Thứ 2, 18/11/2024, 09:40[GMT+7]

Liên Hiệp Vùng đất lịch sử và huyền thoại

Thứ 5, 12/04/2012 | 14:11:44
3,345 lượt xem
Cũng như bất cứ người dân Việt nào khi đi xa đều da diết nhớ quê và nếu có điều kiện thường tìm về thăm quê cha đất tổ của mình. Xa quê hàng chục năm, bôn ba đất khách xứ người, tôi về thăm quê để chia vui với người trong làng, trong xã nhân dịp khánh thành Ðình làng Nứa vừa mới được trùng tu trên nền Ðình cũ.

Ðền thờ Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung

Liên Hiệp là tên mới của xã, thành lập sau cách mạng tháng Tám. Hiện có 6 thôn: Quan Chiêm, Bến Bái, Ngừ, Nại, Nứa, Khuốc với 300,5ha diện tích đất tự nhiên; số nhân khẩu trong xã là 5.149 người. Theo các cụ già trong làng và thần tích, thần phả thì trước đây xã có tên là: “Khuông Phù” thuộc tổng Tống Xuyên, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình - với 3 thôn: An Nữ - Nhữ Thuỷ (Nay là làng Nứa), Chi Cấp (Làng Khuốc), Phù Ngự (Làng Ngừ). Sau này thêm các thôn An Hải (Nại), Bến Bái (Bùi Lâm),  Quan Sát (Quan Chiêm).

 

Các làng trước đây vào thời Lê thuộc Tổng Tống Xúc sau mới đổi là Tổng Tống Xuyên. Cuộc sống của người dân quê tôi chủ yếu dựa vào đồng ruộng, nhưng các làng đều có nghề riêng của mình: Quan Chiêm, Bến Bái thường trồng mía, trồng đay. Ở đây có giống mía Sài Ðường, Tiêu Hoà, Mía Ðùi gà thân to, dóng ngắn, tước vỏ đi khi ăn mía rất giòn, độ ngọt đậm, mát và bổ. Có lẽ không có nghề nào vất vả bằng trồng mía và trồng đay. Khi cây lớn phải vào trong ruộng tuốt lá mía và tước vỏ đay. Cực nhọc nhất là khi trời nóng rát, nồng nực khó chịu nhưng vẫn phải làm. Làng Nứa, làng Ngừ từ xa xưa có nghề đan võng cha truyền con nối. Còn gì thích hơn khi trời nóng nực, buộc hai đầu võng vào hai thân cây ở vườn cứ thế tha hồ mà đu võng. Khi còn nhỏ, tôi vẫn nghe bà hát:

 

“Hỡi cô thắt  lưng bao xanh

Có về làng Nứa với anh thì về

Làng Nứa sông, ruộng tứ bề

Có ao tắm mát, có nghề võng đan”.

 

Quả thật, trước đây ba mặt của làng là ruộng cấy lúa, một mặt giáp sông Thái Sư. Vì thế mà đường vào làng gặp phải mùa mưa nước dâng cao phải xắn quần mà lội mới đi được tới ngõ nhà mình. Câu ca xưa: “Trăm cái tội không bằng cái lội làng Nứa” vẫn cứ ám ảnh người dân quê tôi. Ðến nay đường làng đã được tôn cao, rải đá, láng xi măng vào tận từng nhà. Cuộc sống đã thay da, đổi thịt. Vất vả khó khăn là thế nhưng người dân Liên Hiệp vẫn gắn bó với quê hương, đoàn kết cùng nhau xây dựng nông thôn mới. Ðến nay công tác dồn điền đổi thửa, làm các công trình thuỷ lợi nội đồng, cứng hoá kênh mương, đường giao thông liên thôn liên xã đã được hoàn tất. Một diện mạo nông thôn mới đã và đang khởi sắc ở nơi đây.

 

Theo các cụ cao niên trong làng: Liên Hiệp là đất Ðịa linh nhân kiệt, theo người xưa truyền lại thế đất nơi đây có ấn, có án thư, có minh đường hoàng đạo, có chim Ðại bàng đỗ, có đất hình nhân tất sinh người tài giỏi. Chẳng biết có đúng hay không nhưng ở vùng quê tôi làng nào cũng có Di tích lịch sử: Làng Ngừ, làng Nại là nơi có lăng mộ Thái sư Trần Thủ Ðộ và Linh từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung. Vào những ngày tế lễ đầu năm hoặc những ngày cúng giỗ Thái sư Trần Thủ Ðộ và Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung người dân quê tôi đều nô nức trẩy hội tưởng nhớ công lao của vợ chồng Thái sư. Lũ trẻ chúng tôi thường thức dậy rất sớm để theo sau kiệu rước hoặc chen nhau xem múa rồng, chọi gà, đấu vật. Hội mở ba ngày, dân các nơi trong vùng kéo đến dự hội chật đường làng, sân đình.

