xét tặng danh hiệu là nguồn động viên tinh thần lớn đối với những người “truyền lửa” đang nắm giữ, truyền dạy, có cống hiến to lớn, tiêu biểu trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, khích lệ cộng đồng tiếp tục bảo lưu văn hóa. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức các lớp tập huấn và các đợt kiểm kê di sản tại các địa phương, đánh giá, phân loại từng loại hình, hình thái văn hóa phi vật thể, mức độ bảo lưu, bảo tồn tự nhiên tại từng địa phương, đồng thời nhận biết thực trạng và sự phân bố di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi tỉnh để có kế hoạch bảo lưu, khôi phục.
Trong thời kỳ hội nhập, việc giữ gìn các di sản văn hóa phi vật thể chính là cách chúng ta giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tự tin mở cửa với thế giới “hòa nhập nhưng không hòa tan”.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bà Trần Thị Gái, nghệ nhân ưu tú múa giáo cờ, giáo quạt, làng Giắng, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng Được nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú không chỉ tôi mà bất cứ nghệ nhân dân gian nào cũng cảm thấy vinh dự, tự hào. Chúng tôi luôn tự nhủ cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc giữ gìn vốn cổ của địa phương, trao truyền cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, các cấp ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn thể hiện sự quan tâm đối với đội ngũ nghệ nhân chúng tôi, điều đó thể hiện sự trân trọng của ngành đối với việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa. |
Thảo Tiên
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy