Thứ 2, 18/11/2024, 09:20[GMT+7]

Hành trình về “Miền đất lửa”

Thứ 4, 28/03/2012 | 09:06:28
2,883 lượt xem
Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã kết thúc. Những câu chuyện về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chúng tôi chỉ biết được qua lời kể của thế hệ cha anh - những người đã cầm súng chiến đấu anh dũng tiêu diệt  kẻ thù xâm lược. Có những người may mắn trở về, nhưng còn rất nhiều người vĩnh viễn nằm lại ở các chiến trường xưa…

Tôi có may mắn được cùng đi với đoàn đại biểu Hội cựu chiến binh và thân nhân liệt sỹ đang công tác tại cơ quan Thành ủy – UBND Thành phố Thái Bình về thăm nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Đây là một hoạt động thiết thực trước thềm Đại hội Hội Cựu chiến binh cơ quan Thành ủy – UBND Thành phố Thái Bình nhiệm kỳ 2012-2017.

 

Hành trình từ Tp Thái Bình lúc 4h30, chúng tôi đi đến ngã ba Quán Hàu (Quảng Bình) rồi cắt lên đường Hồ Chí Minh (đường Trường Sơn) xuôi về phía nam đi chừng 65km,  đến 17h40 chúng tôi mới đặt chân xuống nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn.

Nghĩa trang Quốc gia trường sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt thuộc địa phận xã Vĩnh Trường huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị, ở phía nam của thượng nguồn sông Bến Hải. Nghĩa trang là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các liệt sỹ đã ngã xuống trong 16 năm khai mở, giữ vững và phát triển con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Với 10.263 ngôi mộ, nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn như một “dấu lặng” giữa đại ngàn Trường Sơn. Trong khuôn viên gần 40 ha là một sự tĩnh lặng và trang nghiêm giữa ngàn xanh Trường Sơn. Tôi được biết, trong 16 năm khai mở và xây dựng con đường Trường Sơn huyền thoại đã có gần 20 ngàn người ngã xuống. Hiện tại vẫn còn không ít người nằm lại giữ ngút ngàn núi rừng Trường Sơn. Đồng đội các anh, những người còn sống vẫn đau đáu một nỗi niềm:

Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa

Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn

Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương

Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng

Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng…

Mười nghìn khát vọng được về bên nhau.

(Khát vọng Trường Sơn - Nguyễn Hữu Quý)

 

 

Dù vậy, tên các anh các chị đã trở thành tên đất nước, máu xương các anh các chị đã hóa tượng đài nơi vùng đất  lửa.

“Trường sơn đông nắng tây mưa

Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”

Quả thực, có ai đã từng nói, đến Quảng Trị mà chưa lên viếng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn thì coi như chưa đến. Đến  đây, người ta được nhiều lắm. Được thấy tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Namon>, thấy sự hy sinh cao cả của những người nằm xuống cho đất nước ngày hôm nay. Nhưng cái được lớn nhất của mọi người là ai cũng soi lại được lòng mình với một sự thành thản lạ kỳ.

Chúng Tôi đến Quảng Trị mùa này trời chưa có nắng gắt và gió Lào nóng rát; đường Hồ Chí Minh dẫn đến nghĩa trang thẳng tắp, phẳng lỳ, xe bon bon chuyển bánh; hai bên đường đi những dấu tích chiến tranh xưa đã lùi xa nhường chỗ cho những cánh rừng cao su, rừng keo tai tượng  ken đặc bên nhau đang bật lên những mầm non trên thân cây trơ trụi sau mùa đông lạnh giá. Cùng với hàng nghìn đồng chí đồng đội hy sinh trên tuyến đường huyền thoại, 677 người con ưu tú của quê hương Thái Bình mãi mãi nằm lại giữa Trường Sơn trong lời ru rì rào của đại ngàn hùng vĩ.

