Thứ 2, 18/11/2024, 09:32[GMT+7]

Mùa giáp hạt...

Thứ 5, 19/04/2012 | 16:10:43
33,909 lượt xem
Khi mùa xuân đã đi gần hết quãng đường, mùa hạ chuẩn bị gõ cửa, thiên nhiên như cô gái đang tuổi lớn, đỏng đảnh, thất thường, xen giữa gió lạnh cuối mùa, lại những ngày nồm ẩm và cả những ngày nắng đẹp vô thường gọi mùa mới. Trong cái xôn xang của đất trời, lòng người cũng chứa ẩn những cảm xúc nhiều mâu thuẫn. Tâm trạng hân hoan đón mùa mới lại xen chút lưu luyến, trống trải khi mùa cũ đang qua.

Đồng làng. Ảnh: Hữu Dụng (Thành phố)

Mùa cũ qua, mùa mới đến, thành thị quen gọi là giao mùa nhưng ở nông thôn, bà con nông dân gọi là giáp hạt. Những ngày giáp hạt mà ngày trước ông bà ta gọi là “tháng 3 ngày 8” mới thật đặc trưng. Đó là khi lúa ngoài đồng đang đẻ nhánh, rau màu mùa lạnh đã tàn mà mùa nóng chưa lên, cây trái trong vườn mới đang nhú nụ. Ruộng vườn, làng quê những ngày giáp hạt như hoang hoải, rộng dài. Đàn ông, thanh niên trai tráng tranh thủ ra thành phố tìm việc, đàn bà con trẻ kéo nhau ra đồng bòn tí rau, con tép chờ qua ngày thóc cao, gạo kém. Có lẽ trong ký ức của nhiều thế hệ vẫn chưa nguôi ngoai nỗi khắc khoải, chờ đợi mùa mới đến. Cái xót xa của nhà nông phải bán lúa non khi không thể chờ đến mùa gặt. Cả cảnh khóc dở, mếu dở của cán bộ, viên chức nghèo nơi đô thị khi đón khách vào mùa giáp hạt. Một trưa đi làm về, thấy khách ở quê lên, chẳng cần hỏi nhưng nhìn nụ cười bẽn lẽn, gượng gạo của người anh em, họ hàng thì biết ngay là lên để mượn tiền. Cảm giác vừa bực bội, vừa thương cảm.

Dù không lớn lên ở nông thôn và được sinh ra khi đất nước đã hoà bình, song trong ký ức của những thế hệ 7x, 8x như chúng tôi, những ngày giáp hạt vẫn ở lại với không ít kỷ niệm bùi ngùi. Đó là những trưa đi học về, bụng đói meo, nồi còn nóng nguyên mà cơm đã hết. Lại những trưa nhà có khách ở quê lên, mẹ dặn trốn cửa sau chui bờ rào sang hàng xóm vay gạo. Ở nhà tôi, hàng năm cứ vào độ sau tết, chuẩn bị sang hè là hay có khách nhất. Trong số những người ở quê lên có ông ngoại. Mọi người bảo ông tôi số vất vả, một đời người ba lần vợ bởi hai bà đầu đều chết sớm. Khi tôi lớn lên, bắt đầu biết cảm nhận cuộc sống thì biết ông tôi sống cảnh vất vả của người đàn ông có vợ trẻ mà lại đông con.

