Thứ 2, 18/11/2024, 07:45[GMT+7]

Gặp ở Thái Bình

Thứ 6, 07/10/2011 | 08:16:11
3,124 lượt xem
Nhà văn đối mặt với tác phẩm, một mình một đèn, một trang giấy để sáng tạo ra sản phẩm. Đó là sự lao động cực nhọc, vất vả nhưng đầy vinh quang. Các nhà văn Thái Bình đã viết nhiều tác phẩm xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc trong tỉnh cũng như bạn đọc cả nước.

Ảnh: Thành Tâm

Bị ảnh hưởng của liên tiếp hai cơn bão số 4 và 5, nên trời cứ mưa triền miên. Sáng mồng ba, tháng mười, trời quang, mây tạnh và nắng bừng lên, xua đi cái cảm giác lạnh lẽo của thời khắc giao thoa – hai mùa nắng – mưa. Trong căn phòng họp của Tỉnh ủy, buổi sáng ấy đã có khá đông đại biểu có mặt. Họ đến từ nhiều nơi, có người từ rất xa.

Trong số khách lạ, tôi vẫn nhận ra những gương mặt rất quen: Nhà thơ Hữu Thỉnh, với những trường ca nổi tiếng thời đạn bom, khói lửa, nay là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật; nhà thơ Nguyễn Hoa; nhà văn Đình Kính, tôi đã gặp ở các hội nghị TTV-CTV của Báo Quân đội – Anh độc quyền mảng đề tài người lính hải quân. Anh đang cùng nhà văn Minh Chuyên cho trình chiếu phim tài liệu về Đoàn tàu không số. Rất nhiều gương mặt nhà thơ, nhà văn của Thái Bình, đó là Đức Hậu, Võ Bá Cường, Trần Chính, Phan Đức Chính; nhà phê bình lý luận Nguyễn Dương Côn. Đáng tiếc thiếu vắng nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, Trần Văn Thước và Nguyễn Bích Lam. Các nhà văn Trung ương, bạn văn các tỉnh trong khu vực đồng bằng Bắc bộ và nhiều tỉnh vùng cao... về dự lễ ra mắt Chi hội Nhà văn Thái Bình.

Nhà thơ – nhà viết văn Võ Bá Cường, không mặc complê, ca-ra-vát; ông mặc bộ đồ rất sang trọng, rất truyền thống và thật hợp với cái tạng của nhà văn họ Võ. Trên vai trò người dẫn chương trình, giới thiệu sự hiện diện của các quan khách và bạn văn... vẫn khẩu khí tếu táo mà trân trọng, có lúc còn đi “lệch” chương trình, vậy mà lại tạo ra được không khí vui vẻ, cởi mở. Bài giới thiệu có vẻ như hơi dài, nhưng người nghe vẫn cảm thấy thòm thèm. Người đến dự và người không đến được với cuộc gặp gỡ cũng được nhà văn Võ Bá Cường trân trọng. Ông đã gần như khái quát toàn bộ cuộc đời, tên tuổi, sự nghiệp văn chương của các nhà văn, nhà thơ Thái Bình... trong chưa đầy dăm trang giấy.

Theo thông lệ của một buổi lễ, phải có danh chính, ngôn thuận; nhà thơ Nguyễn Hoa, Trưởng ban Công tác hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, công bố các quyết định thành lập Chi hội Nhà văn Thái Bình, công nhận danh sách lãnh đạo chi hội, do nhà văn Đức Hậu làm chi hội trưởng, nhà thơ Võ Bá Cường, chi hội phó. Anh Đàm Văn Vượng, Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – Hữu Thỉnh, xiết chặt tay nhà văn Đức Hậu và tặng hoa chúc mừng.

Với vóc dáng to cao và nước da sạm đen, nhà văn Đức Hậu xúc động tri ân Hội Nhà văn Việt Nam, Tỉnh ủy – UBND tỉnh, bạn văn trong khu vực và cả nước, một báo cáo về quá trình thành lập Chi hội Nhà văn Thái Bình. Ông điểm lại chặng đường đi lên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Hai nhà văn giữ trọng trách Chủ tịch suốt 37 năm trời. Đầu tiên là nhà văn Bút Ngữ, hội viên Hội Nhà văn từ năm 1979, tiếp đó là Đức Hậu, hội viên từ năm 1985.

Đến nay, nếu các nhà văn đã rời xa Thái Bình thì đã có 13 người được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, trên 100 hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật và hội viên các chuyên ngành ở Trung ương. Việc thành lập Chi hội Nhà văn Thái Bình hôm nay là chi hội thứ 7 các tỉnh phía Bắc. Số lượng của Thái Bình được xếp thứ 3. Đó là Đức Hậu, Bút Ngữ, Võ Bá Cường, Lê Bính, Trần Chính, Dương Côn, Trần Văn Thước, Đỗ Trọng Khơi, Phan Đức Chính, Trọng Khánh và Bích Lam.