 

Trên đồi Bến Tắt, mộ liệt sỹ được xếp từng khu vực theo tỉnh, thành phố, trải dài, mỗi khu có đài tưởng niệm với kiến trúc phảng phất hình ảnh các vùng quê đất nước. Khu mộ liệt sỹ Thái Bình mới được đầu tư xây dựng một đài tưởng niệm liệt sỹ ở nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Đây là một công trình có ý nghĩa lớn, nêu bật bản sắc của quê lúa Thái Bình với biểu tượng gác chuông Chùa Keo mái đao cong vút…

Bên đài tưởng niệm liệt sỹ Thái Bình tại nghĩa trang quốc gia Trường sơn cùng với những cựu binh trong đoàn, có người đã để lại cả phần xương máu tại các chiến trường ác liệt chúng tôi ai nấy đều rưng rưng trong lòng… Anh Đỗ Đình An, Chủ tịch UBND Thành phố Thái Bình mắt rưng rưng dòng lệ, anh có may mắn được “gặp” người cha thân yêu của mình – Liệt sỹ Đỗ Đình Hán đã anh dũng hy sinh và nằm lại nơi đây, nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn. 

 

Rời nghĩa trang Trường Sơn khi trời đã nhập nhoạng, trong khói hương lập lòe bảng lảng, trước vong linh các liệt sỹ bên tôi như văng vẳng đâu đó những lời ru ngọt ngào từ một bài thơ dành tặng cho các anh các chị những người đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập của dân tộc:

Anh cứ ngủ yên giấc nghe anh

Khoảng trời xưa bốn mùa êm dịu nắng…

…Hãy ngủ đi…dù mới sớm mai kia

Khi thức dậy chỉ mình anh với cỏ

Trường sơn thương anh nên từng lá đỏ

Và mây lặng im - mây trắng đến bây giờ…

(Lời ru Trường Sơn-Hoàng Cẩm Giang)

 

Chúng tôi đến Thành cổ vào một buổi sớm trời còn lất phất mưa bay. Chị Nguyễn Thị Khánh Chi - hướng dẫn viên Bảo tàng thành cổ đã dẫn dắt chúng tôi, những người đến từ quê lúa xa xôi hồi tưởng lại về miền ký ức của 81 ngày đêm máu lửa đúng 40 năm trước.

 

Di tích thành cổ rộng khoảng 16ha chỉ có toàn cỏ và dừa theo lời chị hướng dẫn viên mỗi gốc cây, mỗi ngọn cỏ trong khu dich tích này lại là linh hồn một người lính đang yên nghỉ. Tượng đài Thành cổ thâm trầm và trang nghiêm, nơi yên nghỉ của hàng vạn người đã ngã xuống trên mảnh đất này. Và mỗi tiếng chuông ngân như lời các anh từ thế giới bên kia vọng lại với một tấm lòng thỏa nguyện.

Cuộc cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ của quân và dân ta trong 81 ngày đêm đã lùi xa cách đây 40 năm. Nhưng ký ức vẫn còn lung linh như một huyền thoại và đã trở thành một khúc tráng ca bất tử trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Chị Nguyễn Thị Khánh Chi cho biết: “Sau khi đánh chiếm Đông Hà, Ái Tử, 381, ngày 01/05/1972, quân giải phóng từ các hướng đã ào ạt đánh chiếm cứ điểm La Vang và tiến vào giải phóng thị xã Quảng Trị. Thất thủ quảng Trị, đồng nghĩa với sự thất thủ nhiều mặt của đế quốc Mỹ. Bộ máy chính quyền tay sai Ngụy quyền bị lung lay. Hòng vớt vát thể diện, Mỹ-Ngụy đã tập trung tối đa hỏa lực với hơn 80 nghìn quân hòng tái chiếm Quảng Trị”. Tái chiếm được Quảng Trị Mỹ-Ngụy sẽ đạt được âm mưu về chính trị, quân sự, ngoại giao, lấy lại được tinh thần, tẩy xóa được tâm lý thất bại đang phát triển tràn lan trong quân đội Ngụy, cản bước tiến của quân ta, chiếm lại mảnh đất địa đầu chiến lược miền nam; đồng thời gây sức ép với ta tại hội nghị Paris. Và như vậy thành cổ Quảng Trị được chọn làm trận quyết chiến chiến lược giữa ta và địch. Trong 81 ngày đêm (từ 27/6 đến 16/9/1972) Mỹ - Ngụy huy động mỗi ngày hơn 300 lượt máy bay, trong đó có hơn 100 pháo đài bay B52 và 20 tuần dương hạm để dội xuống thị xã Quảng Trị nhỏ bé chỉ hơn 1km2, 328 nghìn tấn chất nổ tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) trong thế chiến thứ II- năm 1945.

