Chủ nhật, 17/11/2024, 05:32[GMT+7]

Kỷ vật “kể lại” thời chiến

Thứ 3, 14/05/2019 | 08:38:18
5,168 lượt xem
Gần 400 tư liệu, hình ảnh, hiện vật về bộ đội Trường Sơn trưng bày tại Bảo tàng tỉnh đã tái hiện lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là những kỷ vật không thể nào quên trong cuộc đời của mỗi người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh trao tặng hiện vật cho Bảo tàng tỉnh.

Những vật dụng bình dị

Trong các tư liệu, hình ảnh về bộ đội Trường Sơn do hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh trao tặng, có nhiều hiện vật là đồ dùng cá nhân do chiến sĩ tự tạo từ pháo sáng, bom bi, mảnh đạn hay những lá thư, quân trang, quân dụng, chiến lợi phẩm thu được của lính Mỹ… Mỗi hiện vật là một câu chuyện cụ thể, gắn liền với cuộc đời người lính trong những năm tháng đầy gian khổ, chiến đấu anh dũng vì Tổ quốc.

Trao tặng hiện vật cho Bảo tàng tỉnh, người chiến sĩ lái xe Trường Sơn năm xưa không giấu nổi sự xúc động. Đôi tay ông nâng niu, trân trọng chiếc mũ sắt, áo chống đạn và mảnh khăn dù đã gắn bó với mình suốt những năm tháng nơi chiến trường. Ông quyết định trao lại để Bảo tàng tỉnh lưu giữ, trưng bày, giúp nhiều người hiểu hơn về cuộc chiến mà những người lính như ông đã trải qua. Trong ký ức của mình, ông Phạm Ngọc Sơn, quê xã Phú Châu (Đông Hưng) vẫn không thể nào quên những chuyến xe chở vũ khí, đạn dược, hàng hóa, thực phẩm, thương binh từ binh trạm vào chiến trường và ngược lại. Tham gia quân ngũ từ năm 1972, thuộc Tiểu đoàn cơ động, Binh trạm 42, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, hành trang người lính Phạm Ngọc Sơn mang theo trên những chặng đường dài không nhiều, đơn giản chỉ là chiếc khăn dù, quần áo, mũ và một số vật dụng thiết yếu khác. Gắn bó mỗi ngày, những vật dụng ấy đã trở thành người bạn thân thiết của người lính lái xe Trường Sơn. Chiến tranh ác liệt, khó tránh khỏi thương vong và trong một lần chở hàng từ Binh trạm vào Thành cổ Quảng Trị, xe của ông bị trúng bom, ông bị thương ở phần mặt và tay. Chiếc mũ sắt bị cháy mất phần quai. Sau khi điều trị, đồng đội đưa lại cho ông những đồ vật ấy làm kỷ niệm và ông luôn giữ bên mình suốt mấy chục năm qua. Bởi nó là những gì còn lại của ông trong những ngày sống, chiến đấu nơi chiến trường.

Trong triển lãm trưng bày chuyên đề 60 năm bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh còn có những kỷ vật chứa đựng vui, buồn, cảm xúc về tình yêu của người lính. Chiếc khăn, vật làm tin, hẹn ước tình yêu của nữ chiến sĩ Trần Thị The, quê xã Quang Trung (Kiến Xương), thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 668, Trung đoàn 592, đường ống xăng dầu với bộ binh Bùi Quốc Lược là một trong kỷ vật giản dị, thiêng liêng nhưng cũng đầy thiệt thòi về tình yêu của họ. Lớn lên cùng nhau tại một vùng quê nghèo, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, những đoàn viên thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ. Khác đơn vị, cộng thêm sự khốc liệt của chiến tranh nên họ đành gác lại chuyện riêng tư, tập trung toàn trí, toàn lực vì nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chỉ đến năm 1971, hai người mới tình cờ gặp lại nhau khi đơn vị của bà The hành quân đến đường 9 Nam Lào. Cuộc gặp gỡ xúc động diễn ra chóng vánh chừng vài phút, họ chỉ kịp trao nhau chiếc khăn và bức ảnh chân dung để làm tin. Sau đó, bà nhận được tin ông hy sinh. Nỗi đau, tình cảm dồn nén chất chứa trong chiếc khăn làm tin ngày ấy. Bà giữ nó như một kỷ niệm thiêng liêng của cuộc đời, ký ức về tình yêu dang dở, một thiệt thòi, hy sinh của đôi lứa yêu nhau thời chiến.