Trong bài phát biểu chào mừng việc thành lập Chi hội Nhà văn Thái Bình, Trưởng ban Tuyên giáo Đàm Văn Vượng, tự hào khi nhắc đến các cây đại thụ, danh nhân văn hóa tiêu biểu của Thái Bình, ông cũng không thể không nhắc đến những tên tuổi lớn như: Chu Văn, với “Bão biển”, “Sao đổi ngôi”...; Vũ Bão với “Thời gian không đợi”, “Em đường em, anh đường anh”; Bút Ngữ với “Chuyện ở xóm chài”, “Cụ bảng Đôn”; Đức Hậu với “Bông cúc biển”, “Người đàn bà ám ảnh”; Võ Bá Cường với “Biệt danh người giữ cửa những số phận”; Minh Chuyên, Nguyễn Dương Côn, Đỗ Trọng Khơi, Trần Văn Thước, Nguyễn Bích Lam... với những tác phẩm đã sống trong lòng bạn đọc của quê hương, đất nước. Góp phần cổ vũ, động viên các phong trào thi đua, lao động, sản xuất, chiến đấu... làm hun đúc thêm ý chí, nghị lực của người Thái Bình với “Quân dân một lòng tiêu diệt địch”, “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, làm nên “Bài ca 5 tấn”.

Trưởng ban Tuyên giáo cũng đặt niềm tin vào vai trò của văn nghệ sĩ, ông khuyến cáo các nhà văn, nhà thơ đi vào cuộc sống, khi Thái Bình đang bắt tay xây dựng nông thôn mới, như ông nói: “Đây chính là nguồn cảm hứng, đề tài vô tận để các nhà văn tìm tòi, sáng tạo. Đặt trên vai các nhà văn trách nhiệm, sứ mệnh cao cả là sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật cao; những hình tượng nghệ thuật có sức lay động lòng người về công cuộc đổi mới, về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân chủ nhân văn, góp phần bồi đắp tâm hồn, tình cảm, bản lĩnh các thế hệ con người Thái Bình”.

Người đứng đầu công tác tư tưởng, tuyên giáo của tỉnh khẳng định: Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà văn trong tỉnh được tìm hiểu, nắm bắt các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế – xã hội; tạo điều kiện, khuyến khích các nhà văn thâm nhập thực tiễn, sống cùng cuộc sống lao động sáng tạo của nhân dân; tôn trọng tự do sáng tạo của các nhà văn; cổ vũ, động viên và tôn vinh các nhà văn có những tác phẩm có giá trị cao.

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhân từ Phú Thọ về; nhà thơ Trần Nhật Minh, Thi Hoàng; nhà văn Đình Kính... có người tâm sự, có người vì lý do thời gian không có dịp để giãi bày tình cảm... Nhưng, sự hiện diện của các nhà văn, nhà thơ tỉnh bạn, làm cho không khí cuộc gặp mặt như ấm cúng hơn; không có biên giới, không có khoảng cách... Nhà thơ Võ Bá Cường, với thái độ khiêm nhường và tấm lòng trân trọng đã mời “lão gia” Nguyễn Tiến Đoàn phát biểu. Ở tuổi bát tuần, ông vẫn khá minh mẫn và giàu trí tuệ. Ông điểm lại những tác giả, tác phẩm mà ông yêu quý, ngưỡng mộ, lưu giữ trong tâm trí mình.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, mở đầu ý kiến phát biểu bằng một ví von rất hình ảnh: Đây là hình ảnh nhỏ của Hội Nhà văn Việt Nam. Không phải cuộc ra mắt nào cũng có đến 4 ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam về dự. Ông nói thật lòng rằng: Về Thái Bình, như về quê, cảm giác thật ấm cúng. 10 năm tham gia Quốc hội, ông có nhiều dịp để gặp gỡ, làm việc với các đại biểu Thái Bình. Ông chúc các nhà văn, nhà thơ Thái Bình “chân cứng, đá mềm” có nhiều tác phẩm hay hơn nữa. Ông chỉ tiếc, tại cuộc ra mắt này, nếu hoàn hảo hơn có một cuộc công bố quyết định kết nạp hội viên mới vào Hội Nhà văn Việt Nam. Vì tiềm năng của Thái Bình còn nhiều, ví như cụ Nguyễn Tiến Đoàn, dịch giả Vũ Công Hoan và nhiều tên tuổi khác được công chúng cả nước biết đến.

Ông nhất trí cao với tâm sự của các nhà văn rằng: công việc lao động của các nhà văn, khác với các lao động khác. Nhà văn đối mặt với tác phẩm, một mình một đèn, một trang giấy để sáng tạo ra sản phẩm. Đó là sự lao động cực nhọc, vất vả nhưng đầy vinh quang. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trân trọng nhà văn bao nhiêu, gửi gắm niềm tin vào nhà văn bấy nhiêu. Phải viết nhiều tác phẩm xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc Thái Bình, bạn đọc cả nước. Cuối cùng, nhà thơ Hữu Thỉnh bộc bạch suy nghĩ của mình rằng: Thái Bình vừa là hiện tại, vừa là tương lai; vừa mơ lại vừa thực.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa