Thứ 2, 18/11/2024, 09:46[GMT+7]

Rực đỏ mùa hoa gạo

Thứ 5, 05/04/2012 | 14:03:00
4,391 lượt xem
Không nuột nà, không đài các kiêu sa như những hoa hồng, hoa cúc…, hoa gạo mang vẻ đẹp mộc mạc mà cuốn hút. Hoa có năm cánh to dày, căng mọng, cánh hoa khum khum giống như lòng bàn tay. Những bông hoa gạo đỏ rực, đẹp như chính những trò chơi rất đỗi trẻ con mà ai cũng một lần đi qua.

Trong nắng nhẹ đầu hạ, hoa gạo bùng nở, cháy hết mình. Hoa thắp đỏ một khoảng trời rồi lặng lẽ xoay mình trên không trung gieo mình theo gió vẫn mang theo sắc đỏ khi lìa cành. Những bông hoa  mộc mạc, dân dã nhắc về tuổi thơ xa lắc, một thời hồn nhiên đầy tiếng cười giòn qua từng bờ ruộng chênh vênh, qua những đụn rơm nghèo khó…

Còn được biết tới với cái tên đầy chất thơ “mộc miên”, loài hoa dân dã này vẫn được người Việt quen gọi bằng cái tên thật giản dị - hoa Gạo. Cây gạo, loài cây quá đỗi quen thuộc với những làng quê bởi nó còn tượng trưng cho nét đẹp, nét văn hóa trong đời sống tâm linh. Nơi chứa đựng biết bao huyền bí qua những câu chuyện kể của bà.

Chuyện rằng: Ở một bản nọ có chàng trai nghèo yêu cô sơn nữ xinh đẹp. Khi họ chuẩn bị cưới thì trời đổ mưa. Cơn lũ lớn cuốn phăng ngôi nhà và lễ vật của chàng trai. Dân bản trồng cây nêu để chàng trai lên trời hỏi sự tình. Ngày ra đi, chàng trai buộc vào tay cô gái băng vải đỏ, mỗi đầu có tua năm cánh thay cho lời thề thủy chung. Gặp Ngọc Hoàng, chàng thưa: “Trần gian mưa nắng thất thường, cuộc sống con người rất khổ cực, xin người xem xét lại”. Ngọc Hoàng hỏi ai trông coi mưa nắng, một vị thần tâu: “Đó là thần Sấm, nhưng thần Sấm vốn ham vui nên có lúc xao nhãng”. Thần Sấm thưa: “Một mình thần không làm xuể. Xin Người giữ chàng trai này lại giúp thần làm mưa”. Ngọc Hoàng chuẩn tấu và truyền nâng bầu trời xa mặt đất để người hạ giới không lên được nữa. Chàng trai đành ở lại làm thần Mưa.

Nhớ người yêu, nước mắt chàng trào ra. Nói về cô gái. Ngày nào cô cũng trèo lên cây nêu trông ngóng. Một ngày tháng Ba, Ngọc Hoàng xuống hạ giới. Biết chuyện, ngài cho cô một điều ước. Nàng thưa: “Xin người biến cây nêu thành loài hoa có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao để thần nhìn thấy anh ấy, dải vải đỏ biến thành bông hoa để anh ấy nhận ra thần”. Thỏa nguyện, cô gái gieo mình từ trên cao xuống. Nhìn những bông hoa đỏ nâng niu linh hồn người yêu, nước mắt thần Mưa rơi lã chã. Người đời sau gọi loài hoa có màu đỏ ấy là hoa Gạo. Loài hoa đỏ rực như tình yêu nồng thắm.

Có lẽ, ít có thứ cây nào lại hào phóng sắc đỏ đến thế. Mỗi bông hoa to đậu trên cành trông như một đốm lửa. Không nhẵn nhụi như bao loài cây khác, cây gạo thân xù xì đầy gai. Khi cây vươn cao mới  trổ cành vươn ra xung quanh. Mùa đông, thân gạo trơ khấc không một chiếc lá xanh, im lìm phơi sương gió. Và khi mùa xuân về, cây gạo như qua giấc ngủ đông, dồn sức sống lên đầu cành với cơ man chồi biếc và nụ. Nụ hoa tiếp dòng nhựa sống lớn dần rồi đến tháng Ba hoa bung nở đỏ rực một khoảng trời.

Hoa gạo có sự tích ra đời buồn và lãng mạn. Hoa không chỉ làm đẹp các bản làng vùng cao mà còn điểm tô trên những cánh đồng trung du và miền xuôi, hoa báo hiệu đã vào mùa cấy. Màu hoa lộng lẫy quyến rũ. Dù bầu trời có mù sương thì màu hoa đỏ rực vẫn nổi bật trên nền trời xám đủ để vẫy gọi các loài chim cùng đám ong mật đến thưởng thức vẻ đẹp của chính mình và làm “sững sờ” cho ai đó khi bất chợt ngước nhìn lên cây.

Tháng Ba lại về. Tháng của một mùa hoa rực rỡ sắc màu khiến lòng người bỗng dưng chùng lại với chút buồn miên man tìm về những hoài niệm ấu thơ rực ngời trong ký ức.

Ngọc Hân

  • Từ khóa