 

Cả ngôi thành cổ vững chắc từ thời Minh Mạng thế kỷ 19 với những bức tường thành dày hàng chục mét cũng đã bị bom đạn đập nát. Thành cổ tơi bời san phẳng đến nỗi người ta phải thốt lên rằng: Không còn một ngọn cỏ, một viên gạch nào ở Thành cổ còn nguyên vẹn. Theo ước tính đã có hơn 14 nghìn chiến sỹ cách mạng đã hy sinh nơi đây. Phần lớn trong số họ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại dưới “cỏ xanh non tơ” để những tuổi hai mươi hóa đất, hóa hồn.

 

Trong Bảo tàng Thành cổ trưng bày khá nhiều di vật; đoàn chúng tôi không ai cầm nổi nước mắt trước những di vật của của những chiến sỹ cách mạng đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch 81 ngày đêm máu lửa của 40 năm trước tìm thấy được trong các cuộc quy tập hài cốt liệt sỹ. Đặc biệt trong số đó có bức di thư chưa kịp gửi 10 trang giấy học trò nét chữ rắn rỏi của Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh quê xã Lê Lợi huyện Kiến Xương. Anh nguyên là sinh viên năm thứ 4 khóa 13 trường Đại học Bách khoa Hà Nôi…Anh Huỳnh đã viết bức thư này vào ngày thứ 77 của chiến dịch; mở đầu bức thư anh viết: “Toàn thể gia đình kính thương…Con viết mấy dòng cuối cùng phòng khi đi nghiên cứu bí mật của lòng đất…xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày mừng tin chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như lúc nào con cũng ở bên mẹ…Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống  trọn đời cho Tổ quốc mai sau…” Bức thư viết vội vã chưa kịp gửi về cho vợ và gia đình với những dự cảm kỳ lạ mà đến nay đã 40 năm chúng ta vẫn chưa hết kinh ngạc…

 

Cuộc chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng những chiến công, sự hy sinh anh dũng của các anh vẫn còn sống mãi như một khác tráng ca bất tử; trong cuộc chiến đấu giành lại độc lập cho dân tộc chưa có nơi nào trên dải đất Việt Nam thân yêu này mỗi tấc đất là máu, là thịt như ở nơi đây. Và, chúng tôi thế hệ sinh ra và lớn lên khi đất nước đã bình yên tiếng súng xin gửi lại một tấm lòng tri ân với sự hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sỹ. Rời thành cổ, từ sâu thẳm của trái tim mình chúng tôi vẫn thấy luôn vọng mãi một niềm tự hào với những chiến công đã đi vào huyền thoại của cả dân tộc như khúc tráng ca bất tử. Xe đã rời xa thành cổ, bên tôi vẫn còn đọng lại những câu thơ mà chị hướng dẫn viên đã dồn nén tình cảm của mình để gửi gắm tới đoàn:

“Hễ có Việt Namon> có cổ thành

Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh

Huân chương khó đủ từng viên gạch

Tấc đất từng giây mỗi lá cành”

 

Điểm dừng chân cuối cùng kết thúc chuyến hành hương của Đoàn là Ngã Ba Đồng Lộc. Em Nguyễn Thúy Hiền Thương-hướng dẫn viên khu di tích với cặp kính trắng lấp lánh, trong bộ đồ thanh niên xung phong, bên hố bom - nơi hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong trước đây, bằng thứ giọng trọ trẹ đặc trưng của người con xứ Nghệ kể: “Trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước, nơi đây là một trọng điểm bắn phá của định nhằm cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch vận chuyển vũ khí và lương thực vào chiến trường miền nam. Đây cũng là chiến trường ác liệt giữa ta và địch, nơi đây đã ghi dấu nhiều chiến công trở thành huyền thoại của những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi. Trong cuộc chiến đấu dầy gian khổ, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một dấu son chói ngời. Nơi đó có hàng ngàn, hàng vạn người là bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thong, dân công, dân quân du kích…gửi lại tuổi thanh xuân, dốc hết nhiệt tình, sức lực, trí tuệ của mình để thong đường, thông xe ra tiền tuyến góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

