Chủ nhật, 17/11/2024, 18:21[GMT+7]

Cần xây dựng và hình thành thói quen đọc sách trong giới trẻ hiện nay

Thứ 5, 05/04/2018 | 08:30:46
3,246 lượt xem
Đọc sách từ xa xưa đã là một nét đẹp văn hóa của xã hội. Sách là người thầy, là di huấn của đời trước để lại cho đời sau. Sách không chỉ ghi lại quá khứ, phản ánh hiện tại mà còn là cương lĩnh của tương lai.

Đọc sách vẫn luôn được khẳng định là một nhu cầu thiết yếu với những thế mạnh riêng của chính nó, một cách thưởng thức văn hóa sang trọng và có chiều sâu; là phương cách tốt nhất để làm giàu có vốn liếng ngôn từ của con người. Những thuộc tính đi liền với việc đọc là suy nghĩ, suy ngẫm, tra cứu, tìm tòi, đòi hỏi sự kiên trì và say mê. Khi đọc sách, trực quan sẽ cảm nhận sâu sắc hơn, kiến thức đọng lại sẽ lâu hơn, là cơ sở hữu ích cho việc nâng cao tri thức, hiểu biết của mỗi con người.

Đối với giới trẻ, văn hóa đọc ảnh hưởng sâu đậm tới quá trình nhận biết thế giới và hình thành nhân cách. Nhà xã hội học và thư viện học người Nga N.K.Krupxkaia đã viết: “Vấn đề đọc sách của các em là một vấn đề quan trọng, việc đọc sách của các em đóng một vai trò to lớn trong cuộc sống của các em, thậm chí còn vĩ đại hơn trong cuộc sống của người lớn”. Ngoài chương trình học tập trong nhà trường, việc đọc sách sẽ giúp các em lĩnh hội các giá trị văn hóa, xã hội, giúp các em rèn luyện tư duy đồng thời hình thành và phát triển kỹ năng tiếp nhận thông tin tri thức vô tận, mở rộng thêm hiểu biết, hướng các em tới giá trị chân - thiện - mỹ.

Nhìn lại thực tế ở Việt Nam hiện nay do sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa đọc của thế hệ trẻ từ lứa tuổi nhi đồng đến các em học sinh, sinh viên. Chỉ cần một cú click chuột là có thể tìm được nhanh chóng thông tin mình cần. Các em bị thu hút bởi những hình thức nghe nhìn lôi cuốn hơn là hình thức đọc, đa số học sinh dành thời gian rỗi ngồi bên máy tính, cầm điện thoại nhưng chỉ để tán gẫu, đọc những thông tin giật gân, chuyện của người nổi tiếng...

Đối với học sinh nông thôn, các em hầu như không có sách gì để đọc ngoài sách giáo khoa. Nguyên nhân có thể đến từ những yếu tố như thu nhập gia đình thấp, hệ thống thư viện công cộng và thư viện nhà trường còn thiếu và yếu kém. Còn với những học sinh thành phố, lại có những nguyên nhân khác có phần “nguy cấp” hơn. Các em đang bị quá tải trước sức ép từ việc học tập, thi cử, học chính khóa rồi học ngoại khóa. Trong khi chương trình giáo dục chưa kích thích học sinh tìm kiếm tri thức ngoài sách giáo khoa, xã hội chưa ý thức được tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ em từ 4 - 15 tuổi. Bên cạnh đó, gia đình dù có điều kiện cũng không chú ý đến việc đọc cho con cái, chạy theo giáo dục dập khuôn.

Để thay đổi và hình thành một thói quen đọc sách cho thế hệ trẻ thì sự thay đổi đầu tiên phải ở các cấp quản lý giáo dục và ở các bậc cha mẹ.

Các bậc phụ huynh cần xác định được việc hình thành thói quen đọc sách cho con em mình ngay từ khi còn ở lứa tuổi mầm non. Lứa tuổi mầm non là thời kỳ khởi đầu rất quan trọng đối với sự phát triển của con người. Việc tạo dựng thói quen tốt cho trẻ mầm non (từ 1 - 6 tuổi) là một việc làm quan trọng để từ đó hình thành nhân cách cho trẻ em. Một trong những thói quen có ảnh hưởng sâu sắc đối với sự phát triển tư duy, đạo đức, lối sống,... của trẻ em đó là thói quen đọc sách. Nhiều bậc phụ huynh quan niệm rằng trẻ còn quá nhỏ nên chưa thể nhận thức được những gì từ sách báo. Tuy nhiên, các chuyên gia trên thế giới khuyên rằng nên đọc cho trẻ nghe càng sớm càng tốt và việc này sẽ góp phần rất nhiều vào sự phát triển của trẻ. Người lớn là tấm gương phản chiếu của trẻ em. Muốn trẻ ham mê đọc sách, bản thân bố mẹ phải là người có thói quen đó. Cùng đọc sách với con, giúp con hiểu và thích sách là một nỗ lực của cả gia đình.

Về phía nhà trường cần nhìn nhận đúng vị trí, vai trò, nhiệm vụ và chức năng vô cùng quan trọng của thư viện trường học từ đó quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất và đầu tư về nhân lực làm công tác thư viện trong trường học. Nó là động lực đóng góp vào việc cải tiến giáo dục nhà trường nhằm sử dụng các nguồn tài liệu để hỗ trợ cho việc học tập, giảng dạy trong nhà trường.

Ngoài gia đình và nhà trường việc hình thành thói quen đọc sách cho giới trẻ còn có sự chung tay của hệ thống thư viện công cộng và của toàn xã hội. Hệ thống thư viện công cộng phải được đầu tư, nâng cấp từ trụ sở, trang thiết bị, vốn tài liệu để tạo được môi trường đọc sách thân thiện với trẻ nhỏ; tổ chức nhiều hoạt động thư viện mang tính cộng đồng để lan tỏa việc đọc sách đến xã hội.

Theo một nghiên cứu mới đây trong chương trình sách hóa nông thôn Việt Nam, khi phỏng vấn trên 3.000 người cho thấy: có đến 90% người chưa từng mượn sách ở thư viện nhà trường hoặc nhà. Đáng lo ngại hơn là những người được phỏng vấn chủ yếu là độ tuổi từ 10 - 40. Một thống kê liên quan của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy: tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26% dân số hiện nay, 44% người thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách lên để đọc; những người thường xuyên đọc sách chỉ chiếm tỷ lệ 30%. Bình quân mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách trong một năm. Đương nhiên, con số này thấp hơn rất nhiều các nước trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói thế giới (Pháp, Nhật Bản, Israel trung bình mỗi người dân đọc từ 20 cuốn sách/năm). Các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia số sách người dân đọc trung bình là 14 cuốn/năm, Thái Lan người dân xứ sở chùa vàng dành trung bình 37 phút đọc sách mỗi ngày. 81,8% dân số từ 6 tuổi trở lên thường xuyên đọc sách và nhóm đọc sách nhiều nhất là trẻ em từ 6 - 12 tuổi.


Lê Thị Thanh

(Phó Giám đốc Thư viện tỉnh)