 

Thưở xa xưa, làng còn có tên là làng Phù Ngự. Vào cuối thời Lý, vùng đất này là trang ấp của ông Tô Trung Từ, một vị quan triều Lý. Truyền rằng, khi đó ở Lưu Gia Trang (nay là Lưu Xá - Canh Tân) có dòng họ Trần từ Tức Mặc (Nam Ðịnh) sang định cư, vốn trước làm nghề chài lưới, sau trở nên giàu có trong vùng. Trong dòng họ đó đến đời ông Trần Lý đã lấy chị ruột của Thái uý Tô Trung Từ. Trần Lý sinh Trần Thừa, Trần Tự Khánh và Trần Thị Dung ....

 

Tương truyền khi còn nhỏ tuổi, bà Trần Thị Dung thường sang ở nhà cậu ruột Tô Trung Từ tại đất Phù Ngự. Nếu như cuộc hôn nhân giữa ông Trần Lý và cô gái họ Tô là tiền đề đầu tiên cho quá trình lập nghiệp, nuôi chí lớn sau này của dòng họ Trần, thì sự hiện diện của bà Trần Thị Dung lại là tiền đề trực tiếp cho sự thay đổi của Vương triều nhà Trần đối với Vương triều nhà Lý vào những năm sau đó. Gần 800 năm trôi qua, với biết bao biến động của thời gian, nhưng Phù Ngự xưa - Liên Hiệp nay vẫn còn thuỷ chung giữ lại được những dấu ấn đẹp đẽ của người con gái họ Trần đã một thời làm vẻ vang, rạng rỡ cho quê hương, đất nước. Nhắc tới Phù Ngự là có cô gái làng Ngừ và nhắc tới cô gái làng Ngừ là thấy miền đất giúp họ Trần lên ngôi ở trong đấy. Quê hương Phù Ngự còn là nơi Linh từ Quốc mẫu đã đưa toàn bộ gia quyến hoàng tộc, vợ con các tướng lĩnh về sơ tán sống ở đây và các làng xã xung quanh khi kinh thành bị quân Nguyên xâm chiếm.

 

Ðối với lịch sử dân tộc đất Phù Ngự không phải là nơi  có nhiều chiến công hiển hách như Chương Dương, Tây Kết, Bạch Ðằng hay nơi đặt thi hài của các vua Triều Trần ở Tam Ðường (Tiến Ðức), Thâm Ðộng (Hồng Minh); nhưng Phù Ngự lại là vùng quê đặc biệt. Những chiến công mà mảnh đất và con người ở đây làm nên thầm lặng như cuộc đời thăng trầm của cô gái làng Ngừ trên bước đường dựng nghiệp và bảo vệ vương triều nhà Trần. Lẽ tất nhiên có sự giúp đỡ, đóng góp của toàn dân nhưng vai trò tiêu biểu của bà Trần Thị Dung, của dòng họ Tô v.v..  vẫn có một vị trí đặc biệt đáng trân trọng.

 

Sau này, bà và chồng là Tướng quốc Thái sư Trần Thủ Ðộ khi qua đời đều chọn vùng đất Phù Ngự xưa (trong đó có làng Ngừ, làng Nại) làm nơi yên nghỉ cuối cùng. Hiện nay ở làng Nại còn đền thờ và lăng mộ của bà, nơi đây đã được tu sửa khang trang sạch đẹp, quanh năm hương khói. Cạnh đó dòng sông Thái Sư dạt dào sóng vỗ, đồng lúa dậy hương thơm, cỏ cây hoa lá xanh tốt, gió thổi rì rào như ru giấc ngủ ngàn thu của người phụ nữ đã một thời góp phần quan trọng dựng lên vương nghiệp nhà Trần mà sử sách xưa từng viết: “Trời sinh Linh Từ để mở nghiệp nhà Trần”

 

