Chủ nhật, 17/11/2024, 09:30[GMT+7]

Mừng tuổi đầu năm

Thứ 3, 29/01/2019 | 10:26:20
1,748 lượt xem
Mỗi dịp tết đến, xuân về, người Việt thường chào đón năm mới bằng rất nhiều phong tục độc đáo. Cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ, những lời chúc tốt đẹp thì sự hiện diện của phong bao lì xì cũng là một phần không thể thiếu, góp cho ngày tết thêm ấm cúng. Tuy vậy, những năm gần đây, tục mừng tuổi đầu năm cũng có nhiều chuyện để bàn.

Nét đẹp văn hóa truyền thống

Từ nhiều đời nay, mừng tuổi đầu năm đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa tiêu biểu trong đời sống người Việt. Đêm giao thừa là lúc mọi người bắt đầu được nhận phong bao lì xì. Những người lớn tuổi trong gia đình thường mừng tuổi cho con cháu để lấy may, kèm theo là lời chúc hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang... Ngược lại, con cháu cũng chuẩn bị phong bao lì xì biếu ông bà, cha mẹ với mong muốn cầu cho các bậc bề trên năm mới sức khỏe dồi dào, bình an, trường thọ. Với quan niệm màu đỏ là màu của may mắn, khi mừng tuổi người Việt thường chọn phong bao lì xì màu đỏ. Dù giá trị trong phong bao lì xì là bao nhiêu thì người nhận cũng rất vui bởi ý nghĩa mang tới điều tốt đẹp, may mắn và hơn cả là niềm vui khi được trao nhận sự quan tâm, may mắn.

Và những biến đổi

Trước đây, phong bao lì xì thường là màu đỏ tượng trưng cho may mắn. Hình và chữ in trên phong bao lì xì cũng rất đặc trưng của tết truyền thống như cành đào, tràng pháo, bánh chưng với những lời chúc như: “Chúc mừng năm mới”, “An khang, thịnh vượng”, “Vạn sự như ý”... Nhưng nay, khi đời sống ngày càng phát triển đã tác động đến tục mừng tuổi đầu năm. Trước tiên, những phong bao lì xì được thiết kế phong phú, đa dạng với nhiều màu sắc bắt mắt hơn. Tại một cửa hàng tạp hóa trên đường Minh Khai (thành phố Thái Bình), chị Nguyễn Thị Loan giới thiệu với chúng tôi rất nhiều mẫu phong bao lì xì với đủ sắc, to nhỏ khác nhau. Ngoài những mẫu truyền thống, năm nay, phong bao lì xì có nhiều mẫu mới mà giới trẻ rất ưa chuộng tìm mua như mẫu phong bao lì xì biến tấu in những câu nói theo trào lưu xì tin như: “Tết này vẫn giống tết xưa/Vẫn là con nít, vẫn ưa lì xì”, “Năm con heo khéo kiếm tiền”... Một chủ shop bán phong bao lì xì online chia sẻ: Năm nay xuất hiện thêm những phong bao lì xì in hình tờ tiền Việt Nam và các nước với mệnh giá khác nhau cũng được rất nhiều người ưa chuộng. Song cũng là phong bao in hình tờ tiền nhưng mẫu in hình tờ tiền đô la và tờ tiền Việt Nam mệnh giá cao có giá bán đắt hơn phong bao lì xì in hình tờ tiền lẻ. Bởi vì ai cũng thích “tiền to”, “tiền ngoại” dù chỉ là cái vỏ phong bao lì xì. Như vậy, việc biến đổi phong bao lì xì in hình tờ tiền có thể đáp ứng sự tò mò, thích đổi mới của giới trẻ. Nhưng việc in phong bao lì xì hình tờ tiền Việt Nam lại là hành vi vi phạm pháp luật và có thể chịu mức phạt lên đến 80 triệu đồng, tuy nhiên, vẫn có nhiều trang mạng xã hội công khai chào bán loại phong bao lì xì này.

Mừng tuổi đầu năm có bị thương mại hóa?

Bên cạnh những thay đổi về hình thức của phong bao lì xì thì tục mừng tuổi cũng thay đổi theo hướng coi trọng giá trị vật chất hơn. Mừng tuổi đầu năm không còn đơn thuần là chúc nhau may mắn nữa mà ẩn chứa đằng sau những phong bao lì xì đó là sự toan tính của con người. Một số người trước khi chuẩn bị phong bao lì xì, cho tiền mừng tuổi vào trong đó phải tính toán với đối tượng này thì bỏ bao nhiêu thì vừa, thì hợp lý, đạt mục đích, để vui lòng người nhận... Những toan tính của người lớn nhiều khi vô tình tác động đến những đứa trẻ, khiến chúng mất đi nét vô tư, trong sáng khi để ý đến giá trị đồng tiền, rồi so sánh, ganh đua, thể hiện thái độ khi nhận được phong bao lì xì mà tiền trong đó có mệnh giá thấp, đặt người lớn vào tình huống khó xử. Chị Phạm Thị Hà, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Tết năm ngoái sang nhà đồng nghiệp chúc tết, khi mừng tuổi cho mấy đứa trẻ cả con, cả cháu trong gia đình bạn, mình bị một phen ngại mặt. Khi vừa nhận lì xì, bọn trẻ mở luôn ra xem và nói với nhau: “Có mỗi 20.000 đồng, thời này mà vẫn còn mừng tuổi tí tiền” làm cả mình và bố mẹ chúng đều ngại. Mừng tuổi đầu năm từ nét đẹp truyền thống đang trở thành một trong những gánh nặng tài chính, góp phần vào tâm lý “sợ tết" của nhiều người bởi sau đó phải méo mặt cân bằng chi tiêu.

Ngày nay, khi đời sống ngày càng được nâng lên, những giá trị xưa cũng dần thay đổi để phù hợp hơn với thực tế. Thế nhưng, không có nghĩa là chúng ta để cho đồng tiền chi phối tất cả. Mỗi người nên cùng nhau bảo vệ nét đẹp của phong tục truyền thống, để tục mừng tuổi đầu năm được nguyên vẹn với ý nghĩa ban đầu của nó.

Lê Hà Anh
(Sinh viên thực tập)