Chủ nhật, 17/11/2024, 16:24[GMT+7]

Một đời vì múa giáo cờ giáo quạt

Thứ 2, 11/06/2018 | 09:37:10
4,736 lượt xem
Dù đã 85 tuổi, sức khỏe yếu song bà Nguyễn Thị Thơi ở thôn Tây Thượng Liệt, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng vẫn còn minh mẫn hiếm có ở người già để không chỉ vui vầy bên con cháu, bà vẫn còn miệt mài cống hiến, góp sức duy trì những điệu múa giáo cờ giáo quạt truyền thống của quê hương.

Múa giáo cờ giáo quạt. Ảnh: Minh Đức

Từ thời xa xưa, làng Giắng, nay là 2 thôn Đông Thượng Liệt và Tây Thượng Liệt, xã Đông Tân đã có múa giáo cờ giáo quạt. Theo lưu truyền do công chúa con vua Trần Duệ Tông là bà Trần Thị Quý Minh sáng tạo ra dựa theo tích “Chiêu Quân cống Hồ”.

 Lệ làng, chỉ có con gái mới được tham gia múa từ khi 7 - 8 tuổi. Bà Thơi đến với múa giáo cờ giáo quạt cũng từ lệ ấy. Còn nhỏ tuổi, chưa hiểu gốc rễ lịch sử và ý nghĩa song những động tác uyển chuyển, mềm mại, sự phối hợp ăn ý, đẹp mắt của cả đội múa cùng âm thanh sôi động trong ngày hội khiến múa giáo cờ giáo quạt cứ tự nhiên đi vào tâm hồn thơ trẻ của bà Thơi, dần trở thành một niềm đam mê thật sự. Để rồi cứ trước ngày hội làng hàng năm, bà cùng với những cô gái trẻ khác tham gia tập luyện chuẩn bị cho biểu diễn. Cứ như thế, năm này sang năm khác, những điệu: đi xứ, đi đôi, múa cửa, sắc ngũ phương… trong 36 điệu múa giáo cờ giáo quạt đã ở trong tâm trí của bà. 

Gắn bó với múa giáo cờ giáo quạt, bà Thơi cùng với nhiều người khác trong làng đã góp phần làm vang danh nghệ thuật múa truyền thống của quê hương. Tiêu biểu là năm 1956, múa giáo cờ giáo quạt đã giành huy chương vàng tại hội diễn trung ương; năm 2009 tại liên hoan tiếng hát dân ca Việt Nam do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, múa giáo cờ giáo quạt được biểu diễn và để lại ấn tượng đẹp trong đông đảo công chúng. 

70 tuổi không tham gia múa, bà Thơi dành tâm huyết, sức lực còn lại của mình vào việc truyền dạy cho thế hệ trẻ trong làng. Nhờ những chỉ bảo của những người cao niên như bà Thơi mà các cô gái làng Giắng vẫn duy trì, phát huy múa giáo cờ giáo quạt mỗi dịp hội làng những ngày đầu xuân năm mới. 

Em Nguyễn Thị Thu Trang, 13 tuổi ở thôn Đông Thượng Liệt được bà Thơi truyền dạy múa từ năm 8 tuổi cho biết: Em rất thích bà Thơi dạy múa vì bà dạy tâm huyết và tình cảm. Được học múa với bà, em càng thêm yêu điệu múa truyền thống và muốn tham gia múa trong những năm tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Thanh Hạ, Trưởng ban Văn hóa xã Đông Tân, múa giáo cờ giáo quạt không hề có tài liệu ghi chép lại, do đó việc tập luyện các điệu múa hoàn toàn do truyền khẩu từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Bà Thơi là người cuối cùng trong lớp người cao tuổi biết múa có thể và thực sự tâm huyết, nhiệt tình, để truyền dạy cho lớp con cháu trong làng, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ nghệ thuật múa truyền thống của quê hương. 

Với những đóng góp không biết mệt mỏi cho múa giáo cờ giáo quạt, năm 2015, bà Thơi vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Riêng người nghệ nhân già chỉ mong ước múa giáo cờ giáo quạt ngày càng được truyền nối. Bây giờ chỉ muốn có được sức khỏe để dạy cho con cháu và mong sao các cấp, các ngành tạo điều kiện về mọi mặt để múa giáo cờ giáo quạt ngày càng được phát huy” - bà Thơi bộc bạch.

Với sự đóng góp của những nghệ nhân như bà Nguyễn Thị Thơi, tình yêu và lửa nhiệt huyết sẽ được truyền tới những người trẻ tuổi của làng Giắng để múa giáo cờ giáo quạt sẽ luôn được lưu giữ tới đời sau.

Tiến Quang

(Đài TTTH Đông Hưng)