Hàng năm nhân dân Phù Ngự cứ đến ngày mùng 6 và mùng 7 tháng Giêng thường tổ chức lễ hội cúng Tướng quốc Thái sư và bà Linh Từ. Các con thú bằng đá để ở mộ ông hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Namon>. Gần đây ngôi Ðình thờ ông (bị giặc Pháp tàn phá) đã được UBND tỉnh, huyện và nhân dân trong xã tôn tạo lại khang trang to đẹp. Khu vực thờ ông được sửa sang tường bao vững chắc, trước mộ có nhà bia và hai hàng nến đá chạy dọc theo sân từ nhà bia tới mộ. Cây đa cổ thụ trên mộ ông vẫn toả bóng vươn xa, càng tăng thêm vẻ linh thiêng ở nơi thờ tự vị Thái sư đầu tiên của Vương Triều Trần. Ðền và Ðình làng Khuốc thờ ông hàng năm cũng đều tổ chức lễ hội long trọng - đây là ngôi Ðình cổ kính to nhất xã. Bức tượng cổ tạc chân dung ông hiện được thờ trong Ðền được coi là một trong những bức tượng đẹp nhất ở Thái Bình và trong cả nước.

 

Qua cây cầu chênh vênh nối làng Khuốc với làng Nứa (làng Nứa ngày nay là sự sát nhập của hai ấp xưa: An Nữ và Nhữ Thuỷ), tới cái chợ nhỏ mà ngày bé tôi vẫn thường theo bà đi bán võng, với ước mong chỉ để được ăn bát canh bánh đa nấu cua, thứ bánh đa vừa mềm vừa ngon nổi tiếng của làng Me (Hoà Tiến). Cách đó không xa là Ðền thờ bà “Thiều Dương Công chúa” - công chúa con của vua Trần Thái Tông và bà Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng Thái Hậu. Trong đền còn bài vị, câu đối thờ bà - nghe nói trước đây có tượng thờ rất đẹp, nhưng nay không còn. Hiện trong đền còn lưu giữ được bảy đạo sắc phong cho Thiều Dương công chúa - từ thời các vua: Lê Cảnh Hưng năm thứ 44 đến thời Gia Long, Tự Ðức, Ðồng Khánh, Duy Tân và đạo cuối cùng là của vua Khải Ðịnh năm thứ 9 (25/7/1924).

 

Theo các tư liệu lịch sử, thần tích, thần phả, sắc phong, tài liệu điền dã thì khoảng vào năm 1266 bà đã xin vua cha về mở trang trại ở ấp An Nữ, Nhữ Thuỷ. Bà mộ dân nghèo các nơi đến khai khẩn đất hoang ở cạnh sông Thái sư, đào đầm, ao, xây chùa, tô tượng,  giúp người Chăm (Chiêm Thành) mở ấp Quan (Quang) Chiêm; xây cầu bắc qua sông Nại (sông Thái sư). Ngày 01 tháng tư năm Ðinh Sửu, vua Trần Thái Tông băng hà, bà nghe tin dữ, lúc đó vừa mới ở cữ ra sức khoẻ còn yếu lại cộng thêm nỗi đau mất cha, khí uất trào lên, bà đã mất cùng ngày với vua cha. Chắc hẳn theo nguyện vọng lúc sinh thời của bà nên chồng bà là Văn Hưng Hầu đã đưa bà về an táng tại trang An Nữ (làng Nứa). Thể theo nguyện vọng của dân làng, triều đình đã cho xây đền thờ và xuống chiếu cho bản ấp tôn làm Thành Hoàng, cấp hàng trăm mẫu ruộng làm đất tế tự, hương hoả, giao cho dân An Nữ cày cấy, lấy lộc để quanh năm hương khói cho Thiều Dương công chúa. Hiện trong đền còn đôi câu đối:

 

“Kính thiên hiếu khốc danh tại sử

An Nữ ân thâm thuỵ vĩnh trường”

(Có nghĩa: Tiếng khóc thương vua ghi trong sử, có ơn sâu với dân làng An Nữ, tiếng thơm còn mãi muôn đời).

 

Hàng năm đến mồng một tháng tư dân làng lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ tới bà, một vị công chúa nổi tiếng hiếu thảo, người đã có công, có ân sâu nghĩa nặng với dân làng Nứa, Quan Chiêm...

