Chủ nhật, 17/11/2024, 05:46[GMT+7]

Bế mạc Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2019

Thứ 3, 14/05/2019 | 16:45:49
1,415 lượt xem
Sau chuỗi sự kiện, hoạt động trong 3 ngày chính thức của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đăng cai tổ chức, sáng ngày 14/5, tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Tam Chúc (Hà Nam) đã diễn ra Lễ bế mạc và thông qua Tuyên bố chung Vesak 2019 – Tuyên bố Hà Nam 2019.

Dự Lễ bế mạc có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình; Chư tôn đức giáo phẩm đại diện cho Phật giáo các nước và tông phái Phật giáo trên thế giới; Chư tôn đức giáo phẩm GHPGVN; lãnh đạo và đại diện Liên hợp quốc, các quốc gia, các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cùng toàn thể đồng bào, phật tử trong, ngoài nước. 

Phát biểu diễn văn bế mạc, Hoà Thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN nhấn mạnh: Với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” đã nói lên tầm vóc, ý nghĩa lớn lao của Đại lễ Vesak kỷ niệm ngày Đức Phật dân sinh, thành đạo và nhập Niết bàn, cùng với sự khẳng định giá trị cốt lõi về hoà bình và trí tuệ trong giáo lý của Đức Phật, hơn bao giờ hết, càng cần thiết được phổ biến trong xã hội ngày nay để xây dựng sự phát triển bền vững và hoà bình đích thực cho nhân loại.

Hoà Thường Thích Thanh Nhiễu khẳng định Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 16 tổ chức tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Tam Chúc, Hà Nam đã thành công viên mãn; đồng thời cảm ơn Uỷ ban tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc ICDV đã tin tưởng trao cho GHPGVN đăng cai tổ chức Đại lễ và mong muốn tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị trong tình huynh đệ của những người con Phật với cộng đồng Phật giáo thế giới. 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu tại buổi Lễ bế mạc.

Phát biểu tại Lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Đại lễ Vesak Liên hợp quốc đã trở thành ngày hội văn hoá chan hoà tinh thần đoàn kết quốc tế, nêu cao thông điệp hoà bình, đoàn kết và yêu thương trên nền tảng tư tưởng của đức Phật - bậc minh triết được Liên hợp quốc suy tôn và nhân loại ngưỡng mộ, là nơi gặp gỡ của Phật tử và những người yêu kính đạo Phật.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2019 được tổ chức tại Việt Nam - đất nước yêu chuộng hoà bình, tiếp tục giương cao ngọn cờ nhân văn hoà bình, hữu nghị và hợp tác của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc, kết nối sức mạnh, tình đoàn kết, gắn bó, tinh thần nhập thế và sự nỗ lực cùng nhau hành động của Phật tử trên khắp thế giới, vì hoà bình, hợp tác và tiến bộ xã hội.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2019 tại Việt Nam với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” đã được tuyên xưng trong tinh thần dân chủ, hoà hợp và trách nhiệm lớn lao. Các ý nguyện tốt đẹp về một thế giới hoà bình, về một xã hội phát triển bền vững đã được thảo luận, thống nhất thể hiện qua tuyên bố chung Hà Nam Vesak 2019, khẳng định sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung vào việc hiện thực hoá Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo cao cấp GHPGVN và thế giới dự Lễ bế mạc Đại lễ Vesak 2019. 

Với những đóng góp đó, chúng ta hy vọng về một tương lai tươi sáng của nhân loại và những bất ổn của xã hội như: chiến tranh, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, khổ đau của nhân loại, khoảng cách giàu nghèo, vấn đề đói nghèo và biến đổi khí hậu,…từng bước được đẩy lùi. Tư tưởng tốt đẹp của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc sẽ tiếp tục thu được lợi ích sâu sắc và to lớn, để thông điệp về hoà bình và yêu thương của Đức Phật luôn tỏa sáng. 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình bày tỏ, đất nước Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới, đạt được nhiều thành tựu phát triển, trong đó có việc thực hiện Các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế, phát triển y tế, giáo dục và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật. Các tôn giáo ở Việt Nam luôn gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia tích cực giải quyết các vấn đề trong đời sống xã hội như từ thiện, giáo dục, y tế. Việt Nam sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, có chính sách tốt hơn nữa để không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống của người dân đặc biệt là những người nghèo, những người ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước thực hiện bình đẳng xã hội, xây dựng đất nước Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao sự nỗ lực và chúc mừng thành công của GHPGVN và các thành viên của Uỷ ban tổ chức quốc tế, Ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019, các ban, bộ, ngành  liên quan và tỉnh Hà Nam, cùng toàn thể phật tử đã dành nhiều tâm huyết, công sức để Vesak 2019 đạt được kết quả tốt đẹp.

Như vậy sau 3 ngày làm việc, trong Lễ Bế mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019, tất cả các đại biểu đã nhất trí thông qua Tuyên bố Hà Nam 2019 với 8 điều cơ bản: Cam kết chung cùng thực hiện đầy đủ các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc; Hồi đáp của Phật giáo về trách nhiệm cùng chia sẻ; Cách tiếp cận Phật giáo về xã hội bền vững; Lãnh đạo có chính niệm vì hoà bình bền vững; Cách tiếp cận Phật giáo về gia đình hài hoà, y tế và xã hội bền vững; Cách tiếp cận Phật giáo đối với giáo dục toàn cầu về đạo đức; Phật giáo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Cách tiếp cận Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững./.

Theo dangcongsan.vn