Chủ nhật, 17/11/2024, 09:50[GMT+7]

Thêm hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ 7, 29/12/2018 | 10:11:39
3,375 lượt xem
Năm 2018, Thái Bình có thêm hai di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là nghệ thuật múa rối nước ở xã Nguyên Xá, xã Đông Các và lễ hội làng Thượng Liệt, xã Đông Tân (Đông Hưng). Đây là các di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian và tập quán xã hội tín ngưỡng, lễ hội truyền thống.

Thủy đình của phường rối xã Đông Các (Đông Hưng).

Múa rối nước ở phường rối xã Nguyên Xá và Đông Các là loại hình nghệ thuật sân khấu tổng hợp đòi hỏi tính tập thể, sự sáng tạo, khéo léo, tài hoa của nhiều nghệ nhân. 

Ông Nguyễn Đình Bẩy, Trưởng phường múa rối nước xã Nguyên Xá chia sẻ: Để thể hiện một tiết mục múa rối, các nghệ nhân phải kết hợp nhiều yếu tố như: mặt nước làm sân khấu, buồng trò, quân rối, máy điều khiển quân rối, nghệ nhân, trò và tích trò, văn học, âm nhạc… Thông qua các tích trò trong múa rối, đời sống sinh hoạt, phong tục, tập quán của cư dân vùng lúa nước được phản ánh một cách sinh động, rõ nét nhất.

Sở hữu những nét đặc trưng riêng, phường múa rối nước ở xã Nguyên Xá và Đông Các có hai quân rối Tễu đẹp nhất của sân khấu múa rối nước Việt Nam. Ở phường rối nước xã Đông Các, chú Tễu cao 700cm, béo tròn, phốp pháp, mình trần vận khố, áo treo trễ tràng, cổ đeo khánh bạc, tóc để trái đào, da dẻ hồng hào, miệng cười tươi. 

Còn phường rối nước xã Nguyên Xá lại có chú Tễu cao trên 900cm, phong thái trẻ trung, nghiêm trang, trên mình đóng chiếc khố điều. Nếu như ở phường rối nước xã Đông Các, nghệ nhân dùng máy sào và que tay để điều khiển con rối thì ở Nguyên Xá dùng cả máy sào và máy dây. Về lời giáo, phường múa rối nước Nguyên Xá dùng một dàn hát lồng tiếng, hát làm nền hoặc thoại nhân vật, thuyết minh nội dung trò. Còn phường rối Đông Các dùng băng thu sẵn lời hát, bài giới thiệu biểu diễn cùng quân rối. Cùng với các tích trò cổ, nhiều thành viên của các phường rối còn biên soạn và viết một số tích trò mới như: chọi trâu, thị Màu lên chùa... Đặc biệt, ở phường rối xã Đông Các, các nghệ nhân còn sáng tạo khi sử dụng lời giới thiệu bằng tiếng Anh.

Do một vở diễn dài khoảng 30 - 60 phút nên người theo nghiệp rối nước phải có sức khỏe, khả năng chịu lạnh, chịu rét cao. Hiện nay, ở các phường rối, độ tuổi tham gia rất đa dạng từ 26 - 80 tuổi, trong đó phần nhiều là nghệ nhân trung, cao tuổi, ít có thế hệ trẻ.

Cùng với múa rối nước, lễ hội làng Thượng Liệt là di sản văn hóa phi vật thể thứ 9 trên địa bàn tỉnh được công nhận. Đây là lễ hội thuộc loại hình tập quán xã hội tín ngưỡng và lễ hội truyền thống với nhiều nét văn hóa độc đáo như: lễ rước ông Thầy, bà Thợ và điệu múa giáo cờ, giáo quạt. Hàng năm, lễ hội được tổ chức từ ngày mùng 10 - 12 tháng Giêng nhằm tưởng nhớ công ơn của công chúa Trần Thị Quý Minh - người có công triệu tập cư dân, khai phá vùng đất hoang hóa.

Điệu múa giáo cờ, giáo quạt tại lễ hội làng Thượng Liệt.

Trước kia, sau khi Ban bảo trợ của Đình chọn được ông Thầy, Hội Tín đồ Phật giáo lựa chọn bà Thợ sẽ tổ chức lễ rước nhưng hiện nay chỉ tổ chức rước bà Thợ mà không rước ông Thầy. Những ông Thầy, bà Thợ được lựa chọn là những người không có đại tang trong năm, gia đình sống mẫu mực, hạnh phúc, con cháu đều huề và phải có trách nhiệm lo việc đình. Sau khi đã chọn được ông Thầy, bà Thợ tiến hành chọn đội múa giáo cờ giáo quạt. Người tham gia đội múa (cô lèn) phải là gái đồng trinh, gia đình không có tang. Các cô lèn sẽ được bà Thợ truyền dạy lại những điệu múa truyền thống của làng. Lễ rước bà Thợ được tổ chức long trọng. Ý nghĩa của lễ rước bà Thợ là ca ngợi lòng đạo hiếu, răn dạy con cháu phải sống có hiếu với cha mẹ.

Điệu múa giáo cờ, giáo quạt tại lễ hội làng Thượng Liệt.

Điệu múa giáo cờ giáo quạt bắt đầu sau khi lễ rước hai bà Thợ kết thúc. Số lượng người tham gia múa đông với khoảng 40 - 50 người. Ở một vài lớp múa có thêm ông đọc róng và ông quản trò. Múa giáo cờ giáo quạt có khoảng 36 cấp múa như: múa đi sứ, múa má, múa bái vua, múa cửa, múa rè, múa sắc ngũ phương và múa chèo đò... Các động tác múa tập trung diễn tả cảnh sinh hoạt nơi thôn quê, phản ánh nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Cũng như các loại hình văn hóa truyền thống khác, múa rối nước hay lễ hội làng Thượng Liệt hiện nay đang chịu ảnh hưởng ít nhiều của văn hóa hiện đại và thiếu lớp trẻ kế cận. Song nghệ nhân phường múa rối xã Nguyên Xá, xã Đông Các cũng như Ban quản lý lễ hội làng Thượng Liệt vẫn nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa này. Bởi đây là món ăn tinh thần, thể hiện sự sáng tạo của nhân dân lao động và có ý nghĩa giáo dục và cố kết cộng đồng rất lớn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa lễ hội làng Thượng Liệt, xã Đông Tân và nghệ thuật múa rối nước ở xã Nguyên Xá và Đông Các vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào song cũng đặt ra vấn đề giữ gìn, bảo tồn và phát triển các di sản. Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu, nhận diện giá trị của di sản; khuyến khích những nghệ nhân cao tuổi truyền dạy cho thế hệ trẻ; đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước nhằm giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản. Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, lựa chọn và lập hồ sơ các di sản văn hóa tiêu biểu báo cáo UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bảo tồn và phát huy được nghệ thuật múa rối nước xã Nguyên Xá, xã Đông Các và lễ hội truyền thống làng Thượng Liệt là việc làm cần thiết, nhất là khi các di sản đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mỗi người, mỗi đơn vị, địa phương cần chung tay và quan tâm hơn nữa để bảo lưu những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Hoàng Lanh