Chủ nhật, 17/11/2024, 13:26[GMT+7]

Lễ hội - những giá trị văn hóa đặc sắc

Thứ 2, 27/08/2018 | 08:44:17
5,184 lượt xem
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Thái Bình có hơn 800 làng. Hầu hết các làng đều có hội theo tâm thức “thánh làng nào làng ấy thờ”, có làng một năm có ba bốn kỳ hội với sự lệ khác nhau. Đến thời điểm hiện nay, theo thống kê Thái Bình có hơn 500 lễ hội, trong đó lễ hội truyền thống 450, lễ hội tôn giáo 58, lễ hội lịch sử cách mạng 3 và các lễ hội ngành nghề khác.

Lễ rước nước tại lễ hội đền Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà). Ảnh: Minh Đức

Trong các lễ hội đó, một số hội làng chỉ thuần túy lễ bái còn lại gần 200 làng mở hội trở lên có ngày khai hội, chính hội, dã hội, có những trò đua tài giải trí thu hút cả người ngoài làng gần xa đến tham gia. 

Theo niên lịch hội thống kê được thì suốt 12 tháng trong năm ở Thái Bình trước đây không tháng nào không có hội với các loại hội đền, hội chùa, hội gần xa, đi chơi hội, lễ thánh, lễ Phật,... Nhưng về cơ bản, lễ hội ở Thái Bình phản ánh theo bốn xu hướng sau:

Thứ nhất, lễ hội truyền thống Thái Bình tái hiện một nền nông nghiệp gắn với văn minh lúa nước, thể hiện truyền thống dựng nước và giữ nước, uống nước nhớ nguồn của dân tộc, tri ân những người có công với xóm làng, quê hương, đất nước. Đây là mảnh đất của lễ hội nông nghiệp, của các nghề trồng dâu, nuôi tằm, đánh cá, làm muối và của các nghề thủ công truyền thống đặc sắc. 

Trong các xu hướng thì lễ hội gắn với nông nghiệp được coi là chủ yếu, thể hiện nhiều hình thức, tập tục khác nhau như: thờ lúa gạo (Tiền Hải); hội đền Sáo Đền (Vũ Thư) có các trò thi bắt vịt, thi nấu cơm, thi bắt chạch; đền Đồng Xâm (Kiến Xương) có rước nước, cầu mưa; trò thi làm cỗ chay ở Hội Lạng (Vũ Thư); trò thi nấu cơm, thi bơi trải ở hội chùa Keo (Vũ Thư), thi dệt chiếu ở làng Hải Triều (Hưng Hà),…

Thứ hai, cùng chung với đặc điểm lễ hội vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ, lễ hội truyền thống ở Thái Bình được phân bố với mật độ cao vào những tháng nông nhàn theo chu trình sản xuất của hai vụ lúa chiêm, mùa với tâm thức “tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Riêng những hội làng lớn duy trì nhiều lễ thức cổ xưa lại tập trung nhiều vào tháng tư và tháng chín. Lễ hội truyền thống Thái Bình gắn với không gian là đình, đền, chùa, miếu cụ thể. 

Hiện nay, Thái Bình có khoảng 1.400 đình, đền, chùa, miếu, phủ, điện gắn với các lễ hội cụ thể. Hơn thế, nhiều công trình đang được xây dựng đáp ứng việc phục dựng các lễ hội. Trong đó có những đình, đền, chùa, miếu, phủ, điện là những công trình kiến trúc độc đáo: chùa Keo, miếu Hai Thôn (Vũ Thư); chùa Cổ Tuyết, miếu Hoàng Bà,  đình Đá (Quỳnh Phụ); chùa Bơn (Đông Hưng),…

Thứ ba, lễ hội truyền thống Thái Bình còn lưu giữ được các tục thi, diễn xướng thần tích, điệu múa dân gian mang những nét văn hóa đặc sắc. Đến nay, lễ hội ở Thái Bình có tới gần 20 điệu múa dân gian còn được duy trì như: múa ếch vồ, trải cạn ở lễ hội chùa Keo, xã Duy Nhất; múa giáo cờ, giáo quạt ở lễ hội làng Thượng Liệt (Đông Hưng); múa kéo chữ ở một số xã huyện Quỳnh Phụ; múa bát dật, múa bệt (Quỳnh Phụ); múa ông Đùng, bà Đà (Thái Thụy),... 

