Chủ nhật, 17/11/2024, 09:35[GMT+7]

Tục thờ Thổ Công và Tết Táo quân

Thứ 2, 28/01/2019 | 09:05:55
4,121 lượt xem
Theo truyền thống của người Việt Nam thì trong mỗi gia đình dù giàu hay nghèo đều có tục thờ Thổ Công theo tâm thức “đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Xưa nay, người ta vẫn tin rằng Thổ Công là vị thần coi sóc phần đất ở và che chở cho gia đình mình. Tục thờ Thổ Công gắn với tết Táo Quân vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm với tâm niệm tiễn ông Táo lên chầu Trời.

Tục thờ Thổ Công - ông Táo mà dân gian vẫn gọi là thờ vua bếp được truyền tụng bằng một câu truyện vừa éo le, vừa mang đậm tính nhân văn. Chuyện kể rằng:

Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ vốn rất thương yêu nhau. Một lần vì có chuyện bất hòa với chồng nên người vợ bỏ nhà ra đi rồi lấy người chồng khác. Do siêng năng làm lụng nên cuộc sống của người vợ với người chồng mới có khá giả hơn. Người chồng cũ ở lại một mình buồn chán, bỏ bê công việc làm ăn đến mức tiêu tan cả gia sản phải đi ăn mày kiếm sống. Một hôm đi lang thang, vô tình anh ta vào xin ăn đúng nhà người vợ cũ. Chị ta thương cảm đang tìm cách gì để chu cấp thì chẳng may người chồng ở ngoài đồng về. Sợ chồng biết chuyện, người vợ liền giấu vội người chồng vào đống rạ. Nào có ngờ đâu, người chồng cũ đang ở ngoài đồng phải vội về nhà để đốt đống rạ lấy tro than bón ruộng. Đống rạ bốc cháy, người chồng cam chịu chết mà không ra. Người vợ đau lòng bèn nhảy luôn vào đống lửa để cùng chết. Người chồng mới biết chuyện, thương tâm cũng nhảy luôn vào chết theo. Chuyện này đã thấu Trời. Thấy ba người giàu nghĩa, nặng tình mà cùng chết, Trời bèn phong cho họ làm vua bếp.

Tục xưa bếp đun bằng rơm rạ hoặc bằng củi, mỗi bếp thường nặn 3 hòn đất, đặt theo thế chân kiềng để đun nấu. Hòn giữa tượng trưng người vợ gọi là vua bà, hòn bên trái tượng trưng người chồng cũ là Thổ Công, hòn bên phải tượng trưng người chồng mới là Táo Quân.

Theo chức trách Trời giao cho ba vị thần bếp này là trông coi đất đai, nhà cửa, vườn tược, tài sản, ngăn giữ không cho tà ma xâm phạm đến nhà gia chủ và hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp phải về Trời báo cáo về công việc ở hạ giới.    

Tin về truyền thuyết này nên thuở trước gia đình nào cũng lập ban thờ Thổ Công, nếu không đặt ban thờ riêng thì bát hương thờ Thổ Công đặt chung với ban thờ gia tiên nhưng thường được kê cao hơn một chút. Cũng chính vì tin là có thần bếp nên việc giữ gìn vệ sinh bếp núc thuở xưa thường rất chú trọng, coi đó là sự thiêng liêng. Người lớn thường nhắc trẻ trong nhà nếu để bếp bẩn hoặc đồ đun không sạch là có tội với thần bếp.

Vào những ngày tuần tiết, giỗ chạp khi khấn lễ gia tiên xong thường không thể quên khấn Thổ Công: “Cung thỉnh bản gia Thổ Công đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân đồng lại hiến hưởng”.

Ngày 23 tháng Chạp được gọi là ngày tết Táo Quân. Mọi gia đình đều phải chăm lo sắm sửa lễ cúng tiễn chân ông Táo về Trời. Trước khi bày lễ phải dọn dẹp, lau chùi ban thờ, vệ sinh nhà bếp, dùng nước ngũ vị vẩy khắp cả bếp để tẩy uế. Trong bộ đồ mã cúng thần bếp thường có một mũ vua bà, hai mũ vua ông và con cá chép làm bằng giấy hoặc con cá chép sống để Táo Quân cưỡi về Trời.

Người xưa thường quan niệm là ông Táo bay về Trời vào tối 23 tháng Chạp và ở Thiên đình đến đêm trừ tịch vào lúc giao thừa mới trở về. Từ tối 23 tháng Chạp đến đêm giao thừa ông Táo vắng nhà nên ở trần gian mọi việc đều “bách vô cấm kỵ”, mọi việc đều không kiêng kỵ gì, do vậy những trường hợp cưới xin, làm nhà gặp tuổi kim lâu đều có thể triển khai trong những ngày ông Táo đi vắng. Tục cúng giao thừa để kính cáo với gia tiên phù hộ độ trì cho con cháu một năm mới tốt lành nhưng cũng có lễ riêng bày trước bát hương ông Công để đón ông về an vị.

Cũng lại vì quan niệm ông Táo vắng nhà, không có ai coi giữ phần đất, nhà cửa, sợ ma quỷ vào nhà nên từ tối 23 tháng Chạp ở mỗi nhà đều dựng cây nêu, buộc cung tên vào để ngăn ma quỷ và dùng vôi bột rắc thành hình cung tên trước sân, buộc những cành gai trước ngõ để ngăn không cho ma quỷ vào nhà.

Bắt đầu từ tết Táo Quân, nhà nhà đều lo chuẩn bị mọi thứ để vui tết Nguyên đán theo hoàn cảnh của mỗi nhà.

Nguyễn Thanh
Vũ Quý, Kiến Xương