Chủ nhật, 17/11/2024, 09:45[GMT+7]

Thái Thụy phát huy công tác xã hội hóa trong bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa

Thứ 2, 21/01/2019 | 08:14:26
2,012 lượt xem
Những năm qua, công tác xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa (DTLSVH) được các cấp, các ngành huyện Thái Thụy quan tâm đẩy mạnh, đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng giữ gìn và phát huy các giá trị DTLSVH trên địa bàn.

Tu bổ, tôn tạo khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Công trình nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh nằm trong quần thể khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại thị trấn Diêm Điền là một trong những công trình được huyện Thái Thụy kêu gọi đầu tư bằng nguồn xã hội hóa .Trong đó, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng đã quyên góp ủng hộ gần 4 tỷ đồng để xây dựng công trình. Công trình được huyện Thái Thụy khởi công tháng 7/2017, khánh thành đúng dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 2/2/2018).

Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được xây dựng theo kiến trúc cổ, mái ngói cong dốc, mặt bằng nhà hình chữ đinh, diện tích hơn 141m2, kết cấu bê tông cốt thép theo kiểu kết cấu gỗ. Đây là nơi thờ song thân phụ mẫu lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, các anh chị em trong gia đình; thờ lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, đồng chí Hồ Ngọc Lân, ban thờ chư vị.

Ngoài công trình nhà tưởng niệm, trong quá trình thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh giai đoạn 1, huyện Thái Thụy còn kêu gọi nguồn xã hội hóa để đầu tư thêm một số hạng mục khác trong khu lưu niệm. Từ đó tạo cho khu lưu niệm có một tổng thể hài hòa, tôn nghiêm, không gian thoáng đạt, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng thời, là nơi tri ân sự hy sinh, những công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Hiện nay, huyện Thái Thụy có 25 di tích cấp quốc gia, 76 di tích cấp tỉnh. Theo ông Nguyễn Bá Hiện, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện: Những năm qua, các cấp, các ngành trong huyện đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa bảo tồn DTLSVH, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di tích. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí đầu tư thông qua chương trình mục tiêu quốc gia cùng với kinh phí tôn tạo di tích hàng năm, các di tích được tôn tạo đúng quy định, bảo đảm chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Trong năm 2018, toàn huyện có 17 di tích thực hiện việc trùng tu, tôn tạo và phục hồi, đều xin phép các cấp, thẩm quyền và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, khắc phục được tình trạng các di tích xếp hạng tu sửa tùy tiện, không xin phép ở các xã, thị trấn. Năm 2018, UBND huyện cũng đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng/di tích để chống xuống cấp cho 8 di tích. Nguồn vốn trên đã được các ngành chức năng huyện kiểm tra và hoàn thiện hồ sơ cấp phát theo quy định.

Cũng theo ông Nguyễn Bá Hiện, do ảnh hưởng của thời gian, trong đó niên đại xây dựng của các di tích trên địa bàn huyện chủ yếu vào triều đại nhà Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn cùng sự ảnh hưởng của khí hậu, côn trùng phá hoại nên nhiều di tích đã xuống cấp, trong đó có 54 di tích, cụm di tích đã được xếp hạng hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, thời gian tới, các cấp, các ngành trong huyện tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa công tác xã hội hóa để bảo tồn DTLSVH, nhất là các di tích đang xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa đến các tầng lớp nhân dân; siết chặt quản lý hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn, quán triệt và thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, đặc biệt là thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Trần Tuấn