Quanh năm bận mải, ông chỉ lên nhà con gái khi vào độ tháng 3. Cả năm ông mới lên nhà chơi một lần. Ngày thường ăn uống kham khổ, ông lên, thế nào mẹ tôi cũng mua ít thức ăn cải thiện. Đến bữa, bố tôi lại mang bình rượu rót mời ông. Nhấp một chút rượu, ông chậm rãi: “Bố biết anh chị cũng không có nhưng anh chị mượn hộ bố vài trăm cho các em đóng học với đong gạo. Mùa lên, có thóc rồi bố gửi…”. Bố tôi “vâng” nhưng mẹ tôi thì im lặng. Xong bữa, mẹ nói dỗi: “Bố chỉ lo cho các con trai bố nhưng chẳng bao giờ bố thương, bố nghĩ cho con gái…”. Dù còn nhỏ nhưng tôi phần nào hiểu được ý tứ, tình cảm của người lớn. Mẹ tôi lớn lên trong khó khăn và thiếu thốn tình cảm, lại phải sớm tự lập, tình cảm của mẹ dành cho ông ngoại là thứ tình cảm vừa thương vừa giận. Câu nói của mẹ làm không khí cuối bữa cơm như chùng xuống. Không kịp nghỉ giấc trưa, ông ngoại hấp tấp ra về. Bố tôi đèo ông ra bến xe, trước khi ra cổng tôi nghe tiếng bố buồn như một tiếng thở dài: “Bố biết tính nhà con nóng nảy, bố đừng để ý. Bố để chúng con tính, cuối tuần con về…”.

Tôi mãi mãi không thể nào quên hình ảnh ấy. Hai người đàn ông một đã già, một trung niên bên chiếc xe đạp cà tàng như tan nhoà trong nắng mới. Tôi nhìn theo, mũi cay xè. Quay vào nhà thấy mẹ đang với khăn mặt lau mắt. Thế là những ngày sau tôi thấy cả mẹ và bố đôn đáo chạy ngược chạy xuôi đi vay tiền để cuối tuần có tiền cầm về cho ông. Xen giữa những ngày nắng mới tươi đẹp, những cảnh tương tự như thế diễn ra suốt những năm tháng tuổi thơ của tôi. Đó là một nỗi buồn mơ hồ nhưng đầy ám ảnh trong ký ức của cô bé tuổi 9,10.  Lần nào cũng vậy, ông về rồi, mẹ lại giấu bố và chị em tôi vào bếp lau mắt.

Mãi sau này, khi đã thực sự bước vào cuộc sống của một người trưởng thành, tôi mới hiểu mẹ, mới hiểu cái tình cảm khi mà người ta phải vừa giận, vừa thương một ai đó thì đáng sợ như thế nào. Đó là thứ tình cảm đeo đẳng, day dứt và đầy dằn vặt, nó làm con tim ta nhói đau khi nghĩ về người đó. Những khi mệt mỏi, ta muốn chạy trốn khỏi thứ tình cảm ràng buộc đó. Nhưng những đêm thức giấc không thể ngủ lại, trong xót xa thương mình lại muốn thương người khác nhiều hơn. Tĩnh tâm mới hiểu, nếu con người không mang những trách nhiệm tình cảm sẽ rất chông chênh đi trong cuộc đời này, không biết mình là ai và đang sống cho ai!

Giờ đây, cuộc sống cả nông thôn và thành thị đã đổi thay nhiều, cảnh đói kém những ngày giáp hạt đang lùi dần vào dĩ vãng. Bóng những người đàn bà mò cua, bắt ốc trên đồng, những người đứa trẻ gầy gò cắp rổ tìm rau tập tàng, những người đàn ông khắc khổ bước vội trong trưa nắng… có lẽ sẽ chỉ ẩn hiện trong những giấc mơ hỗn độn và chắp vá. Những ngày giao mùa, về qua chợ, thấy cảnh chợ đong đầy, sầm uất. Cam, táo đưa từ miền ngược về, xoài, bưởi từ miền nam ra. Bên hàng rau, xen giữa bắp cải, xu hào là rau muống, mùng tơi mơn mởn… Bọn trẻ bây giờ không còn biết đến cái đói mà hay mắc chứng biếng ăn. Nhìn bọn trẻ, người lớn sẽ nói “ngày xưa…”. Bọn trẻ thì không thích người lớn so sánh “ngày xưa…”. Nhưng ai cũng hiểu, có “ngày xưa” để có “ngày hôm nay”. Nhớ về những ngày nghèo khó để trân trọng và yêu thương hơn ngày no ấm hôm nay.  

Bảo Anh

  • Từ khóa

Phạm Thị Huệ - 5 năm trước

Bai viet hay qua. Camr giac tro ve tuoi tho ngay xua, me toi hay noi: thang 3 ngay 8 thi an qua queo thoi.

Tải thêm