Chủ nhật, 17/11/2024, 18:26[GMT+7]

Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Thái Bình: 60 năm xây dựng và phát triển

Thứ 2, 12/03/2018 | 08:15:27
8,095 lượt xem
Với lợi thế qua phương tiện truyền tải hình ảnh, đưa thông tin đến với khán giả, Trung tâm đã đưa phim vào phục vụ 8/8 đảng bộ huyện, thành phố và các sở, ban, ngành, cơ quan, xí nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông, quân đội, bộ đội biên phòng...

Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Thái Bình tổ chức chiếu phim lưu động.

So với các môn nghệ thuật khác, điện ảnh - nghệ thuật thứ bảy ra đời muộn hơn. Tại Việt Nam, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, với sự ra đời của các binh chủng thông tin, tuyên truyền, điện ảnh cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Ngày 15/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL-CP thành lập doanh nghiệp chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Kể từ ngày này, điện ảnh Việt Nam lấy ngày 15/3 là ngày truyền thống điện ảnh Việt Nam. 

Thực hiện chủ trương phân cấp quản lý hoạt động chiếu bóng cho các tỉnh, thành, ngày 15/3/1958, Cục Điện ảnh bàn giao 7 đội chiếu bóng của Khu Tả ngạn cho Thái Bình, Ty Văn hóa Thông tin Thái Bình là cơ quan nhận bàn giao. Sau lễ bàn giao, Phòng Chiếu bóng thuộc Ty Văn hóa Thông tin Thái Bình được thành lập, ngày 15/3/1958 là ngày thành lập, tiền thân của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Thái Bình ngày nay.

Tháng 10/1960, Quốc doanh Chiếu bóng Thái Bình có 8 đội chiếu bóng lưu động  và 1 đơn vị rạp chiếu bóng Thống Nhất cũng vừa mới thành lập. Với 1 doanh nghiệp công lập do nhà nước quản lý, điện ảnh Thái Bình đã không ngừng phát huy tác dụng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong khi đất nước đang trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, công tác đưa phim phục vụ, cổ vũ phong trào sản xuất nông nghiệp, khơi gợi lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, qua các phim như Chung một dòng sông, Chim vành khuyên, Làng ổi, Vườn cam, Một ngày đầu thu, Vật kỷ niệm của người đã khuất... đã kịp thời phục vụ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh.

Trong khí thế tất cả vì miền Nam ruột thịt, chiếu bóng Thái Bình đã cử cán bộ trực tiếp vào phục vụ và chiến đấu ở các chiến trường. 8 cán bộ chiếu bóng đã anh dũng hy sinh, đó là sự mất mát to lớn của điện ảnh Thái Bình nói riêng, ngành Văn hóa Thông tin Thái Bình nói chung.

Từ 9 đội chiếu bóng lưu động, đến năm 1975, toàn tỉnh có 22 đội, thời điểm phát triển mạnh mẽ và hoàng kim của chiếu bóng cả nước Thái Bình có tới 31 đội chiếu bóng và 7 quốc doanh chiếu bóng huyện. hoạt động không ngừng, góp phần tích cực cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh viết nên “Bài ca năm tấn”. Chiếu bóng cũng như ngọn lửa tiếp sức cho thanh niên Thái Bình hăng hái lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi, đất nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, điện ảnh ngày càng phát triển, chiếu bóng Thái Bình tập trung làm nhiệm vụ tuyên truyền qua các phim truyện có chất lượng, để lại nhiều ấn tượng như Người về đồng cói, Ngày lễ thánh, Đến hẹn lại lên, Vợ chồng anh Lực, Bao giờ cho đến tháng mười... đã đi sâu vào tiềm thức người dân Thái Bình.

Với những thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền và phục vụ nhiệm vụ chính trị, 10 năm sau ngày thống nhất đất nước, chiếu bóng Thái Bình 2 lần vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đội chiếu bóng huyện Tiền Hải là đội chiếu bóng duy nhất của ngành chiếu bóng Thái Bình lúc bấy giờ được tặng Huân chương Lao động hạng Ba trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Xóa bỏ cơ chế bao cấp, chuyển sang thời kỳ đổi mới, chiếu bóng Thái Bình sắp xếp lại tổ chức bộ máy, xóa bỏ các đội, phòng, rạp chiếu bóng thuộc các huyện, chỉ còn lại Công ty Điện ảnh Thái Bình: có 1 phòng hành chính quản trị, 1 rạp chiếu bóng Thống Nhất, 3 đội chiếu bóng lưu động và thành lập thêm phòng băng hình in và phát hành băng đĩa cho các đại lý trong tỉnh.

Thời kỳ đổi mới, chiếu bóng Thái Bình từng bước vượt qua thử thách, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật điện ảnh và phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Ngày 17/5/1996, UBND tỉnh ra Quyết định số 194/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty Điện ảnh và băng hình, đây là sự ghi nhận của các cấp, các ngành và của UBND tỉnh với điện ảnh Thái Bình. Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng bước sang trang mới là đơn vị sự nghiệp có thu và bảo đảm phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân. Đây chính là nhiệm vụ quan trọng quyết định cho sự ổn định của chiếu bóng Thái Bình trong quá trình hội nhập và phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hàng năm, Trung tâm phục vụ hàng trăm buổi chiếu, hơn chục đợt phim, tuần phim, phục vụ hàng trăm nghìn lượt người xem, doanh thu đạt và vượt kế hoạch giao.

Một chương trình ngoại khóa dành cho học sinh trung học phổ thông.

Với sự năng động của đội ngũ cán bộ, nhân viên, Trung tâm đã từng bước đưa phim vào phục vụ trong các trường học, tạo cho học sinh những buổi xem phim là những giờ sinh hoạt ngoại khóa bổ ích, góp phần giúp các em hiểu rõ thêm về ý nghĩa lịch sử, những tấm gương sáng, việc tốt, người tốt, hưởng ứng phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Trung tâm đã kiến nghị Sở trình Tỉnh ủy ban hành Công văn số 92/CV-TU về việc tổ chức chiếu phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các đảng bộ, chi bộ, cơ quan, xí nghiệp..., đây là hướng đi mới của Trung tâm, đã có nhiều đơn vị đến học tập kinh nghiệm.

Với lợi thế qua phương tiện truyền tải hình ảnh, đưa thông tin đến với khán giả, Trung tâm đã đưa phim vào phục vụ 8/8 đảng bộ huyện, thành phố và các sở, ban, ngành, cơ quan, xí nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông, quân đội, bộ đội biên phòng... Đây là những giờ học, sinh hoạt ý nghĩa, ấn tượng, để lại trong người xem nhiều cảm xúc qua các bộ phim như Vượt qua bến Thượng Hải, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Hà Nội mùa đông năm 46, Thầu Chín ở Xiêm... Những hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, đặc biệt là tư liệu quý: Những giây phút cuối đời của Bác đã để lại cho người xem nhiều cảm xúc sâu lắng.

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự bùng nổ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh nhưng Trung tâm vẫn luôn bám sát yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, đồng thời góp phần đáp ứng niềm đam mê nghệ thuật của cán bộ và nhân dân trong tỉnh.

Ngày 22/6/2017, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Thái Bình. Đây là sự quan tâm lớn của tỉnh với điện ảnh - Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/1/2014. Với những thành tích đạt được, Trung tâm đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, Cục Điện ảnh, các sở, ban, ngành của tỉnh... Đó chính là kết quả của tinh thần đoàn kết, yêu nghề, luôn giữ vững trọng trách của người làm văn hóa.

Nguyễn Đức Ánh
(Phó Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Thái Bình)