Thứ 2, 18/11/2024, 09:35[GMT+7]

Ký ức Đường sống trâu

Thứ 5, 03/05/2012 | 14:25:54
1,663 lượt xem
Nhắc đến con trâu đâu dám tách rời cái ách cái cày. Nói về con trâu ai dễ lãng quên hình ảnh “Đường sống trâu” thời lam lũ chưa mấy xa. Đường qua lại dọc làng, đường dẫn tới bến sông bãi chợ, đường đưa chân ra ruộng ra hồ, ngay cả chằng chịt ngõ tắt mạch ngang... hễ lối đi nào đủ chỗ cho hoạt động “vai vác cày tay giong trâu” y như rằng nơi ấy lồ lộ dáng “Đường sống trâu” nguyên bản.

Thời nay, Đường sống trâu không còn. Từ nhà đến ngõ; từ ngõ bước tới đường làng; từ đường làng tỏa ra ruộng, ra đầm... tất cả đều kiên cố hóa. Ảnh: Minh Đức

Xưa kia, người nông dân coi con trâu là loại “động sản” thượng đẳng trong số những tài sản hữu hình. Quý giá đến mức có  lời nhắc nhở kinh điển cha truyền con nối: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Muốn hiểu cặn kẽ nền kinh tế lúa nước, muốn biết đời sống lam lũ chốn làng quê Việt Nam cũng chẳng khó khăn lắm nếu chịu nhớ lại những câu chữ đậm chất dân gian truyền đời:


“Vai vác cày tay giong trâu
Con trâu đi trước cái cày đi sau
Trâu ơi ta bảo trâu này....”

Nhắc đến con trâu đâu dám tách rời cái ách cái cày. Nói về con trâu ai dễ lãng quên hình ảnh “Đường sống trâu” thời lam lũ chưa mấy xa. Đường qua lại dọc làng, đường dẫn tới bến sông bãi chợ, đường đưa chân ra ruộng ra hồ, ngay cả chằng chịt ngõ tắt mạch ngang... hễ lối đi nào đủ chỗ cho hoạt động “vai vác cày tay giong trâu” y như rằng nơi ấy lồ lộ dáng “Đường sống trâu” nguyên bản. Người dân làng quê Việt Nam từng giàu “kỹ năng” chung sống với đường sống trâu đến mức móng chân cứ phải nuôi dài dùng làm “công cụ chống trơn” bấm chặt vào đất mỗi khi mưa to lầy lội.

Nhiều vùng mệnh danh “xứ đất thịt”, “xứ đất sét” đã khó khăn canh tác lại khổ sở đi lại mỗi dịp mưa ngâu tháng bảy. Những làn sóng trâu đường đất sét tắm mưa liên miên trơn quá đổ dầu, đổ mỡ. Ấy vậy nhưng chinh phục những “khổ lộ” này thấy “dân thổ công” tỏ ra lắm “mẹo” ra trò: ở góc nhà nào cũng túc trực đủ thứ gậy trúc. Gậy ngắn dùng cho trẻ con. Gậy dài dành phần người lớn. Để tránh ngã kềnh bất trắc, vào những ngày mưa mỗi khi ra đường cụ già nào cũng kè kè hai tay hai gậy... Vẫn biết “bước trước dẵm đâu bước sau dẵm đấy” vốn là cái bết bất biến của con trâu, con nghé. Do thói quen bẩm sinh này mà mặt đường làng quê chẳng có chỗ nào không gập ghềnh như sóng lượn. Đã đành vậy, bởi thương cho kiếp oằn lưng kéo cày quanh năm suốt tháng nên chẳng ai lỡ oán trách con trâu mà suy nghĩ cho cùng bốn chân con trâu nào có tội vạ gì cho cam.

Bước ra khỏi nhà là gặp đường sống trâu. Đường sống trâu hiển hiện nỗi nhọc nhằn và rõ ràng chứng cớ lên án thế lực thống trị cường quyền. Có chuyện rằng, một lần viên Công xứ người Pháp đi ôtô tới làng nọ ở huyện Thụy Anh kiểm tra việc thu thuế điền sản. Vướng Đường sống trâu gồ ghề, ôtô không thể lăn bánh, viên Công xứ cầm ba toong ra lệnh cho Chánh tổng bắt dân làng tức tốc sửa ngay đường để các quan kịp “thi hành công vụ”.

Cánh Bảo an chạy đôn chạy đáo vào từng ngõ xóm thúc bách nhưng tịnh không người nào chịu vác cuốc ra sửa đường. Viên Công xứ tức tối ra lệnh ngay lập tức tập trung dân ra sân đình nghe hiểu dụ. Sau khi đỏ mặt tía tai buông ra cả tràng tiếng Tây ý trách móc dân bản địa không chịu làm theo lời quan trên, y lại dùng ba toong chỉ gọi một người đứng trước đám đông lên chất vấn. Cũng may ông này là một giáo viên tiểu học rất thông thạo tiếng Pháp. Ông giáo bình tĩnh nhìn thẳng vào viên Công xứ trả lời bằng ngôn ngữ Pháp chính gốc: “Thưa ngài Công xứ, mặc dù chúng tôi năm nào cũng đóng đủ tiền thuế điền, thuế thân... nhưng không thấy chính quyền Bảo hộ lo đường xá, cầu cống cho dân. Làng nào cũng một kiểu “Đường sống trâu” như nhau, hôm nay sửa ngày mai tức khắc trở về nguyên dạng. Đường sống trâu muôn đời gắn chặt với dân cày và sau đến con trâu, con nghé. Chúng tôi đâu có ôtô vì vậy dân làng không chịu vác cuốc ra sửa đường chính là có lý cả đấy, thưa quan...! Oái oăm thay, ngay hôm sau nhà giáo này bị viên Đốc học buộc thôi việc. Và lại chuyện bất ngờ nữa: khi được tin thầy giáo bị cách chức vô lý, đám học trò trường làng đồng loạt bãi khóa để phản đối thái độ ngạo mạn của viên Công xứ Pháp...

Thời nay, Đường sống trâu không còn. Từ nhà đến ngõ; từ ngõ bước tới đường làng; từ đường làng tỏa ra ruộng, ra đầm... tất cả đều kiên cố hóa. Mưa tháng bảy dù lê thê đến mấy, đi lại trên đường cũng chẳng phải dùng móng chân để bấm, chẳng phải chống gậy ngắn gậy dài dò dẫm từng bước như các cụ  ngày xưa, sướng đến vậy là cùng. Được thảnh thơi bộ hành, nhưng bây giờ chẳng vị cao niên nào quên nổi những mạch đường sống trâu thuở gian truân. Chỉ mong lớp con cháu, đừng mạnh ai người ấy chiếm dụng đường làng ngõ xóm; chú ý nhắc nhau đi đứng từ tốn chớ sao nhãng phép tắc luật lệ. Biết làm con đường lại biết chăm bẵm nó, sử dụng nó theo hướng văn hóa, văn minh để vừa an toàn, vừa hiệu quả tức là đã thực sự góp phần xây dựng nông thôn mới.

Hoàng Ngọc Khuyến

(Khu 3, thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy)

  • Từ khóa