Kỷ vật của người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Phần thưởng được Bác Hồ gửi tặng

Những hiện vật trao tặng không chỉ có vật dụng do các chiến sĩ chế tạo, quân trang, quần áo hay chiến lợi phẩm thu được từ địch mà còn có những phần thưởng đầy ý nghĩa, ghi nhận chiến công anh dũng, sự gan dạ, quả cảm của họ nơi chiến trường. Được Bác Hồ gửi tặng chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Polijot do Liên Xô sản xuất vì có nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ nơi chiến trường, gần 50 năm qua, bà Phạm Thị Phàn, sinh năm 1948, xã Thái Thuần (Thái Thụy) luôn giữ chiếc đồng hồ bên mình và coi đó như một kỷ vật thiêng liêng của cuộc đời. Nhắc lại kỷ niệm được Bác Hồ gửi tặng chiếc đồng hồ đeo tay bà Phạm Thị Phàn, nữ chiến sĩ lái xe Binh trạm 12, Đoàn 559 không giấu được niềm vui, sự tự hào. 

Bà Phàn chia sẻ: Đầu tháng 4/1969, đoàn xe nhận nhiệm vụ phải cấp tốc chở súng, đạn vượt Cổng Trời chi viện ngay cho các đơn vị phía trong. Binh trạm 12 lấy tinh thần xung phong chở hàng ngay trong đêm, chuyển thương binh về hậu cứ. Tôi đã xung phong dẫn đầu, làm hoa tiêu cho cả đoàn xe dưới làn mưa bom của giặc Mỹ. Với tinh thần ấy và những chiến công đã được lập trước đó, tại buổi tổng kết thi đua của Binh trạm 12, tôi và một đồng đội (quê Nam Định) được Bác Hồ gửi tặng chiếc đồng hồ đeo tay như một phần quà động viên, khen thưởng cho những thành tích đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ. Khi ấy cả đơn vị có hai người được nhận chiếc đồng hồ nên ai cũng rất xúc động. Bản thân tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Tôi cảm nhận được sự quan tâm của Bác dù ở xa, sức khỏe yếu nhưng vẫn không quên động viên chiến sĩ, đồng bào của mình.

Kể từ khi được trao tặng, chiếc đồng hồ luôn là người bạn đồng hành cùng bà Phàn trong mỗi hành trình dài đầy nguy hiểm. Chiếc đồng hồ trở thành điểm tựa tinh thần giúp bà vượt qua cung đường từ dốc Cổng Trời sang cửa khẩu Cha Lo. Những nơi được mệnh danh là “túi bom” khổng lồ hay “con đường tử thần” thời chiến. Trong một lần đi làm nhiệm vụ, không may chiếc đồng hồ bị văng ra khỏi xe, bà Phàn đã cố gắng nhặt lại những phụ kiện, lắp ghép lại và mang đi sửa nhưng không được như cũ. Dù vậy, bà vẫn nâng niu, giữ gìn chiếc đồng hồ như một báu vật. Giờ đây, chiếc đồng hồ đã được bà Phàn trao tặng lại cho Bảo tàng tỉnh.

Chiến tranh đã đi qua nhưng những kỷ vật ấy vẫn còn. Dù gắn bó nhiều năm và luôn được người lính trân quý, giữ gìn song họ vẫn sẵn sàng trao tặng lại để thế hệ trẻ có thể hiểu hơn về lịch sử dân tộc, về những hy sinh, gian khổ nhưng đầy anh dũng, tự hào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ đó, tiếp bước cha anh, có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.


Hoàng Lanh

  • Từ khóa