Thứ 2, 18/11/2024, 07:45[GMT+7]

Âm thanh cũng là chuyện bận tâm

Thứ 3, 22/11/2011 | 14:17:28
2,562 lượt xem
Tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng là hai khái niệm rất rõ ràng trong chính sách của Nhà nước ta. Cầu cúng thuộc chuyện riêng từng người từng nhà. Đã là chuyện riêng tư thiết nghĩ đừng nên khuyếch đại âm thanh ảnh hưởng đến cộng đồng, đến hàng xóm láng giềng.

Cần tránh những việc lợi dụng mê tín dị đoan trong các hoạt động tín ngưỡng. Minh Đức

Đã có một thời chẳng riêng chốn phố thị mà ngay cả những xóm thôn hẻo lánh cứ thấy sôi động dòng nhạc rất “bốc lửa”. Người gọi “nhạc trẻ”, kẻ lại bảo “nhạc đường phố”. Cũng ai đó tỏ ra từng trải liền buông một câu ngắn gọn: “nhạc tập góp”! Dân thường nên chẳng biết thế nào mà lần nhưng với định nghĩa “nhạc tập góp” có vẻ đủ lý hơn cả. Lời ca dĩ nhiên nghe chẳng hiểu tí gì còn như xuất xứ từ quốc gia nào ở châu Á, châu Âu  hay tít tận châu Mỹ xa xôi có lẽ ít người không biết. Ca sĩ thì lấy gân lấy cốt để gào để hét cộng thêm công đoạn phối khí quá ư phóng túng của bộ gõ thành ra dù muốn hay không đôi tai của đồng bào cũng cứ phải căng ra... “chịu đựng”.

Nghe nói nhiều quốc gia văn minh họ không “xài” loại này vì nó không thuộc dòng nhạc bác học. Riêng xứ ta người mê tín nó nhìn trước ngó sau toàn là lớp loại choai vô công rồi nghề. Loa liên tục vận hết cỡ cứ ngỡ họ sành nhạc lắm nào ngờ sắc xuất 100 người mê dạng nhạc này có tới 99,9% không hề biết đồ, rê, mi là gì. Thưởng thức nhạc đến độ phung phí âm thanh cốt sao cho khoái lỗ tai, những người đam mê đâu biết rằng họ chuốc khổ cho cả cộng đồng. Suốt ngày dằn dật, xập xình nghe đinh tai nhức óc khiến người ốm, người già, đàn bà, trẻ nhỏ như sống trong đày ải không mấy khi yên thân. Rất may “thời hoàng  kim” của loại nhạc vỉa hè này đã mờ dần. Mừng vì thứ âm thanh xướng ca nặng ồn ào nhẹ văn hóa không còn tác oai, không khí cộng đồng trở lại trạng thái “báo yên”. Nhưng buồn thay, gần đây một loại âm thanh mới đã lại hình thành đang trên đà “phủ sóng tự do” chắc chắn không bỏ sót nơi nào. Chuyện là thế này:

Lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước, nhiều người đang đua nhau phục hồi cúng bái dưới mọi hình thức. Động thổ, tân gia, khai trương, tạ mộ, trừ tà, cầu mát... lúc đầu còn kín đáo dè dặt, mấy năm gần đây coi như đã “phổ cập” nhất là tại thành phố, thị trấn, thị tứ... Nhiều doanh nhân dư dật tiền bạc, nhiều dòng tộc đông con đông cháu thành đạt còn mời được cả những nhà ngoại cảm, những thầy có tiếng “cao tay” từ phương xa về lập đàn cúng lễ.

Dân  gian thường nói “Bụt chùa nhà không thiêng”, thật cấm có sai. “Thầy ngoại” xuất hiện cứ gọi thiêng từ ngõ thiêng vào. Từ xe hơi bước xuống, trên tay thầy  nào cũng nặng trĩu chiếc ca táp rất to, rất thời trang. Ca táp đặt trên chiếu rồi tanh tách bật mở. Thì ra bên trong toàn những “đồ nghề chuyên dụng”: Mõ, dùi, thanh la, văn khấn áo mũ... Đi xem ở đám nọ về, bọn trẻ con túm lấy nhau khoe rối rít:
- Ông thầy đội mũ mặc áo cứ như Đường Tăng trong “Tây Du ký” đẹp thật!...

Lời thỉnh khẩn, giọng hô hồn, tiếng quát tà đuổi ma được các thầy trình diễn hết sức bài bản kết hợp trống, mõ, thanh la... tạo thành chúng loại âm thanh huyền bí, làm lạnh phát ra từ phía phong tỏa suốt từ tinh mơ tới tối bẫm. Không ít đám ê a, chập cheng đầy mấy ngày liền. Lại có vị chủ nhà cao hứng dùng loa điện hỗ trợ khuyếch đại âm thanh một cách quá ư tự nhiên. Lời thỉnh cầu có thấu tới chốn tối linh hay không? Chưa thấy ai đứng ra cam đoan nhưng “loạn màng nhĩ” bà con xóm phố đã là chuyện nhãn tiền.

Trong thời đại khoa học hiện nay Tri thức luôn nảy nở qua tư duy yên tĩnh. Các cháu học trò khi ở trường đã phải đánh vật với đống lớn đống bé sách giáo khoa đến lúc tự nghiên cứu tại nhà lại phân tâm bởi âm thanh cúng bái oang oang quả là khổ đơn tiếp luôn sang khổ kép.

Tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng là hai khái niệm rất rõ ràng trong chính sách của Nhà nước ta. Cầu cúng thuộc chuyện riêng từng người từng nhà. Đã là chuyện riêng tư thiết nghĩ đừng nên khuyếch đại âm thanh ảnh hưởng đến cộng đồng, đến hàng xóm láng giềng.

Hương khói, cúng lễ là chuyện nhạy cảm, tế nhị ít gây tranh chấp đôi co nhưng cũng không loại  trừ dẫn đến phật ý mất lòng. Nên chăng chính quyền cùng các cơ quan văn hóa, đoàn thể cần thường xuyên sâu sát đề ra được những định ước quy chế cụ thể. Chẳng hạn, lễ bái tại gia đình không được lợi dụng hình thức mê tín dị đoan, không được kéo dài ngày nọ sang ngày kia đặc biệt là được sử dụng loa đài phát tán âm thanh ra xung quanh...

Chúng  ta đang  dấy lên phong trào xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa. Tự tạo ra những âm thanh không cần thiết thậm chí ồn ào làm ảnh hưởng nhịp sống bình thường của cộng đồng rõ ràng là động thái không văn hóa, rất nên bảo nhau hạn chế càng khẩn trương càng tốt!

Hoàng Ngọc Khuyến

(Khu 3 Thị trấn Diêm Điền - Thái Thụy)

 

  • Từ khóa