Nhiều lễ hội truyền thống thường có diễn xướng miêu tả một đoạn trong thần tích, đó là tục hèm của thần hay một đoạn sáng nhất, hay nhất trong đời người anh hùng hoặc vị thánh. Tục bơi trải và diễn trận ở hội đền Tiên La (Hưng Hà) diễn lại cảnh truy kích quân giặc trên sông, diễn trận là diễn lại cảnh nghĩa quân chiến đấu bảo vệ căn cứ gò Kim Quy. Ở Hội Lơ, làng Cọi (Vũ Thư), dùng trải làm náo động một đoạn sông với dụng ý tạo khí thế trận tượng trưng cho quân Thục An Dương Vương đánh thắng Triệu Đà. Múa bà Chàng ở hội chùa Keo (Vũ Thư) khi rước kiệu Thánh diễn tả lại một đoạn cuộc đời Thánh Không Lộ,…

Thứ tư, Thái Bình là một trong những nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, nơi sản sinh ra nhiều bậc anh tài và những người có công. Lễ hội truyền thống Thái Bình còn gắn liền với các nhân vật lịch sử có công với làng xóm, quê hương, đất nước. Đó là những anh hùng chống giặc ngoại xâm, những tổ nghề truyền nghề cho nhân dân, những vị nhân thần chữa bệnh cứu người hay là góp công xây dựng xóm làng,… với các lễ hội như: đền Tiên La (Hưng Hà), đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ), đền Đồng Xâm (Kiến Xương), đền Sáo Đền (Vũ Thư),… Bên cạnh đó, họ cũng có thể là những người đã dừng chân lại nơi đây nhưng tấm lòng tôn kính của người dân vẫn luôn tưởng nhớ về họ như: Bát Nạn tướng quân, Lý Nam Đế, Trần Hưng Đạo, quốc sư Không Lộ… 

Lễ hội truyền thống Thái Bình chứa đựng trong đó nội dung giáo dục cho mọi thành viên của cộng đồng những đức tính tốt đẹp. Từ đó, tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước thương nòi, tình yêu thương xóm làng được thường xuyên vun trồng, khơi gợi, nhắc nhở với người đời sau những công lao của các vị tiền nhân đi trước đối với nhân dân, quê hương và đất nước.

Du thuyền hát giao duyên tại lễ hội chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư). Ảnh: Ngọc Linh

Lễ hội được coi là một trong những giá trị văn hóa đặc sắc mà ở đó thể hiện rất rõ bản sắc dân tộc, tinh thần cộng đồng. Với những giá trị văn hóa dân gian truyền thống vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay, có thể khẳng định lễ hội ở Thái Bình còn mang tính giáo dục cao về ý thức tập thể, về tình đoàn kết của nhân dân qua các thế hệ, góp phần giáo dục thế hệ trẻ đối với việc kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa của quê hương đất nước. 

Ngày nay, nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục làm cho đời sống tinh thần của người dân thêm phong phú, sinh động hơn. Du khách cũng thường tìm đến các lễ hội để được tham gia và tìm hiểu qua sự cảm nhận của chính bản thân mình. Ở đó hòa quyện được các giá trị văn hóa tinh thần trong một không gian kiến trúc của quá khứ với không khí vui tươi, hạnh phúc của cuộc sống hiện tại.

Những năm gần đây, do kinh tế phát triển nên nhu cầu đời sống văn hóa ở cơ sở được nâng cao, các lễ hội truyền thống được phục hồi góp phần phát huy di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Các cấp ủy, chính quyền của các địa phương, đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý và gìn giữ hoạt động lễ hội truyền thống theo đúng quy định của nhà nước và phát huy vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo của nhân dân, làm phong phú thêm các giá trị văn hóa - tín ngưỡng truyền thống của các cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quảng bá du lịch và hình ảnh của Thái Bình. 

Hầu hết các lễ hội đều do cấp huyện, xã quản lý và tổ chức; công tác tổ chức và quản lý đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các địa phương tổ chức lễ hội dựa vào nội lực là chính, phần lớn kinh phí tổ chức lễ hội đều do nhân dân và du khách thập phương tự nguyện đóng góp và tiến cúng, trong nhiều lễ hội số tiền lên đến hàng tỷ đồng đã được sử dụng có hiệu quả vào việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn các phong tục tập quán ở địa phương. Nhìn chung, các lễ hội diễn ra trong không khí vui tươi, lành mạnh, an ninh trật tự được bảo đảm, giảm thiểu tối đa các hiện tượng mê tín dị đoan…

Lễ hội truyền thống ở tỉnh Thái Bình là dịp để các thành viên cộng đồng gần lại với nhau trong niềm tự hào chính đáng về quê hương, làng xóm và bản thân. Trong những ngày hội, người ta chơi hết mình, vui hết mình quên cả giàu nghèo, sang hèn với cả sự độ lượng bao dung, tình đồng bào ấm áp. Trong quá khứ cũng như hiện tại, lễ hội bao giờ cũng là nhu cầu cộng cảm của mọi người dân để rồi kết thúc lễ hội mọi người lại hăng say sản xuất, chiến đấu với niềm vui tràn ngập nhận được từ ngày hội - đó là sức bật mới cho những ngày tiếp theo.

Vũ Thị Ngọc Hoa

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)