 

Ngã ba Đồng Lộc có vị trí quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc-Nam qua địa bàn Hà Tĩnh. Nhận rõ vị trí, tầm quan trọng của nơi này, địch đã tập trung đánh phá ác liệt khuc vực này. Suất ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn. Đất đá bị đào xới nhiều lần; hố bom chồng chất hố bom. Thế nhưng, trong sự gian khổ hy sinh ác liệt đó những chàng trai, cô gái là bộ đội, TNXP, dân công, dân quân du kích vẫn luôn nở nụ cười, quyết tâm giữ cầu, bám đường, giư vẵng mạch máu giao thông với tinh thần sắt đá: “Địch phá một, ta làm 10”.

 

Từ địa chỉ này, nhiều chiến công, nhiều con người đã đi vào huyền thoại. Như hành động dũng cảm của Uông Xuân Lý đã không ngại hy sinh lái máy gạt đẩy bom từ trường ra xa thông đường cho “những chuyến xe qua”. Hay là chiến công của người con gái sông La- Anh hùng La Thị Tám đã đi vào huyền thoại. Trong suất 200 ngày đêm ròng rã đứng trên núi Mòi quan sát, đánh dấu cắm tiêu 1205 quả bom chưa nổ. Hoặc những chiến công của “vua phá bom Vương Đình Nhỏ” trong việc rà phá bom nổ chậm…

 

Cuộc chiến đã qua hơn 40 năm nhưng huyền thoại về “10 đóa hoa bất tử” vẫn còn tươi rói như mới hôm nào. Ngã ba Đồng Lộc còn đó hố bom đã cướp đi cuộc sống của 10 cô TNXP vào ngày 24/7/1968. Giữa trời Đồng Lộc thông reo, trên đồi Trọ Voi mây trắng vờn bay lơ lửng là nơi yên nghỉ của 10 cô TNXP, “10 nấm mộ, 10 phím đàn dưới cỏ” hòa cùng vào hồn thiêng của sông núi…khi các chị ra đi có người còn chưa vướng một chút tơ lòng.

 

Được đến thăm và thắp một nén hương thơm trước vong linh của các anh hùng liệt sỹ nơi đây mà giờ đây sự hy sinh đó đã trở thành bất tử là ước mong của cả triệu người. Đứng trước Đài tưởng niệm và mộ của 10 cô gái TNXP kiên cường, dũng cảm, gan dạ và bất khuất, chúng tôi không ai dấu được niềm xúc động, bày tỏ lòng biết ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Xin được thắp một nén hương thơm gửi lại một sự tri ân với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ.

 

Giờ đây khu di tích đã thực sự trở thành địa chỉ đỏ về về giáo dục truyền thống, chủ nghĩa yêu nước anh hùng cách mạng của nhân dân ta. Vẫn theo em gái Huyền Thương hướng dẫn viên khu di tích, hàng ngày, có hàng chục đoàn với hàng ngàn người về đây thăm viếng, trong đó không ít người từng đến đây nhiều lần. Và, Đồng Lộc- địa chỉ đi vào lịch sử vào huyền thoại của dân tộc như nhà thơ Huy Cận đã từng viết:

Nghìn năm sau lịch sử sẽ còn ghi

Những năm tháng chiến tranh ác liệt

Nghìn vạn chuyến xe đi

Qua trái tim ngã ba Đồng Lộc.

(Ngã Ba Đồng Lộc).

 

Đối với chúng tôi, những thành viên trong đoàn cựu chiến binh, thân nhân liệt sỹ cơ quan Thành ủy - UBND thành phố Thái Bình được đến thăm các địa danh mà giờ đây đã trở thành bất tử của “miền đất lửa” khi xưa, chúng tôi càng hiểu rõ hơn trách nhiệm của thế hệ mình, để sống xứng đáng với công lao, sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh.

 

Lại Văn Mạnh

(Văn phòng HĐND-UBND Thành phố Thái Bình)

 

 

  • Từ khóa