Chủ nhật, 17/11/2024, 19:39[GMT+7]

Đầu xuân xin chữ

Thứ 3, 13/02/2018 | 10:52:49
665 lượt xem
Xin chữ đầu năm là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Vào ngày mồng 3, mồng 4 tháng Giêng, nhiều gia đình sau khi chúc tết người thân, thầy cô giáo thì cùng nhau đi trảy hội và xin chữ ông đồ.

Xưa kia, mỗi khi tết đến, xuân sang, những ông đồ hay chữ thường bày nghiên bút, giấy bản nhuộm điều, nụ cười niềm nở đón chào người đi trảy hội đầu xuân ghé qua sạp của mình để xin chữ. Ngày nay, hình ảnh đó không còn phổ biến nữa, chỉ còn xuất hiện ở những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nhưng tục xin chữ vẫn còn lưu giữ như một nét văn hóa của người Việt. Người cho chữ được gọi là ông đồ túc nho và người xin chữ thường là những gia đình cầu mong nhiều điều may mắn trong năm mới. Đặc biệt, những gia đình có người đang đi học mong được con chữ thánh hiền để lấy may, để việc học hành thi cử thuận buồm xuôi gió thì với họ xin chữ đầu năm là việc làm mang nhiều ý nghĩa, chữ xin về thường được treo ở nơi trang trọng nhất, linh ứng nhất, dễ ngắm nhìn nhất.

“Nét chữ, nết người”, con chữ không chỉ dùng để diễn đạt tư tưởng mà còn giúp bày tỏ tấm lòng, bộc lộ tính cách. Xưa kia, người cho chữ thường là những bậc nho sĩ, thầy đồ, thầy giáo học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp, lại có tiếng hiền tài, đức độ, nay người cho chữ, đam mê viết chữ có cả những người dân, người kinh doanh, buôn bán, giáo viên, cán bộ, công chức nhưng vì tâm huyết với con chữ mà tìm tòi học viết, giác ngộ với cái đẹp, nét truyền thống vốn có của dân tộc.

Cụ Nguyễn Thế Cảo, xã An Vũ (Quỳnh Phụ) theo viết chữ Hán, chữ Nôm từ nhiều năm nay. Với cụ, tuổi tác không phải là chướng ngại mà chính là ý chí quyết tâm học lấy con chữ của từng người. Cụ Cảo chia sẻ: Người đi học thường xin chữ Tài. Người buôn bán, kinh doanh thường xin chữ Phát, chữ Lộc, chữ Tín. Người rèn khả năng chịu đựng xin chữ Nhẫn. Người cầu thành công xin chữ Đạt, chữ Thành. Tùy vào cá tính, nghề nghiệp, lứa tuổi của mỗi người mà chữ được xin khác nhau.

Theo truyền thống từ xưa, chữ được xin thường là chữ Hán, chữ Nôm bởi đây là những chữ tượng hình, nhiều ý nghĩa, nhưng thời gian gần đây người dân xin cả chữ quốc ngữ vì dễ đọc, dễ hiểu.

Anh Phạm Tiến Thành, lớp trưởng lớp Hán, Nôm huyện Quỳnh Phụ cho biết: Từ xa xưa, xin chữ ngày tết luôn được coi là điều thiêng liêng, một việc quan trọng của gia đình bởi bức thư pháp sẽ được treo trang trọng trong gia đình và cũng là thể hiện những mong ước của gia đình trong năm mới. Người cho chữ đẹp phải có nét bút toát lên được thần thái, có độ nhấn nhá, lúc thì tả khinh hữu trọng, có lúc lại tả trọng hữu khinh, hoàn thiện tác phẩm phải cân bằng tổng thể với bố cục hài hòa. Một bức thư pháp hay một con chữ đầu năm mang rất nhiều tri thức của người viết về nhiều lĩnh vực như hội họa, âm nhạc, thơ ca, đôi khi là cả võ thuật.

Lớp học chữ Hán, Nôm huyện Quỳnh Phụ.

Điểm khác biệt của người cho chữ là dưới bàn tay mỗi ông đồ, bức thư pháp hiện lên là mỗi bức họa khác nhau, từng nét chữ thể hiện cốt cách của người cầm bút với tâm hồn, xúc cảm khác nhau. Chữ được cho thường được viết trên nền giấy đỏ bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm dân gian là biểu tượng của sự may mắn. Người cho chữ thường dùng loại bút trường phong, thân bút được làm bằng gỗ tự nhiên như gỗ trắc, gỗ mun, quản trúc…, ngòi bút được tỉa tuốt tỉ mẩn từ nhiều loại lông thú tự nhiên như lông ngựa, lông sói, lông mèo. Đặt bút lên viết, người viết đi con chữ theo lối hành thảo, nhẹ nhàng giống như cơn gió lướt trên mặt cỏ. Người xin chữ am hiểu về vốn chữ cổ thường hay xin đủ 5 loại chữ đại diện cho 5 lối chơi thư pháp cơ bản gồm: Triện, Lệ, Chân, Hành, Thảo, trong đó Hành thư và Thảo thư là những loại chữ thường hay được các ông đồ dành tặng người xin chữ bởi gần gũi với truyền thống văn hóa Việt Nam, dễ nhận biết, dễ trưng bày trong gia đình.

“Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đồ già, bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua” - hình ảnh ông đồ già cho chữ đầu xuân không chỉ in sâu trong tiềm thức con người mà còn đi vào thơ ca, nhạc họa như một hình ảnh thân quen mỗi dịp đầu năm. Cùng với thú chơi chữ của các bậc túc nho, tục xin chữ, tặng chữ đầu xuân ngày càng thịnh hành, phù hợp với truyền thống hiếu học của người Việt Nam, trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc đầu năm mới.

Tiến Đạt