Chủ nhật, 17/11/2024, 14:53[GMT+7]

10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW

Thứ 2, 13/08/2018 | 08:15:15
3,287 lượt xem
Mười năm qua, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 25-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh đã triển khai, quán triệt, tuyên truyền, tổ chức sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Ảnh minh họa.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về lĩnh vực văn hóa, VHNT; chú trọng đầu tư nguồn lực cho phát triển văn hóa, VHNT; tạo điều kiện để VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy năng lực, sở trường của mình trong sáng tạo nghệ thuật. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được đẩy mạnh, ngày càng có nhiều tổ chức xã hội và cá nhân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật.

Hoạt động VHNT của tỉnh bảo đảm tính định hướng về tư tưởng chính trị, có nhiều tìm tòi, sáng tạo, phát huy giá trị truyền thống văn hóa, văn hiến của quê hương, góp phần tích cực vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. 

Đội ngũ văn nghệ sĩ phát triển khá toàn diện, tâm huyết với nghề, say mê sáng tạo nghệ thuật. Các tác phẩm VHNT được sáng tác đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, đổi mới trong phong cách, chất liệu, đã phản ánh hiện thực sinh động, sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, toàn tỉnh đã có gần 300 tác phẩm văn học được xuất bản, hàng trăm tác phẩm âm nhạc, vở diễn nghệ thuật, hàng nghìn tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật... được sáng tác, trưng bày, triển lãm và đến với quần chúng nhân dân. Nhiều tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, dịch thuật của các nhà nghiên cứu, dịch giả trong tỉnh được công chúng và giới chuyên môn đánh giá cao. Lĩnh vực sân khấu, nghệ thuật biểu diễn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại; cùng với việc dàn dựng, phục hồi, nâng cao các vở diễn, đã có sự đầu tư các vở diễn mới, thể hiện đa dạng các khía cạnh của cuộc sống. Hoạt động sáng tác nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc, PTTH có những tìm tòi, đổi mới phương pháp, chất liệu; tập trung chủ yếu vào các chủ đề về vùng đất, con người Thái Bình, về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới, gương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Nhiều tác phẩm VHNT của các văn nghệ sĩ trong tỉnh đạt giải trong các cuộc thi, liên hoan, triển lãm trong nước và trưng bày quốc tế đã tạo được dư luận tốt trong xã hội, góp phần phục vụ các nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân.

Với vai trò tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tuyên truyền, vận động hội viên sáng tác các tác phẩm VHNT phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, hội viên luôn được Hội quan tâm, chú trọng. 

Trong 10 năm, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức, tham gia gần 30 cuộc hội thảo; tham gia các cuộc triển lãm, liên hoan mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các trại sáng tác của trung ương và mỗi năm tổ chức từ 8 - 10 chuyến đi thực tế, sáng tác cho hội viên các chuyên ngành. Đẩy mạnh tuyên truyền, động viên hội viên tham gia sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tham mưu UBND tỉnh trao tặng giải thưởng VHNT mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn cho các tác phẩm tiêu biểu giai đoạn 2002 - 2012. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương triển khai, thực hiện việc phát hiện, bồi dưỡng và chăm sóc tài năng trẻ và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của quê hương, đất nước.

Công tác giáo dục thẩm mỹ cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật được chú trọng. Trong 10 năm, Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật tỉnh đã đào tạo gần 1.000 học sinh, sinh viên chuyên ngành nghệ thuật chèo và nhạc cụ truyền thống; đào tạo, bồi dưỡng gần 3.000 cán bộ văn hóa và các hạt nhân văn nghệ cơ sở. Bên cạnh đó, các hoạt động văn nghệ quần chúng được tổ chức thường xuyên đã có tác dụng khai thác và phát huy thế mạnh văn hóa của từng địa phương, cơ sở; động viên quần chúng sáng tạo, truyền bá các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, đó là: việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết ở một số nơi chưa cụ thể, chưa sát với tình hình của ngành, địa phương. Có rất ít tác phẩm VHNT đạt giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, phản ánh sâu sắc, toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển của tỉnh. Hoạt động về lý luận, phê bình VHNT còn yếu, chưa theo kịp thực tiễn sáng tác. Thiếu vắng các cây viết trẻ về văn học, văn nghệ dân gian, các tài năng trẻ trong lĩnh vực hội họa, sáng tác nhạc... Hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết, trong thời gian tới rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh trong việc tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, nhân dân và đội ngũ văn nghệ sĩ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về VHNT nói chung, những mục tiêu, quan điểm, chủ trương và giải pháp được xác định trong Nghị quyết nói riêng; phát huy vai trò, sứ mệnh cao quý của VHNT và của đội ngũ văn nghệ sĩ trong việc khơi dậy, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê  hương Thái Bình, tạo động lực, sức mạnh phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động VHNT; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Đẩy mạnh các hoạt động sáng tác, biểu diễn, triển lãm, phổ biến tác phẩm, nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT. Tiếp tục động viên các văn nghệ sĩ sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng phát huy vai trò của VHNT trong đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái trong VHNT; đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; xây dựng Hội thực sự là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh. Xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ thật sự có trình độ, năng lực, say mê, tâm huyết với nghề nghiệp, luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị và thực tiễn cuộc sống để sáng tạo những tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh sâu sắc hiện thực cuộc sống, con người Thái Bình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Quan tâm đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ và công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển tài năng. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động VHNT. Khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo nghệ thuật, bảo tồn, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của quê hương.

Nguyễn Thị Thu Hằng

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)