Thứ 2, 18/11/2024, 07:18[GMT+7]

Nông, ngư cụ - Di sản quý giá ngàn đời

Thứ 3, 30/08/2011 | 09:02:40
7,541 lượt xem
Để tạo dựng một cuộc sống an nhàn, thịnh vượng từ xa xưa dân gian ta đã nghĩ ra được nhiều thứ dụng cụ có thể hỗ trợ sức lao động, tăng năng suất và hiệu quả nghỉ dưỡng. Cho đến nay đã có hàng trăm loại vật dụng mà nổi bật là nông-ngư cụ đóng vai trò quan trọng và là một phần không thể thiếu của đời sống nông thôn Việt Nam.

Nông-ngư cụ được dùng trong rất nhiều việc từ trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt, tự vệ lẫn sinh hoạt giải trí. Về các miền quê, đi đâu cũng gặp chúng, từ nhà ra sân trên cạn dưới nước, thậm chí trong các hoạt động văn nghệ, ma chay, cưới hỏi, mừng thọ, chúc Tết... tạo nên một nét đặc thù, độc đáo.

Thế giới nông-ngư cụ cực kỳ đa dạng: phục vụ trồng trọt và thu hoạch như đào đất có xẻng, bới đất- cuốc, xỉa đất- xà beng; vỡ đất- cày, nhằn đất- bừa, phạt cỏ- phảng; cấy mạ- nọc; gặt lúa- liềm, đập lúa- kẹp; xay thóc- cối; đong gạo- đấu, khều rơm- móc, tích nước- khạp, tát nước- gầu, ngâm giống- lu, gánh gồng- đòn, vận chuyển- xe, thuyền, chặt đốn- rìu, đóng đập- búa...; phục vụ chăn nuôi, đánh bắt như bắt chim có bẫy, chặn cá- đăng, chụp cá- nơm, đong cá- đó, bẫy lươn- trúm, đựng cá- đụt, đựng cua -giỏ...; phục vụ các nghề phụ như may vá có thước- kéo- kim- đê- suốt,... làm mộc, gò rèn có cưa- đục- bào- tràng- khoan- dùi- dũa...; phục vụ nấu nướng, ăn uống có bếp than- lò nướng- nồi, xoong- bát, đĩa- thìa, muôi...; phục vụ tắm giặt, nghỉ ngơi có gáo- bồn, xô, chậu- quạt- chõng- võng- lọng...

Riêng trong một loại vật dụng để cắt cũng có bộ to nhỏ, dài ngắn khác nhau như trong dao có dao mẹ, dao con, dao găm, dao nhíp, dao rựa, dao phay...; để xay có cối xay bằng nước, chân, tay và về chất liệu có cối đá, gỗ, đất nện hoặc khung tre... Tùy từng thời điểm trong năm mà nông-ngư cụ được dùng ít hay nhiều. Ví dụ với nông cụ và nghề trồng trọt thì vào đầu vụ sẽ thấy cái cày, bừa, cuốc, thuổng để bửa đất, san lấp. Giữa vụ thấy cái gàu sòng, gàu giai hay xe đạp nước dẫn thủy nhập điền chống hạn. Cuối vụ là cái liềm, lưỡi hái, câu liêm cho gặt lúa, thu hái hoa quả, rau màu. Khi cần chuyên chở sẽ xuất hiện xe bò, ba gác, cút kít. Khi giần sàng sẽ gặp nong, nia, thúng, mẹt... Những tháng mưa lạnh thường thấy người dân đi làm đồng mặc áo tơi bằng rơm- lá dừa, đội nón cời, đi dép cỏ hay guốc mộc... Và ngày nắng những nhà làm nghề phụ như làm mắm, tương, mật, dưa cà đem phơi ở sân hàng chục cái chum đựng thức ăn trong đó.

Ở quê, ai nấy đều quen thân với nông-ngư cụ từ nhỏ. Năm, sáu tuổi đã biết nổi lửa nấu cơm;  bảy, tám tuổi cầm nơm úp cá, mò cua; chín tuổi ra đồng gặt lúa, đặt trúm bẫy lươn; mười tuổi nhong nhong trên xe bò, xe cải tiến hoặc thuyền nan thuyền thúng chở lúa, ngô, khoai, sắn, thủy sản về nhà...

Với dân quê, nông-ngư cụ vừa là công cụ sản xuất vừa là tài sản, của cải nên sau buổi lao động đều đánh bóng, treo cao hoặc đặt ngay ngắn ở nơi quy định chứ không vứt bừa bãi. Với họ, cái gì cũng quý, cũng cần thiết vì thế mặc dù mỗi nhà có thể có đủ trăm thứ đồ lặt vặt, nhưng họ vẫn luôn sắp xếp chúng gọn gàng, những thứ ít dùng thì cất đi, chứ không loại bỏ, nhiều thứ tưởng chừng không còn nữa thì đến một thời điểm nào lại xuất hiện.

Dân quê nặng về trao đổi song không mấy ai trao đổi nông-ngư cụ của mình  lấy của người khác vì họ đã dùng quen tay và cũng bởi chúng đã in hằn trong họ những kỷ niệm của bản thân và gia đình không dễ xa rời. Do đó, mỗi người gắn bó và trân trọng gần như cả ngày không lìa xa công cụ, người đi đâu vật theo đấy, dù là ra thăm ruộng hay đi chợ, vào nhà người thân hỏi han khỏe, chúc mừng, nghỉ ngơi, ăn uống..., khi ngủ mới treo chúng trên tường, đặt trong hộc, để ở đầu giường, dưới gậm tủ. Nhiều người lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn yêu cầu được chôn nông-ngư cụ bên mình. Lúc nào cũng thấy người ta vui vẻ, tay xách nách mang nông-ngư cụ về nhà, hồ hởi vì một ngày lao động hiệu quả. Cứ cuối tuần hay vào vụ mới lại mang chúng ra đánh rửa sáng choang cho thêm sắc bén, linh hoạt.

Tuy nhiên, vì công việc nhà nông nhiều khâu vất vả họ cũng luôn nghĩ ra nhiều vật dụng mới tiện ích hơn nữa. Có nhiều người vì vậy đã trở thành nghệ nhân làm nông-ngư cụ như thợ rèn, gò hàn, ghép cối, đan lướt, tết giỏ, đóng thuyền... lập nên các nghề phụ và làng nghề nổi tiếng làm vật dụng bán sang các vùng lân cận.

Để tạo nông-ngư cụ mỗi làng hoặc nhiều nhà thường kết hợp với nhau mở chung một lò rèn và xưởng mộc. Ở đó, người ta nung chảy sắt thép, xẻ gỗ và đan lát ra các loại đồ vật. Hàng tuần, hàng tháng hoặc năm ở quê lại có các phiên chợ đặc biệt mua bán nông-ngư cụ. Lúc này thấy hàng trăm loại vật dụng cũ, mới có tuổi đời từ vài ngày, vài chục năm đến cả thế kỷ. Trong chợ cũng thường có các nhóm thợ chuyên sửa chữa đồ cũ. Dân quê khi rảnh rang cũng ngồi đan lát, đục đẽo tạo dụng cụ mới. Những chàng rể nhằm lấy lòng nhà vợ thường lân la sang làm giúp hoặc sửa chữa vài bộ nông-ngư cụ hộ cha mẹ vợ.

Nhờ tiến bộ khoa học một số nông-ngư cụ thô sơ ở ngoài đời đã bị thay thế song ở nhiều hộ dân vẫn tồn tại. Nhiều người muốn lưu giữ chúng truyền đời để bảo tồn vốn cổ và cho con cháu tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, hình dung ra cuộc sống của người xưa.

Yêu mến nông-ngư cụ, dân quê luôn làm chúng có đôi, có đực có cái, có mẹ có con, có lõm có lồi, cứng- mềm, ráp- mượt, và bằng gỗ-đá, đá-sắt, đất gỗ, sắt-gỗ... theo triết lý âm dương là các yếu tố đem lại sự sinh sôi, ổn định và phát triển. Dân quê cũng thường nhân hóa chúng. Ví dụ gọi vật đựng vôi là Ông bình vôi coi đây là người mối mai vợ chồng. Mỗi khi nam nữ ăn trầu cau với vôi sẽ nảy sinh tình cảm yêu mến, hơi thở nồng nàn, giúp việc phòng the hoàn hảo. Để việc này thêm tốt đẹp, ở trên bình vôi nhiều khi còn đắp hình ảnh phồn thực với đôi trai gái giao hoan.

Trong tiếng Việt, có khá nhiều động từ, tính từ mang tên nông-ngư cụ như cày bừa, cuốc xới, gánh gồng, gặt hái, sàng sảy, cân đong, xỉa móc, giăng bẫy, thả lưới, đặt nò, lịch bịch, lu bù, lập lờ, kìm kẹp, óc ách...

Trong văn học dân gian cũng chứa nhiều lời hay ý đẹp liên quan đến nông-ngư cụ. Ví dụ có các cụm từ như trăng lưỡi liềm phản ánh một hiện tượng tự nhiên về sự sáng trời áp dụng trong trồng trọt; mắt sắc dao cau hay sâu sắc như cơi đựng trầu miêu tả vẻ lôi cuốn, gợi cảm của phái đẹp, thóc lúa đầy bồ biểu thị sự đủ đầy, sung túc; vắt cổ chày ra nước khắc họa tính keo kiệt, bủn xỉn; lừ đừ như cối xay chỉ sự chậm chạp, uể oải; nói như dao chém đá - sự nhất quyết không thay đổi; cãi chày cãi cối - sự nói liều, không cần biết phải trái; dài hơn thuổng - sự hứa hẹn suông khó thực hiện; mặt mẹt - sự trơ lỳ, dư luận búa rìu hay đao to búa lớn - những lời bàn tán gây hại nặng nề; gà què ăn quẩn cối xay - sự lười nhác, trông chờ vào của cải bố thí; đũa lệch chèo mâm son - sự nghèo- sang không môn đăng hộ đối, nồi nào úp vung ấy lại chỉ vợ chồng ăn ý, hợp với mình và thuận với người.

Những buổi lao động hoặc giải lao dân quê thường hỏi đáp dí dỏm về vật dụng vừa để thi thố tài năng bộc lộ vốn hiểu biết, vừa để thư giãn, lấy vui. Mỗi câu hỏi đều rất giàu hình tượng, thanh sắc nghe qua đã thấy êm ái và khi nhận được câu trả lời càng thêm thích thú vì sự sâu sắc, tinh tế. Chẳng hạn:

Cái dạng quan anh xấu lạ lùng
Khom lưng uốn gối cả đời cong
Lưỡi to ra sức mà ăn khoét
Đành phải theo đuôi có thẹn không? (Cái cày).

Mình tròn bán nguyệt cung trăng
Lưỡi không ra lưỡi, hàm răng thì nhiều (Cái bừa).

Có răng mà chẳng có mồm
Nhai cỏ nhồn nhồn cơm chẳng chịu ăn (Cái liềm).

Vốn nó đang ở rừng xanh
Đem về hạ bạn kết thành một đôi
Ra đường kẻ trước người sau
Về nhà thì ấp lấy nhau mà nằm (Đôi quang).

Nắng lửa mưa dầu ta không bỏ bạn
Tối lửa tắt đèn bạn lại bỏ ta (Mũ nón).

Quê thiếp ở tận non cao
Chàng đem thiếp xuống sông đào dạo chơi
Khi nào biển lặng thanh trời
Thiếp nằm thiếp nghỉ ở nơi thanh nhàn
Khi nào mưa gió dọc ngang
Chàng đi thiếp cũng băng ngàn thiếp theo (Cái thuyền).

Cô kia con cái nhà ai
Mình to họng nhỏ, lỗ tai đeo rằm
Đứng bên nghe tiếng ầm ầm
Vừa múa vừa hát rầm rầm mưa rơi (Cối xay lúa).

Không ăn mà mổ cuống cuồng
Mệt nhoài đứng chổng
Ra chừng dửng dưng (Chày giã gạo đạp chân).

Thân em xưa ở bụi tre
Mùa đông xếp lại mùa hè mở ra (Cây quạt giấy).

Anh ngồi đâu em cũng ngồi hầu
Yêu em anh mới mớm trầu cho em (Cái ống nhổ).

Bằng cái hạt cây
Ba gian nhà đầy còn tràn ra sân? (Đèn dầu).

Bốn bên thành lũy vây cao
Có một thành trọc nhảy vào nhảy ra (Thùng và gáo múc nước).

Mình tròn trùng trục
Răng nhọn như chông
Trong nhà ngồi không
Ra đồng nhảy chôm hổm (Cái nơm).

Mọi người cũng dùng ngay công cụ trên tay, dưới chân làm hình ảnh ẩn dụ hoặc trực tiếp nói lên nỗi lòng.

Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu nón thương mình bấy nhiêu.

Đêm nằm chiếu chẳng bén lưng
Cũng vì thương nhớ người dưng buổi đầu.

Anh về để quạt lại đây
Mở ra xếp lại cho khuây cơn buồn.

Anh về chẻ nứa đan sàng
Chẻ tre đan chõng cho nàng ru con.

Sao anh ăn ở bấp bênh
Em như thuyền thúng lênh đênh giữa dòng.

Anh nói với em như rìu chém xuống đá
Như rựa chém xuống đất
Như mật rót vào tai
Bây giờ anh đã nghe ai
Bỏ em giữa chốn non đoài khổ chưa!

Tròng trành như nón không quai
Như thuyền không lái như ai không chồng.

Chẳng giậm thì thuyền chẳng đi
Giậm thì ván nát thuyền thì long đanh.

Uổng công đắp đập be bờ
Để cho ai khác xách lờ tới đơm.

Con mèo xán bể nồi rang
Con chó chạy lại mà mang lấy đòn.

Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng
Đèn ra trước gió còn chăng hỡi đèn?

Có thể nói làng quê Việt Nam là một bảo tàng sống động về nông-ngư cụ. Tới đây, ta sẽ bị lôi cuốn trước vô số công cụ bởi sự đa dạng, tiện ích và cổ đại. Phải cảm ơn những người dân quê hồn hậu nhờ tình yêu đối với thiên nhiên, con người và các thành quả lao động, đã liên tục sáng tạo, sử dụng và bảo tồn nông-ngư cụ để chúng trường tồn theo năm tháng, và là di sản quý giá minh chứng cho tài năng, trí tuệ của ông cha, nhắc nhở mỗi người con đất Việt nhớ tới quê hương, cội nguồn.

Chu Mạnh Cường

(Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội)

  • Từ khóa