Chủ nhật, 17/11/2024, 16:32[GMT+7]

Giám sát việc quản lý, tổ chức lễ hội và công tác tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị các di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia

Thứ 3, 29/05/2018 | 14:09:47
4,412 lượt xem
Sáng ngày 29/5, Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc quản lý, tổ chức lễ hội và công tác tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị các di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các huyện, thành phố Thái Bình.

Đồng chí Trưởng đoàn phát biểu tại buổi giám sát.

Hiện toàn tỉnh có 3200 thiết chế văn hóa tín ngưỡng có dấu hiệu di tích đã được kiểm kê, trong đó có 653 di tích được xếp hạng các cấp, gồm 115 di tích lịch sử cấp quốc gia (có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt) và 538 di tích cấp tỉnh. 

Trong năm 2016-2017, toàn tỉnh có 155 di tích được tu bổ, phục hồi với tổng kinh phí trên 105 tỷ đồng, năm 2018 ngân sách nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng cho việc tu bổ 50 di tích. Các di tích được tu bổ đều đáp ứng các quy định của pháp luật trong xây dựng, quản lý chuyên ngành về di sản văn hóa, phát huy được các nguồn lực xã hội hóa phục vụ tu bổ, tôn tạo. 

Toàn tỉnh hiện có gần 500 lễ hội, trong đó có 7 lễ hội được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong những năm gần đây, công tác quản lý, tổ chức lễ hội cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước, bảo đảm an ninh trật tự, nhiều lễ hội đã khắc phục nhiều hạn chế, tồn tại về cờ bạc, mê tín dị đoan, lưu hành ấn phẩm trái quy định… Các lễ hội được tổ chức phù hợp truyền thống văn hóa địa phương lành mạnh, tiết kiệm, tiến bộ; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian, gắn kết các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống với quảng bá, giới thiệu mảnh đất, con người Thái Bình. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, tổ chức lễ hội tại các địa phương được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc.

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số vấn đề về số lượng các di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia tại địa bàn các huyện, thành phố; phân cấp quản lý di tích; việc tiếp nhận, quản lý, phân bổ, sử dụng các nguồn lực được cấp và nguồn công đức; các vi phạm trong tôn tạo, tu bổ di tích; khó khăn trong công tác tổ chức lễ hội, nhất là xử lý vi phạm bày bán hàng, mê tín dị đoan; kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền; tình hình xuống cấp của các di tích; vướng mắc về thủ tục; khó khăn liên quan đến đất đai và khiếu nại, tố cáo liên quan đến di tích…

Tại buổi giám sát, Trưởng đoàn giám sát đề nghị các đơn vị, địa phương thống nhất lại tên gọi một số di tích; quan tâm, quản lý việc tu bổ, tôn tạo, xây mới tại các di tích; kịp thời chấn chỉnh các vi phạm liên quan đến đất đai, bày bán hàng quán. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu với tỉnh sớm ban hành quy chế bảo vệ các di tích trên địa bàn tỉnh, có chế độ cho cán bộ bán chuyên trách trông coi di tích; đôn đốc, kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội và công tác tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị các di tích; kịp thời phát hiện vi phạm, đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp với tình hình địa phương, nhất là với các di tích đặc biệt. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo các huyện, thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm trong tổ chức lễ hội, tu bổ, tôn tạo di tích, quán triệt trong quá trình tu bổ, tôn tạo phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật; tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích, lễ hội... Đồng chí Trưởng đoàn giám sát cũng tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, tổng hợp trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.

Thu Hiền