 

Không chỉ là nơi sinh sống và có lăng mộ của các hoàng thân quốc thích nhà Trần mà đất Liên Hiệp với các làng cổ xưa: Chi Cấp, Ngừ, Nhữ Thuỷ, An Nữ còn là vùng đất nổi tiếng khoa bảng, nhất là vào thời Lê, Nguyễn. Theo các tài liệu lịch sử còn lưu lại: đất Phù Ngự xưa là quê hương của Tiến sĩ Ðoàn Huệ Nhu - thời vua Lê Thánh Tông. Các già làng kể lại: Tiến sĩ Ðoàn Huệ Nhu khi còn nhỏ nhà nghèo, thấy ông chăm học nên một người họ Phạm đã nhận làm con nuôi. Vì thế có sách chép tên ông là Phạm Huệ Nhu. Khoa thi năm Ðinh Mùi (1487) ngày mồng 7 tháng 4 vua Lê Thánh Tông thân ngự điện ra bài thi hỏi về: “Ðạo Trị Bình”, khoa thi đó Ðoàn Huệ Nhu đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Bia văn miếu và sách Ðăng Khoa Lục ghi ông là người Làng Phù Vệ (bên cạnh làng Phù Ngự - nay thuộc Liên Hiệp); không rõ ông sinh và mất năm nào. Có tài liệu còn ghi lầm ông là người quê ở Bình Giang - Hưng Yên.

 

Năm 1491 ông được vua cử đi xứ sang nhà Minh - Trung Quốc. Với tài năng của mình ông đã làm cho giới quan lại Trung Quốc và sứ thần các nước lúc đó có mặt ở kinh đô nhà Minh đã phải kính nể khâm phục tài năng văn chương của ông. Khi về nước ông được vua đưa vào Ðông cung để dạy Thái tử. Ðương thời ông là người nổi tiếng có tài thơ phú. Ðược vua Lê Thánh Tông mời tham dự trong “Tao đàn nhị thập bát tú” do đích thân nhà vua làm chủ suý.

 

Ðến năm 1499, làng Nhữ Thuỷ (nay thuộc làng Nứa) có ông Lê Thừa Hưu đỗ đồng Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi triều vua Lê Hiển Tông, làm quan đến chức Bình khoa đô cấp sự trung; ông được sung chức Phó sứ đi Trung Quốc. Ðình làng trước đây còn có bia thờ ông và bài văn tế có đoạn viết: “Sinh quang thuận (1460 - 1470), Cập để Kỷ Mùi (1499), Sứ thượng quốc nguyên, hoà cầu phong đế vị, phúc thần hộ quốc tri dân, công ký thanh sử vạn niên, danh phương vĩnh lại” (Nghĩa là: Sinh năm Quang Thuận (1460-1470), đỗ tiến sĩ Cập đệ khoa Kỷ Mùi (1499), đi xứ cầu phong Vương, chết được làm Phúc thần, hộ quốc trì dân, công ghi sử xanh. Muôn thủa danh thơm mãi mãi còn truyền).

 

Theo gương sáng người xưa học đạo Thánh Hiền, đến năm 1724 ấp Nhữ Vĩnh (Nhữ Thuỷ) - (xã Liên Hiệp) huyện Ngự Thiên lại có ông Ðồng Hưu đỗ tiến sĩ. Sử ghi ông sinh năm 1687, không rõ mất năm nào, thuộc dòng dõi quan Tể tướng nhà Lê (Ðồng Tôn Cảnh) - quê gốc ở đất Chí Linh - Hải Dương, sau di cư đến ấp Nhữ Vĩnh (Nhữ Thuỷ) sinh sống, học tập. Khoa thi năm Giáp Thìn đời vua Lê Dụ Tông niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724) đỗ Ðệ Tam Giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Ông đã từng làm Huấn đạo hàm Tự Khanh; hai lần được triều đình cửa đi sứ Trung Quốc. Sau này ông về Trí Sĩ và mất tại Chí Linh - Hải Dương.

 

Nối tiếp truyền thống hiếu học của cha ông, ngày nay trong xã Liên Hiệp có nhiều người là Tiến sĩ, Thạc sĩ và hàng trăm người đậu Cử nhân (Ðại học) ở các chuyên ngành. Hàng năm vào ngày đầu xuân và ngày 1 tháng Tư (âm lịch) làng mở hội, từ khắp nơi trong và ngoài nước người dân quê tôi lại trở về sum họp với gia đình và dự lễ hội tưởng nhớ tới những danh nhân lịch sử, văn hoá của quê hương. Ðể khi xa quê, mỗi người dân Liên Hiệp lại càng thêm tự hào về truyền thống văn hiến vẻ vang của ông cha mình, hăng say lao động đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho sự trường tồn của đất nước và sự giàu đẹp của quê hương thân yêu.

 

Bài, ảnh: Ðặng Hùng - Lương Thư

(Thành Phố)

 

 

 

 

  • Từ khóa